25/06/2020 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt của Lê Minh Quốc vừa phát hành chọn một chủ đề lớn, nhưng có cách tiếp cận nhỏ, vì vậy mà đọc dễ dàng, thú vị. Sách mở ra một cái nhìn trải dài, thông qua các nhân vật từ huyền sử, truyền thuyết, tâm linh cho đến đời thực, các anh hùng, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân…
Trong cuốn sách được NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành này, chương 1 viết về Vua Hùng và tứ bất tử của Việt Nam; chương 2 viết về các vị tổ ngành nghề như Tuệ Tĩnh, Phùng Khắc Khoan; chương 3 viết về các danh tài sáng tạo tiên phong như Hồ Nguyên Trừng, Cao Thắng, Trần Đại Nghĩa, Thoại Ngọc Hầu; chương 4 viết về vài cột mốc khơi dòng nghệ thuật hiện đại như Đặng Huy Trứ, Trương Vĩnh Ký, Cao Văn Lầu; chương 5 viết về Nguyễn Du và văn hóa Truyện Kiều, Nguyễn Đình Chiểu và văn hóa Lục Vân Tiên.
“Cấu trúc này, như một sự gợi mở mà tôi rất hy vọng thế hệ hôm nay và mai sau còn sẽ tiếp tục bổ sung thêm các nhân vật khác, ở các lãnh vực khác. Vì rằng, văn hóa của một dân tộc là dòng chảy bất biến, không dừng lại, không đóng khung. Bên cạnh sự du nhập thêm thì cũng có những gì cần loại bỏ hoặc tự nó đào thải, nếu lỗi thời hoặc không phù hợp với thời đại của con người đương thời”- Lê Minh Quốc cho biết.
Văn hóa bắt nguồn từ con người
Đa số các sách viết về bản sắc văn hóa Việt Nam thường chú tâm vào các khái niệm trừu tượng, đôi khi khá mơ hồ, mà ít chỉ khu biệt trong phạm vi con người cụ thể. Nhìn ở khía cạnh này, cách nghiên cứu của Lê Minh Quốc, tuy không mới trên thế giới, nhưng lại là một lối đi rất đáng ghi nhận tại Việt Nam.
Lê Minh Quốc nói: “Tôi chọn những nhân vật mà đóng góp của họ thật sự có tác động đến xã hội. Tức là từ sự khơi dòng của họ đã dẫn đến sự thay đổi về nhận thức, cảm nhận, cách sống, lối sống, phát triển xã hội, thậm chí “gu” thưởng thức nghệ thuật…”
“Ví dụ từ đầu thế kỷ 20, cùng với lưỡi lê, súng đạn, thì dưới ngọn cờ tam tài của quân đội viễn chinh xâm lược Pháp còn có những hình thái văn nghệ, kể cả giáo dục mới tràn vào nước Việt. Sự cọ xát, va chạm của hai nền văn hóa Đông - Tây đã nảy sinh ra một thế hệ trí thức mới, lớp công chúng mới. Họ sẵn sàng tiếp thu cái mới, đòi hỏi người nghệ sĩ phải cải tiến, nâng cao di sản cũ để phù hợp thời đại mới’ - anh giải thích thêm - “Thật vậy, một khi ý thức hệ tư sản ra đời đã dẫn đến thay đổi về tâm lý, nếp sống trong một lớp người mới, những Tứ thư, Ngũ Kinh không còn là khuôn vàng thước ngọc. Văn hóa từ đây sẽ thay đổi, sẽ khai mở một dòng chảy khác. Bằng cách này tôi ngược dần về quá khứ”.
Đọc sách, ta thấy rõ ràng Lê Minh Quốc chọn đứng trên điểm tựa là lòng tự hào dân tộc, để từ đó chọn lựa, chắt lọc ra những nhân vật đặt được dấu ấn trong các dòng chảy văn hóa. Nếu có ưu tiên, đó là ưu tiên chọn lấy những người có tinh thần xả thân vì cộng đồng. Anh quan niệm rằng chính sức mạnh của tinh thần đã tạo ra các giá trị vật chất để dân tộc ta tồn tại.
Anh cũng chú trọng vào sự biến thiên, thay đổi tất yếu của văn hóa, chứ không cực đoan và bảo thủ. Không chỉ với các loại hình hiện đại như nhiếp ảnh, điện ảnh, kịch nói, xiếc… tất phải mới mẻ, mà cả với mỹ thuật, thơ, văn chương cũng phải thay đổi. Thậm chí, ngay cả các loại hình văn nghệ có tính truyền thống như chèo cổ (Bắc bộ), đờn ca tài tử (Nam bộ) cũng phải thay đổi về nội dung, hình thức mới đặng phù hợp với nhu cầu mới, với đòi hỏi bức thiết của công chúng.
Mở rộng các biên độ
Nhiều nhân vật trong sách là nhà quân sự, nhà khoa học, nhà tài phiệt… nhưng đã được soi chiếu dưới góc độ văn hóa, để từ đó nhận ra những đóng góp thiết thực trong việc khơi dòng văn hóa của họ. Đây cũng là một cái nhìn cởi mở, có lý có tình, đáng ghi nhận của Lê Minh Quốc. Nó góp phần giúp độc giả phần nào thoát được cái nhìn bó hẹp về văn hóa.
Sự mở rộng này còn đến từ cách mở rộng quan niệm về tương đồng và dị biệt, để từ đó bao dung và chia sẻ được nhiều nghi thức, nghi lễ, hội hè, biểu hiện văn hóa… đa dạng của từng vùng miền. Nói giả dụ ai cũng mê cải lương, ai cũng mê hát bội, ai cũng mê bài chòi… thế nhưng, nếu nơi nào cũng “sao y bản chính”, “bổn cũ soạn lại” thì chán quá. Có giống đấy, nhưng phải có khu biệt, có dị biệt nhưng vẫn mang được mẫu số chung, thì chúng mới tạo nên được sự tương đồng thực sự trong khái niệm văn hóa Việt.
Đơn cử như trường hợp Thoại Ngọc Hầu. Ông là người đặt dấu ấn về khai hoang, mở mang kênh rạch ở miền Nam đầu thế kỷ 19. Từ kênh Vĩnh Tế mà ông và nhiều tiền nhân để lại cho muôn đời sau, từ thập niên 1990, chúng ta đã có thêm các kênh T4, T5, T6 để chuyển nước lũ từ sông Hậu đổ vào kênh Vĩnh Tế, trở thành một dòng chảy tràn trề sức sống. Nếu chỉ nhìn ở khía cạnh dẫn thủy nhập điền hoặc giao thông, thì cũng đủ thấy sự vĩ đại của Thoại Ngọc Hầu. Nhưng nếu mở rộng tầm nhìn sang văn hóa, rõ ràng tinh thần đào kênh của Thoại Ngọc Hầu đã góp phần khơi một dòng chảy mới về văn hóa kênh rạch ở Nam bộ đến tận ngày nay.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất