Từ "Gladiator II" nhìn về đấu trường Colosseum

28/11/2024 15:50 GMT+7 | Giải trí

Gladiator II - phần tiếp theo của bom tấn Gladiator (Võ sĩ giác đấu) - là một trong những bộ phim được mong đợi nhất trong năm. Trong bộ phim này có những cảnh quyết đấu đẫm máu tại đấu trường nổi tiếng Colosseum. Và khi xem những cảnh ấy, đã có những người đặt ra một so sánh hóm hỉnh: Phải chăng, truyền thống tổ chức những cuộc chiến giữa các võ sĩ giác đấu tại Colosseum thời La Mã chính là tiền thân của các chương trình truyền hình thực tế hiện đại?

Cần nhắc lại, Gladiator - một bom tấn từ năm 2000 - là bộ phim sử thi hoành tráng đã nhận được nhiều giải thưởng và đề cử. Giờ đây, 24 năm sau chờ đợi, phần tiếp theo của nó cuối cùng đã ra rạp trên toàn thế giới.

Chắc chắn, một điểm thu hút lớn đối với người hâm mộ là Gladiator II cũng do Ridley Scott đạo diễn. Nhà làm phim người Anh hiện 86 tuổi này từng gắn tên tuổi với các bộ phim đình đám bao gồm Alien (1979), Blade Runner (1982) và gần đây nhất là bộ phim gây nhiều tranh cãi Napoleon (2023).

Nhưng ngoài cái tên ấy, phải thừa nhận: Các trận quyết chiến của những đấu sĩ tại Colosseum (vẫn được gọi bằng cái tên Đấu trường La Mã) luôn là chủ đề hấp dẫn vô tận với mọi khán giả, trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Một "rạp xiếc" thời cổ đại?

"Mọi người cần bánh mì và rạp xiếc" - câu nói này được cho là của nhà thơ La Mã Juvenal, ám chỉ đến cách người dân thường có thể được xoa dịu trong bối cảnh phải đối diện với cuộc sống thường nhật đầy khó khăn, miễn là họ được cung cấp thức ăn và giải trí.

Nhưng xét cho cùng, Juvenal thực ra đang chỉ trích người dân La Mã vì không quan tâm đủ đến thế sự và để bản thân bị thao túng thông qua những trò tiêu khiển hời hợt.

Từ "Gladiator II" nhìn về đấu trường Colosseum - Ảnh 1.

Cảnh trong phim "Gladiator II"

Thật vậy, cuộc chiến của các đấu sĩ là "công cụ chính trị vĩ đại nhất thời bấy giờ", theo nhà sử học và chuyên gia về đấu sĩ Alexander Mariotti, người sống ở Rome, gần Colosseum.

Vespasian - Hoàng đế đã cho xây dựng Colosseum vào năm 70 - 80 sau Công nguyên - đã lên nắm quyền trong thời kỳ khó khăn: Rome vừa mới thoát khỏi cuộc nội chiến và đang trong tình trạng hỗn loạn.

"Vespasian là người gắn bó với nhân dân và ông hiểu rằng ông cần phải tìm cách để mọi người yêu mến mình, bởi vì chế độ La Mã khi đó về cơ bản đang gặp rắc rối" - Mariotti nói với DW - "Người La Mã thực sự đã từng phân phát ngũ cốc, vì vậy đó là "bánh mì". Và tất nhiên, "rạp xiếc" của họ là những trò chơi trực tiếp tốn kém và phức tạp tại đấu trường".

Còn Olivia Stowell, thuộc Đại học Michigan, người tập trung nghiên cứu về lịch sử truyền hình thực tế, đã so sánh mối liên hệ giữa các cuộc chiến của võ sĩ giác đấu thời cổ đại và các chương trình truyền hình thực tế hiện đại gắn với kĩ năng sống như Survivor của Mỹ. Ở cả hai nội dung, mọi người đều cạnh tranh để giành được sự thích thú của khán giả.

Olivia nói thêm một cách hài hước rằng mặc dù Candid Camera - một chương trình hài kịch dài tập được công chiếu lần đầu vào năm 1948 - thường được coi là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên nhưng "theo tôi nên mở rộng lịch sử truyền hình thực tế tới tận thời của Đấu trường La Mã".

Quả thực, người ta có thể lập luận rằng tại thời điểm hiện đại, những người tham gia chương trình truyền hình thường đăng ký tự nguyện, trong khi các đấu sĩ ở La Mã cổ đại thì không. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng.

Vào thời kỳ đầu, hầu hết các đấu sĩ đều là nô lệ hoặc tội phạm bị kết án phải chịu án trong đấu trường. Nhưng khi những trò chơi này ngày càng phổ biến, ngày càng có nhiều người tự nguyện đăng ký vào "trường đào tạo đấu sĩ", nơi đào tạo họ trở thành những người chuyên nghiệp - những anh hùng thực sự, thể hiện các đức tính của người La Mã như lòng dũng cảm và sức mạnh.

Từ "Gladiator II" nhìn về đấu trường Colosseum - Ảnh 2.

Colosseum đến giờ vẫn là di tích đấu trường lớn nhất thế giới

"Chúng ta biết rằng vào năm 75 trước Công nguyên, một nửa số đấu sĩ là người tự do, họ là những người đàn ông tự do. Và họ được trả lương rất hậu hĩnh: Bạn sẽ nhận được 2000 sestersi như một khoản tiền thưởng khi đăng ký. Để dễ hình dung, 900 sestersi là mức lương hàng năm của một người lính La Mã. Vì vậy, bạn sẽ nhận được hơn 2 năm lương của một người lính chỉ trong một lần đăng ký. Đây là một cách dễ dàng để kiếm được nhiều tiền" - Mariotti giải thích.

Nhà sử học La Mã này nói thêm: "Và người ta phải nhớ rằng, vào thời cổ đại, việc thay đổi địa vị xã hội của bạn khó hơn nhiều so với ngày nay".

Các cuộc chiến đấu của đấu sĩ đã bị cấm vào đầu thế kỷ thứ 5, nhưng ngày nay, các bộ phim về họ vẫn hút khách. Phim Gladiator đầu tiên của Ridley Scott đã thu về khoảng 457 triệu USD.

Mạo hiểm danh vọng và tiền bạc

Những ghi chép để lại cho thấy: Các đấu sĩ biết rằng họ đang mạo hiểm với cái chết. Nhưng họ cũng có cơ hội để trở nên giàu có và nổi tiếng.

"Họ đích thực là những vận động viên được khao khát nhất thời bấy giờ" - Mariotti nói - "Họ bị coi là những người thấp kém nhất trong xã hội, nhưng họ cũng được ngưỡng mộ rất nhiều".

Để so sánh, Olivia Stowell cho biết, những người tham gia các chương trình truyền hình thực tế ngày nay thường không mạo hiểm với cái chết, nhưng họ cũng sẵn sàng hy sinh một điều gì đó để đổi lại, hy vọng vào danh vọng và tiền bạc: "Hi sinh quyền riêng tư là một vấn đề lớn…" - bà nói.

Ngoài ra, những người tham gia chương trình thực tế thường nói về "thế giới bên ngoài", bởi vì trong thời gian diễn ra chương trình, họ sống trong một thế giới riêng biệt, nơi họ bỏ lại gia đình, bạn bè, công việc, sự thoải mái và thói quen thường ngày. Đó cũng là một điểm tương đồng khác với các đấu sĩ, những người cũng hoàn toàn bị cắt đứt khỏi phần còn lại của xã hội.

Từ "Gladiator II" nhìn về đấu trường Colosseum - Ảnh 4.

Một cảnh trong chương trình truyền hình thực tế "Survivor" (2003)

Các nhà sản xuất là những "hoàng đế" mới ?

Việc so sánh các đấu sĩ với những thí sinh của một chương trình truyền hình thực tế hiện đại cũng đặt ra câu hỏi: Ai sẽ là hoàng đế trong phép so sánh này?

"Tôi nghĩ, đó là người tạo ra chương trình" - theo Sagar More, một nhà sản xuất và đạo diễn đến từ Mumbai, Ấn Độ - một nơi cũng đang "phát cuồng" vì truyền hình thực tế trong những năm gần đây.

More đã đạo diễn 10 mùa của chương trình truyền hình thực tế dài nhất Ấn Độ - Roadies. Chương trình Roadies theo chân những người trẻ tuổi trên đường trong 30 ngày, khi họ đi khắp các vùng khác nhau của đất nước và hoàn thành các nhiệm vụ và thử thách. "Chúng tôi chỉ tạo ra các tình huống và mọi người đưa cảm xúc và chiến lược của họ vào đó. Nhưng khi các mùa phát triển, các nhiệm vụ ngày càng lớn hơn. Vì vậy, mọi thứ trở nên căng thẳng hơn" - More giải thích.

More cũng chỉ ra rằng các biên tập viên phải lựa chọn những gì sẽ đưa vào và quan trọng hơn là những gì sẽ loại bỏ trong nhiều cảnh quay và do vậy, trong tay họ có rất nhiều quyền lực.

"Nó thực sự có thể thay đổi diễn biến của một câu chuyện" - More nói và khẳng định tiêu chí quan trọng nhất trong quá trình ra quyết định: yếu tố giải trí cho khán giả.

Quay trở lại thời La Mã cổ đại, hoàng đế có quyền lực trực tiếp đối với số phận của đấu sĩ. Nhưng ông cũng nghĩ đến khán giả, với mục đích cuối cùng là duy trì sự nổi tiếng của mình. Khi một trong những đấu sĩ mất vũ khí và giơ ngón tay lên - biểu tượng để cầu xin lòng thương xót - hoàng đế thường sẽ yêu cầu đám đông ra hiệu bằng cử chỉ hoặc tiếng hét, nếu đấu sĩ đó nên được tha thứ hay bị xử tử.

Đấu trường cho 5 vạn khán giả

Sức chứa của Colosseum lúc mới xây xong là 50.000 khán giả. Đấu trường được sử dụng cho các võ sĩ giác đấu và nô lệ có nguồn gốc tù binh chiến tranh thi đấu và trình diễn trước công chúng.

Đây là công trình lớn nhất được xây ở Đế chế La Mã được hoàn thành năm 80 sau Công nguyên dưới thời Titus, với nhiều chỉnh sửa dưới thời hoàng đế Domitian.

Việt Lâm (tổng hợp)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link