Từ khủng hoảng ở Sri Lanka: Bài học đối với những quốc gia vay nợ quá nhiều

15/07/2022 15:18 GMT+7

Cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka bắt nguồn từ những sai lầm trong quản lý tài chính của chính quyền dẫn đến vỡ nợ, là bài học cảnh báo đối với những quốc gia đang rơi vào cảnh vay nợ quá nhiều.

Sri Lanka phát hiện khối đá sapphire xanh lam tự nhiên lớn nhất thế giới

Sri Lanka phát hiện khối đá sapphire xanh lam tự nhiên lớn nhất thế giới

Sri Lanka đã khai quật một khối đá sapphire xanh lam lớn nhất thế giới tại thành phố Ratnapura, cách thủ đô Colombo khoảng 113 km.

Từ câu chuyện vỡ nợ của Sri Lanka    

Từ một thiên đường du lịch và thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ Ấn Độ, Trung Quốc… nhưng với chính sách quản lý sai lầm, yếu kém, nạn tham nhũng tràn lan, đại dịch COVID-19… Sri Lanka đã bị mắc kẹt trong khủng hoảng hoảng kinh tế-tài chính và không có tiền để nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu.

Từ đầu năm nay, nhiều người Sri Lanka đã phải ngừng đun nấu bằng khí đốt, chuyển sang sử dụng bếp củi, trong bối cảnh giá khí đốt quá đắt đỏ và nguồn cung không có sẵn. Một số người dân cố gắng chuyển sang nấu ăn bằng bếp dầu, song Chính phủ lại không dự trữ đủ ngoại tệ để thanh toán các khoản hóa đơn nhập khẩu dầu. Các gia đình sử dụng bếp điện cũng loay hoay tìm giải pháp thay thế khi mà tình trạng mất điện kéo dài trên diện rộng.    

Sri Lanka. Khủng hoảng ở Sri Lanka. Sri Lanka vỡ nợ. Khủng hoảng kinh tế
Người dân Sri Lanka ngồi chờ để mua dầu. Nguồn: Reuters

Nhưng chuyện bếp núc chỉ là một trong những khó khăn mà hàng triệu người dân Sri Lanka phải đối mặt hằng ngày. Theo các nhà phân tích, Sri Lanka hiện rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập năm 1948.

Chính phủ Sri Lanka hồi tháng 4/2022 đã phải tuyên bố không còn khả năng thanh toán số nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD, do không dự trữ đủ ngoại tệ. Sau khi tuyên bố “vỡ nợ”, đảo quốc vùng Nam Á phải bước vào thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” nghiêm ngặt, kéo theo hàng loạt thách thức kinh tế, chính trị, xã hội sâu rộng.    

Dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka thấp đến mức việc nhập khẩu phân bón, thực phẩm và thuốc chữa bệnh cho 22 triệu người dân chỉ có thể được thực hiện một cách nhỏ giọt trong thời gian dài. Theo khảo sát do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố, từ tháng 5 vừa qua, khoảng 70% số hộ dân tại Sri Lanka đã phải giảm khẩu phần lương thực.

Nhiều gia đình trông chờ vào nguồn trợ cấp gạo của chính phủ và các quỹ từ thiện. Không có lô hàng nhiên liệu nào được chuyển đến trong nửa tháng qua, Chính phủ Sri Lanka đã phải đóng cửa các trường học, yêu cầu nhân viên nhà nước làm việc tại nhà nhằm giảm lưu thông và tiết kiệm năng lượng. Nhiên liệu chỉ được dùng cho các dịch vụ thiết yếu khẩn cấp, như y tế.    

Hiện lạm phát của Sri Lanka đã chạm mức kỷ lục hàng năm là 54,6% vào tháng 6 và có thể lên tới 70% trong thời gian tới. Quốc gia Nam Á này hiện đang rất cần gói cứu trợ trị giá 6 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF để giữ nền kinh tế vận hành đến hết năm 2022.    

Các chuyên gia kinh tế cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến những bất ổn ở Sri Lanka bắt nguồn từ nhiều năm trước, khi chính phủ đã vay những khoản khổng lồ để mở rộng dịch vụ công.

Trong khi các khoản vay của chính phủ gia tăng, nền kinh tế Sri Lanka liên tiếp hứng chịu tác động tiêu cực, từ sản lượng nông nghiệp suy giảm do thời tiết khắc nghiệt, đến bất ổn chính trị-xã hội, khủng bố… Chưa kể đại dịch COVID-19 làm sụt giảm doanh thu quan trọng của đất nước từ du lịch và kiều hối.    

Sri Lanka. Khủng hoảng ở Sri Lanka. Sri Lanka vỡ nợ. Khủng hoảng kinh tế
Sri Lanka hiện không đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Và hệ quả thấy rõ là sự bất mãn của dân chúng Sri Lanka vì đời sống khó khăn đã lên đến đỉnh điểm. Ngày 9/7, thủ đô Colombo của Sri Lanka đã rung chuyển bởi các cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng có. Hàng nghìn người tiến về Colombo, phá hàng rào bảo vệ và xông vào Phủ Tổng thống nhằm bày tỏ sự bất bình về những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống.

Tổng thống và Thủ tướng Sri Lanka đều thông báo sẽ từ chức để bảo đảm tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Nhưng dường như những cam kết này không giúp đất nước chấm dứt khủng hoảng, những người biểu tình đã thề sẽ chiếm dinh thự của Tổng thống và Thủ tướng cho đến khi hai người này rời nhiệm sở.    

Vì vậy, trước sức ép của các cuộc biểu tình quy mô lớn, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ngày 13/7 đã rời đất nước đến Maldives. Theo hãng tin Reuters, máy bay tiếp tục chở Tổng thống Rajapaksa từ Maldives đến Singapore trong ngày 14/7.

Trước đó ngày 12/7, ông Gotabaya đã cố gắng rời đất nước và xuất cảnh sang Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhưng bị các nhân viên sân bay từ chối đóng dấu vào hộ chiếu.   

Các thành viên chủ chốt của đảng Nhân dân Sri Lanka (SLPP) cầm quyền đã nhóm họp vào tối ngày 12/7 và cử Thủ tướng Ranil Wickremesinghe thay thế Tổng thống Rajapaksa làm Tổng thống tạm quyền.    

Tuy nhiên ông Rajapaksa ra đi không có nghĩa là khủng hoảng chính trị cùng những khó khăn về kinh tế, vốn đang tác động tiêu cực đến đời sống của 22 triệu người dân Sri Lanka kết thúc. Ngay sau khi tin ông Rajapaksa ra đi, cũng đã xảy ra biểu tình quy mô lớn tại thủ đô Colombo, thậm chí người biểu tình đã tràn vào Văn phòng Thủ tướng yêu cầu ông Ranil Wickremesinghe từ chức.    

Tình trạng hỗn loạn chính trị hiện nay ở Sri Lanka càng làm phức tạp hơn nữa nỗ lực nhằm giúp quốc gia Nam Á thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua. Không những vậy cộng đồng quốc tế lo ngại rằng khoảng trống quyền lực tại Sri Lanka có thể diễn biến thành khủng hoảng, không chỉ ảnh hưởng đến an ninh nước này và khu vực Nam Á mà còn tạo ra hiệu ứng dây chuyền đối với các quốc gia mới nổi khác. 

Bài học cho những quốc gia vay nợ quá nhiều    

Theo các chuyên gia kinh tế, dễ nhận thấy nguyên nhân chính tạo ra cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka là năng lực yếu kém trong việc điều hành đất nước của Chính phủ Sri Lanka, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô kéo dài nhiều năm và nạn tham nhũng hoành hành.

Từ đó, chính phủ nước này đã có những quyết sách sai lầm trong việc ứng phó với các diễn biến trong mọi phương diện, từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, đối ngoại... không chỉ đẩy đất nước lâm vào khủng hoảng, mà còn khó lòng có thể thoát ra.    

Nhưng Sri Lanka không phải là nền kinh tế duy nhất đang gặp khó khăn nghiêm trọng khi giá lương thực, nhiên liệu và các mặt hàng chủ lực khác tăng cao. Câu chuyện của Sri Lanka giờ đây đã trở thành câu chuyện cảnh báo cho những quốc gia đang ngập trong nợ nần hoặc đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Sri Lanka. Khủng hoảng ở Sri Lanka. Sri Lanka vỡ nợ. Khủng hoảng kinh tế
Người Sri Lanka xếp hàng chờ mua nhiên liệu. Ảnh: ABC

Dù nguyên nhân gây ra vấn đề này ở mỗi quốc gia là khác nhau, nhưng tất cả đều chịu rủi ro trước tình trạng giá thực phẩm và nhiên liệu gia tăng, một phần do cuộc xung đột Nga-Ukraine, một phần do dịch bệnh COVID-19 gây gián đoạn hoạt động du lịch và các hoạt động kinh doanh khác.     

Khủng hoảng kinh tế đang làm bùng phát các cuộc biểu tình ở nhiều quốc gia, trong khi đó, việc tăng lãi suất cho vay, vay nợ ngắn hạn, hay để tài trợ cho các gói cứu trợ đại dịch đã khiến nhiều nước vốn đang phải gồng mình chi trả các khoản nợ lớn rơi vào tình trạng điêu đứng.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, hơn một nửa số quốc gia nghèo nhất thế giới đang đối mặt hoặc chính thức lâm vào cảnh túng quẫn. Ngân hàng Thế giới (WB) thì ước tính, thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế đang phát triển trong năm nay sẽ thấp hơn 5% so với mức trước đại dịch.   

Ngoài Sri Lanka, hồi chuông báo động cũng đang gióng lên đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới như Pakistan, Ai Cập, Afghanistan, Liban, Guinea.... với nguy cơ vỡ nợ. Một số quốc gia như Zambia và Liban đã nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ trên toàn thế giới để có được các khoản vay mới hoặc cơ cấu lại số tiền nợ của họ.

Còn Pakistan, cũng giống như Sri Lanka, đang gấp rút đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với hy vọng khôi phục gói cứu trợ 6 tỷ USD bị trì hoãn sau khi chính phủ của cựu Thủ tướng Imran Khan bị bãi nhiệm vào tháng 4/2022. Dự trữ ngoại tệ đang xuống mức thấp kỷ lục. Giá nhiên liệu gia tăng đã khiến lạm phát tăng trên 21%. Đồng rupee của Pakistan đã giảm khoảng 30% so với đồng USD.

Để nhận được chấp thuận của IMF, Thủ tướng nước này, ông Shahbaz Sharif đã bãi bỏ trợ cấp nhiên liệu và áp đặt mức thuế mới 10% đối với các ngành công nghiệp lớn để giúp khôi phục phần nào nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng.    

Còn tại Zimbabwe, lạm phát đã tăng 130%, làm dấy lên lo ngại nước này có thể quay trở lại viễn cảnh đen tối như năm 2008, với tỷ lệ lạm phát ở mức 500 tỷ %, khiến đồng nội tệ ZWD gần như không có giá trị trên thực tế và buộc chính phủ phải phụ thuộc vào USD và đồng tiền của các nước láng giềng (đồng Rand Nam Phi).

Zimbabwe đang phải nỗ lực tạo ra một đồng bạc xanh phù hợp với nền kinh tế của đất nước vốn đã bị vùi dập bởi tình trạng phi công nghiệp hóa, đầu tư thấp, xuất khẩu giảm và nợ công cao.    

WB đã phải hạ dự báo tăng trưởng đối với các nền kinh tế đang phát triển, từ mức 4,6% xuống còn 3,4% trong năm nay. Cuộc xung đột Nga-Ukraine cùng quyết định tăng lãi suất của FED đã khiến nhiên liệu và nhiều mặt hàng nhập khẩu khan hiếm. Khoản nợ của nhiều quốc gia vì thế cũng tăng lên khi lãi suất cho vay gia tăng.                         

An Ngọc (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link