26/03/2015 20:45 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Những ai hiểu được tình cảnh của Milan vào thời điểm này, khi sự giàu có dẫn đến những vụ mua bán ầm ỹ của họ trong những năm trước không còn nữa, thì việc ban lãnh đạo đội bóng phủ nhận tin tức một chủ đầu tư nào đó đang muốn mua một phần, hoặc phần lớn cổ phần của đội không thực sự là phủ nhận và không muốn có đầu tư. Nó đồng nghĩa với việc hoặc Milan đang xem xét "thân nhân" của người mua, để khẳng định liệu họ có đáng tin về mặt tài chính hay không, hoặc đang tìm cách để đẩy giá lên.
Đã bao nhiêu lần đích thân Berlusconi hoặc Fininvest, công ti mẹ của Milan, lên tiếng phủ nhận khả năng bán Milan hoặc một phần của Milan cho những chủ đầu tư nước ngoài trong những năm qua? Không dưới 8 lần trong vòng 7 năm qua, và khi xuất hiện những tin đồn đoán mới về việc Milan cần phải bán cổ phần cho những chủ tư bản mới để trả những khoản nợ và tăng vốn nhằm tăng thêm khả năng cạnh tranh trên thị trường chuyển nhượng, người ta càng tin rằng, cùng với thời gian, ngày mà Milan không còn 100% sở hữu của gia đình Berlusconi sẽ đến.
Sự chuyển giao của thế hệ Berlusconi trong quản lí, trên thực tế đã bắt đầu từ năm 2009, khi Marina, con gái cả của Berlusconi, người đứng đầu tập đoàn Fininvest, tuyên bố Fininvest sẽ không hỗ trợ tài chính cho Milan nữa, và đội bóng phải tiến hành tự thực hiện thu chi. Quá trình ấy được tiếp nối sau đó hai năm bằng việc Barbara, con gái với người vợ thứ hai của Berlusconi, trở thành một thành viên của HĐQT Milan (trụ sở mới của Milan, "Casa Milan", là một thành công lớn của cô). Và bây giờ, là quá trình chuyển giao một phần Milan cho chủ đầu tư mới, điều chưa từng xảy ra trước kia.
Sau 1,2 lần phủ nhận về việc một tỉ phú Thái Lan chuẩn bị đổ tiền vào Milan, Fininvest không phủ nhận nữa, khi báo chí Ý đưa tin về việc "Mister B." (Berlusconi) đã kí một thỏa thuận sơ bộ liên quan đến việc bán 30% cổ phần của Milan cho "Mister Bee" (Bee Taechaubol), với giá 250 triệu euro. Cuộc kí kết đó diễn ra tại nhà riêng của Berlusconi ở ngoại ô Milan, với sự chứng kiến của một chuyên gia về luật và một nhà tài phiệt thân thiết. 30% không phải là điều mà "Mister Bee" chờ đợi, bởi tỉ phú trẻ này không dưới một lần khẳng định rằng ông muốn mua 100% cổ phần và trở thành chủ sở hữu thực sự của Milan, thay cho Berlusconi.
Tỉ phú người Thái Lan Bee Taechaubol
Khả năng ấy rất khó có thể xảy ra lúc này, bởi ngay cả việc biến "Mister Bee" thành cổ đông lớn nhất với 51% cổ phiếu cũng là điều Berlusconi chưa nhắc tới lúc này, nhưng các nguồn tin nói rằng, chính Berlusconi đã thúc đẩy quá trình thương lượng mà có lẽ ông cho là không thể ngăn cản để Milan bước vào một thời kì mới, dẫn đến những thay đổi tích cực. Milan với "Mister Bee" sẽ trở thành Inter với Thohir hay Roma với Palotta? Không ai biết, nhưng những người thạo tin cho rằng, khi mùa bóng kết thúc, sẽ có rất nhiều điều xảy ra, không chỉ trên băng ghế HLV, mà còn cả trong ban lãnh đạo và đường hướng của Milan cho những năm tới("Mister Bee" đặc biệt ngưỡng mộ Paolo Maldini, và có lẽ sẽ dành cho người đội trưởng huyền thoại của Milan một vai trò quan trọng nào đó). Đấy sẽ là những thay đổi hết sức lớn lao.
Điều gì sẽ xảy ra nếu như Milan không thuộc về Berlusconi, người đã đi theo cùng đội từ năm 1986, đã chi hàng tấn tiền từ tài sản nhà mình cho các cuộc chơi tốn kém, đã dành rất nhiều danh hiệu và cũng đã dùng Milan như những bậc thang để bước lên vũ đài chính trị? Trên các mạng xã hội, nhiều milanista, không ít trong số đó có tư tưởng cực hữu và bài ngoại, đã khẳng định rằng, họ không muốn Milan rơi vào tay người nước ngoài. Bản thân Barbara, con gái Berlusconi, cũng là người từng chống lại việc bố mình thương lượng với "Mister Bee", nhưng sau đó đã xuống nước và chấp nhận một thực tế, là quyền lực tài chính của gia đình cô bây giờ không còn được như trước nữa. Bản thân bố cô, năm nay đã 79 tuổi, cũng đang trong một giai đoạn khủng hoảng về quyền lực sau rất nhiều những phiên toà nhắm vào ông. Giờ đây, sau khi trắng án trong một phiên tòa liên quan đến việc quan hệ tình dục với gái mại dâm vị thành niên, điều mà Berlusconi quan tâm nhất là cứu vãn sự nghiệp chính trị đang chìm của mình chứ không thể dành nhiều thời gian nữa cho Milan, "món đồ chơi" tốn kém và đang nợ 300 triệu euro.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở Italy, Milan cũng không thoát khỏi vòng xoáy của tiền bạc
Nếu "Mister Bee" đã mua được 30% cổ phần của Milan, con số này có thể tăng lên nữa, khả năng lên 51%, đồng nghĩa với việc quyền của gia đình Berlusconi ở Milan sẽ giảm đi hoặc chỉ còn là cổ đông phụ. Nhưng Berlusconi bước ra khỏi Milan, như Moratti đã làm với Inter, hay nhà Sensi đã làm ở Roma, là điều mà chưa ai nghĩ đến. Nhưng nếu những tin tức nói rằng Berlusconi đang tiếp tục tìm kiếm thêm những nhà đầu tư nữa, và đã định giá Milan trong tầm 800 triệu euro, là sự thực, có nghĩa là một tương lai Milan thịnh vượng hơn, với những khoản nợ được trả, một sân vận động mới xây, những cầu thủ mới được đưa về trong các vụ chuyển nhượng đáng giá, rồi cũng sẽ đến, nhưng sẽ vắng dần những người của Berlusconi hơn.
Tóm lại, đấy là một tương lai da vàng, bởi ngoài "Mister Bee", nhiều chủ đầu tư và các nhà tài trợ Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc rất quan tâm đến Milan. Thành công của Milan trong những năm tháng từ Sacchi đến Ancelotti là một nguyên nhân quan trọng khiến cho thương hiệu này rất có giá. Đấy là lí do tại sao Barbara, người chịu trách nhiệm phát triển thương hiệu và làm kinh doanh cho Milan không ngăn cản cha bán 30% cổ phần của Milan nữa. Cô nhìn thấy ở Châu Á những tour du đấu trong thời gian tới, những nhà tài trợ và cả nguồn tài chính để xây sân vận động mới (có sức chứa từ 40 đến 50 nghìn chỗ).
Xét cho cùng, trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở Italy, Milan cũng không thoát khỏi vòng xoáy của tiền bạc. Đội bóng nói riêng cũng như calcio đã tụt lùi quá xa so với mặt bằng chung của các đại gia ở châu lục. Những ngân hàng và các nhà tài trợ lớn nhất vẫn đổ tiền vào Real Madrid và Barca, những ông chủ Arab đang chờ gặt hái lợi nhuận sau khi đầu tư ồ ạt vào Man City và PSG, những đội bóng Premier League trở thành một hình mẫu về cách kinh doanh, những CLB Bundesliga lại là những ví dụ điển hình về việc đào tạo trẻ và làm bóng đá lấy việc sở hữu và kinh doanh sân vận động làm trung tâm. Calcio thì mất phương hướng và chưa chọn được cho mình một hướng đi mới. Cách duy nhất khả thi trong thời gian ngắn chính là nhận đầu tư từ nước ngoài và cầu nguyện để họ tiếp nối truyền thống Ý của mình. Roma đang đi theo mô hình Mỹ và có những tiến bộ bước đầu. Inter thì chưa nói trước được gì, nhưng Thohir hứa sẽ đầu tư nhiều nữa.
Bóng đá, từ một nguồn đam mê lớn của đại chúng sắp trở thành một trò chơi không phải của những ông chủ Italy nữa, mà của Thái, Indonesia hay Trung Quốc. Họ đá bóng trên đất Ý, trong những sân bóng do các ông chủ da vàng xây và là món đồ chơi của những tay tỉ phú ấy, trong một cuộc xâm lăng bằng rất nhiều tiền để thâu tóm không chỉ bóng đá, mà còn xâm nhập một thị trường béo bở về công nghiệp và dịch vụ...
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất