Chelsea đang khôn ngoan hơn về tài chính?

13/08/2014 20:53 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chelsea đang thành công không chỉ trong việc bổ sung những con người mình cần, mà còn biết cách chi tiêu hợp lý nhất trong bối cảnh phải đáp ứng yêu cầu từ Luật công bằng tài chính của UEFA.

Những năm trước đây, sẽ là chuyện nực cười nếu nói rằng Chelsea là hình mẫu lý tưởng cho việc tiêu tiền. Thế nhưng vào lúc này, khi mùa giải 2014-15 cận kề, đội chủ sân Stamford Bridge lại đang thu nhiều hơn chi, hay nói cách khác số tiền bán hàng thừa của họ nhiều hơn số tiền chi ra mua tân binh. Liệu có ai đã nói với Abramovich phải chi tiền thế nào không?

Khi tỷ phú người Nga mua Glen Johnson từ West Ham với giá 6 triệu bảng vào năm 2003, đó là cột mốc khởi điểm bắt đầu một cuộc mua sắm không ngừng nghỉ, khép lại với khoản lỗ chuyển nhượng lên tới 150 triệu bảng. Mùa bóng sau, cán cân chuyển nhượng tiếp tục lệch hẳn về phía mua, với số tiền 139 triệu bảng. Việc cân bằng ngân sách lúc đó không tồn tại trong suy nghĩ của Abramovich. HLV Wenger từng than phiền rằng Chelsea đang được cấp “liều doping tài chính” để chạy đua mua sắm cầu thủ.

Thế nhưng mùa này tình hình đã khác. Số tiền Chelsea bỏ ra để mua Diego Costa, Cesc Fabregas, Filipe Luis và Mario Pasalic vẫn thấp hơn so với những gì họ thu về từ việc đẩy đi David Luiz, Romelu Lukaku, Demba Ba và Patrick Van Aanholt, dù chênh lệch ấy khá khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn 2 triệu bảng. Trong khi đó, Arsenal, Liverpool và Man United lại có cán cân mua bán lệch hẳn về phần mua cầu thủ.

Đây không phải là lần đầu tiên Chelsea có lãi trên thị trường chuyển nhượng. Mùa 2008-09, họ thu được khoản lãi lên tới 10,3 triệu bảng, với nguyên nhân một phần từ sự hào phóng của Man City, khi đã chi ra 26 triệu bảng mua về bộ ba Wayne Bridge, Shaun Wright Phillips và Tal Ben Haim. Nhưng đó chỉ là một sự may mắn nhất thời, vì ngay mùa sau, Chelsea đã lỗ 22 triệu bảng tiền mua sắm, và đến mùa 2010-11, con số lỗ lên tới 90 triệu bảng.

Còn bây giờ, tình hình đã thay đổi. Đó là một sự khác biệt hoàn toàn so với kế hoạch ban đầu của Chelsea. Vào năm 2005, họ từng chiêu mộ Frank Arnesen từ Tottenham để đảm nhiệm cương vị giám đốc thể thao như là một phần trong ý định vừa tự đào tạo tài năng cho đội một song song với một số hợp đồng bom tấn.

Arnesen là người có ảnh hưởng lớn trong các thương vụ với John Obi Mikel, Salomon Kalou và Florent Malouda. Tuy vậy, có quá ít cầu thủ trẻ tạo ra được ấn tượng ở đội một Chelsea trong 5 năm ông đảm nhiệm cương vị. Chiến lược gần đây của Chelsea lại theo xu hướng sẵn sàng để những đội khác làm thay nhiệm vụ đào tạo các tài năng trẻ của họ.

Mùa trước, có tới 18 cầu thủ của Chelsea được đem cho các đội khác mượn, và chỉ có hai người trong số này, Thibaut Courtois và Kurt Zouma là tạo được ấn tượng với HLV Jose Mourinho. Còn lại không ít được bán đi thu lợi nhuận, như việc Chelsea bán Lukaku cho Everton với giá 28 triệu bảng hay Kevin De Bruyne cho Wolfsburg với giá 18 triệu bảng.

Tất nhiên vẫn không thể tránh được những sai lầm như trường hợp bán Matic cho Benfica với giá 21 triệu bảng. Nhưng dẫu sao họ vẫn kịp sửa sai khi đưa anh trở lại Stamford Bridge hồi đầu năm nay.

Đ.Hùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link