03/11/2021 10:33 GMT+7 | Bạn cần biết
(Thethaovanhoa.vn) - Đang có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh câu chuyện thu phí ô tô vào trung tâm Hà Nội và TP.HCM vừa tái khởi động. Chuyện này – cả việc thu phí lẫn những ý kiến trái chiều giữa chính quyền và người dân – cũng đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Thực trạng tắc nghẽn giao thông và từ đó gia tăng ô nhiễm không khí trong các đô thị lớn liên quan tới sự gia tăng lượng ô tô cá nhân và mật độ giao thông, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm đã được nhìn thấy từ nhiều thập niên trước tại nhiều quốc gia.
Singapore, quốc gia châu Á là nước đầu tiên trên thế giới đặt vấn đề sử dụng “giấy phép”, “phí” để quản lý mật độ ô tô trong khu vực trung tâm từ năm 1975. Cho tới nay, đảo quốc này duy trì kết hợp 2 hình thức để quản lý số lượng xe ra vào trung tâm : một là quản lý quyền sở hữu ô tô thông qua đấu thầu (chỉ những xe nằm trong số lượng đấu thầu hàng năm mới được phép lưu thông) và thu phí mỗi lần xe vào khu vực thu phí theo giờ cao điểm, mức thu 1 USD/lần.
Tuy nhiên châu lục áp dụng việc thu phí này nhiều nhất thế giới là châu Âu. Năm 1986 Nauy thực hiện chính sách này ở một số thị trấn cổ và từ năm 2010 thủ đô Oslo bắt đầu tính phí xe ra vào giờ cao điểm. Hiện nay mức phí áp cho ô tô vào trung tâm Oslo trong giờ cao điểm lên tới 12,70 euro (khoảng 330 ngàn VND). Tới nay thì có thêm Rome, Milan (Ý), London, Durham (Anh), Stockholm, Gothenbugh (Thuỵ Điển), Valletta (Malta) và nhiều cổ trấn khác gia nhập hệ thống thu tiền xe vào trung tâm.
London bắt đầu thu phí xe hơi vào khu vực trung tâm từ năm 2003 là một trong những hệ thống quản lý phí nổi tiếng hiệu quả. Sử dụng hệ thống camera khép kín vòng tròn các tuyến đường vào khu vực trung tâm để nhận diện xe ra vào khu vực tính phí, phí sẽ được tính vào tài khoản chủ sở hữu và phí tính theo ngày trên mỗi biển số xe bất kể số lần vào ra. Hiện nay mức phí đang duy trì ở London là 11,5 bảng/ngày (khoảng 350 ngàn VND). Áp dụng trong khung giờ cao điểm từ 7 giờ sáng tới 6 giờ chiều hàng ngày từ thứ hai tới thứ sáu, qua khung giờ này không tính phí.
Tuy chưa có một nghiên cứu toàn diện để đánh giá hiệu quả của chính sách thu phí này song lưu lượng giao thông ở một số nơi được cho thấy giảm 10-30% khi thu phí so với trước đó, mức độ ô nhiễm không khí và tai nạn giao thông cũng giảm.
Thế nhưng không ít thành phố khác lại thất bại khi áp chính sách này. Hongkong từng thử nghiệm trong giai đoạn 1983-1985 và bước đầu có kết quả khả quan song cuối cùng lại không thể thực hiện được do vấp phải sự phản đối của người dân. Tương tự, thành phố Edinburg dù thuộc Vương quốc Anh, song việc thu phí ô tô được đưa ra trưng cầu dân ý vào năm 2005 thất bại do có tới 74,4% dân chúng phản đối. New York, Manchester cũng vậy…
Chìa khoá của chính sách này là sự đồng thuận của xã hội – các chuyên gia bình luận. Giảm lưu lượng giao thông giờ cao điểm, giảm ô nhiễm không khí, song chính sách này lại dễ mang lại sự bất bình đẳng về kinh tế giữa khu vực vùng ven và khu trung tâm. Ở một số quốc gia, việc sử dụng camera giám sát việc tính phí còn gây tranh cãi về quyền tự do dân sự. Ngay cả ở London, việc sử dụng số tiền phí này cũng gây nhiều ý kiến tranh luận. Trong 10 năm thực hiện chính sách này,2003-2013, London đã chi 1,2 tỷ bảng Anh để phát triển mạng lưới xe bus, xây dựng cầu đường và các chương trình giao thông bền vững, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên nếu so với 2,6 tỷ bảng Anh thu được từ phí xe hơi ra vào trung tâm thì chỉ chiếm non nửa. 54% doanh thu đươc chi cho hệ thống quản lý điều hành việc thu phí – bị xem là quá lớn.
Dự án thu phí xe vào trung tâm Hà Nội và TP.HCM vừa tái khởi động đề xuất sử dụng hình thức trạm thu phí, Hà Nội dự kiến lập 87 trạm, TP.HCM dự kiến 34 trạm, hoạt động từ 5-21 giờ hàng ngày.
Phan Ka (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất