(TT&VH) - Nhà nghiên cứu Tuồng, giáo sư Hoàng Châu Ký mất vừa tròn một năm (31/1/2008). Xuân 2009, này là giỗ đầu. Thời gian trôi lặng thinh/Mà tháng ngày chảy hết…, những câu thơ ấy của Chế Lan Viên lại hiện lên trong trí nhớ khi tôi vào thắp nhang trên bàn thờ cụ.
Năm người con trai và hai người con gái của cụ ở cả ba miền Nam Trung Bắc đã về đông đủ trong ngôi nhà cũ ở một góc phố Đà Nẵng. Trong ngày giỗ, ngoài bà con nội ngoại còn có người bạn già thâm giao lúc sinh thời của cụ là nhạc sĩ Trương Đình Quang và Nghệ sĩ nhân dân Đình Sanh, Giám đốc nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh…
GS Hoàng Châu Ký và phu nhân đi chợ hoa Đà Nẵng xuân 2005
Lúc sinh thời cụ chỉ theo đạo thờ cúng ông bà, nhưng trong các nghi thức tưởng niệm sau một năm vắng cụ, còn có nghi lễ tụng kinh Phật và bữa cúng chay trước một ngày. Người con trai đầu của cụ bảo: Cũng tốt thôi, nó chỉ làm tăng lên sự yên lòng những người thân…
Mọi người nhắc lại nhiều kỷ niệm của cụ. Ngày đầu tiên từ miền Bắc về sau 30 tháng 4 năm 1975, đi thăm vài gia đình ở Đà Nẵng, cụ nói với vài người thân cận: “Thành phố này lớn, nhưng ít văn hóa. Ít thấy các tủ sách gia đình. Có vài quyển đâu đó, thì chỉ để trang trí và còn mới toanh!”. Chính điều đó mà nhiều năm sau, khi đã nghỉ hưu giáo sư Hoàng Châu Ký vẫn hăng say với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ của thành phố nơi ông chọn sống đến cuối đời. Khi đi thăm Campuchia vừa thoát khỏi chiến tranh vài tuần trở về, một học trò hỏi cảm tưởng, cụ nói: “Đó là một dân tộc rất sâu sắc. Cố nhìn vào các bức tượng Bayon 4 mặt vẫn không hiểu được gì. Dường như tâm hồn họ được giấu kín ở sâu bên trong!”…
Người con trai út của cụ Hoàng Châu Ký đọc lại hai câu thơ cụ viết hồi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, rời núi rừng xuống đồng bằng:
Chiều nay ra khỏi núi rừng
Đường bằng chân lại ngập ngừng khó đi
Có lần, nhà thơ Chế Lan Viên khi nghe cụ Hoàng Châu Ký đọc câu thơ này đã phải tấm tắc khen là tuyệt. Không chỉ đó là sự thay đổi thói quen của một người luôn lội đèo, trèo núi, băng rừng trong kháng chiến khi bước ra con đường bằng phẳng thời bình. Đường ngay ngõ thẳng lại khó đi vì chính những suy tính ích kỷ trong lòng người thời hậu chiến! Một tứ thơ mang tính dự báo rất sớm và mang tính thời sự cho đến tận ngày nay.
Lúc sinh thời nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký viết nhiều kịch bản sân khấu Tuồng. Văn tuồng của cụ được nhiều người yêu thích và đó cũng là mối quan tâm của chính tác giả. Điều đó có lẽ bắt đầu từ một tâm hồn thơ có từ thời niên thiếu và niềm say mê đọc, học văn chương suốt hơn 85 năm của cuộc đời cụ. Những năm cuối đời, tuy sức khỏe yếu, cụ vẫn thường xuyên tham dự các hội thảo và giảng dạy nghệ thuật sân khấu ở các tỉnh miền Trung và TP.HCM. Cụ Hoàng Châu Ký có những việc làm cụ thể nhằm đào tại các tài năng nghệ thuật trẻ, đặc biệt ở các sân khấu tuồng. Chính vì điều đó, toàn bộ số tiền phúng điếu trong tang lễ của cụ đã được gia đình dành cho việc thành lập quỹ giải thưởng để khuyến khích các nghệ sĩ trẻ trong lĩnh vực trình diễn cũng như sáng tác kịch bản…Thế những theo NSND Đình Sanh, sau gần một năm tiến hành các thủ tục cần thiết, quỹ trên vẫn chưa thể ra đời được, chỉ vì vấn đề “thủ tục” hành chính ở Đà Nẵng.
Trương Điện Thắng