Những ngày sau năm 1975, trong bộn bề khó khăn, nhưng những người làm thể thao TP.HCM đã quyết tâm khôi phục một cách nhanh nhất các hoạt động thể dục thể thao để đem lại "món ăn tinh thần" quý giá cho người dân. Không có gì bất ngờ khi bóng đá, môn thể thao được yêu thích trở lại sớm nhất. Sân Thống Nhất cũng ghi tên mình vào lịch sử thể thao Việt Nam.

Sân Thống Nhất: Di sản và ký ức

Ra đời từ năm 1929 với tên gọi ban đầu là sân Renault, sân Thống Nhất đã trải qua gần một thế kỷ chứng kiến sự thăng trầm của thể thao TP.HCM. Sau ngày đất nước thống nhất, sân Thống Nhất, trở thành biểu tượng của sự đoàn kết và khát vọng vươn lên. Sân Thống Nhất, biểu tượng bất diệt của thể thao TP.HCM, từ lâu đã được xem là "địa chỉ đỏ" ghi dấu những cột mốc quan trọng trong lịch sử thể thao Việt Nam.

Từ sân Thống Nhất đến ước mơ những ngày hội thể thao quốc tế - Ảnh 1.

- Sân vận động Thống Nhất là “địa chỉ đỏ” của bóng đá và thể thao Việt Nam...

Đây là sân nhà của 3 đội bóng từng vô địch Việt Nam, cũng là những niềm tự hào của bóng đá TP.HCM: Cảng Sài Gòn – Công an TP.HCM – Hải Quan. Thập niên 80-90, cùng với sân Cột Cờ - Hà Nội, thì sân Thống Nhất chính là "thánh địa" của bóng đá Việt. Tại đây, ở Cúp Độc Lập 1995, đã ghi dấu thời điểm chuyển mình của đội tuyển quốc gia để cuối năm đó, bóng đá Việt Nam lần đầu tiên giành huy chương bạc SEA Games.

Những trận đấu lịch sử, như các cuộc đối đầu giữa Cảng Sài Gòn và Hải Quan, hay những lần đội tuyển Việt Nam thi đấu quốc tế, đã biến sân Thống Nhất thành "chảo lửa" - một biểu tượng của tinh thần thể thao bất diệt. Cúp bóng đá quốc tế TP.HCM với 15 lần tổ chức tại sân Thống Nhất cho đến nay vẫn là giải đấu quốc tế có tuổi thọ cao nhất. Cũng tại sân Thống Nhất,  đội tuyển Việt Nam có những trận đấu đầu tiên tại vòng loại World Cup 1994… Không chỉ bóng đá, sân còn là nơi tổ chức các sự kiện điền kinh hàng đầu quốc gia, bao gồm cúp điền kinh quốc tế hằng năm, cho đến nay vẫn là sự kiện quốc tế duy nhất do điền kinh Việt Nam tổ chức.

Từ sân Thống Nhất đến ước mơ những ngày hội thể thao quốc tế - Ảnh 2.

Nhưng đang xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Minh Hoàng

Tuy nhiên, dù mang trong mình giá trị lịch sử to lớn, sân Thống Nhất hiện nay đã phần nào lạc hậu so với yêu cầu của các sự kiện thể thao quốc tế. Từ sức chứa 25.000 chỗ ngồi, sau 2 lần sửa chữa, giảm xuống chỉ còn 20.000 và trong đợt cải tạo sắp diễn ra để phục vụ Đại hội TDTT toàn quốc 2026, sân chỉ còn khoảng 15.000 chỗ ngồi và năng lực tổ chức các trận đấu quốc tế cũng chỉ dừng ở những tiêu chuẩn tối thiểu.

Sân Thống Nhất mãi mãi là một phần của lịch sử, nhưng TP.HCM cần một công trình xứng tầm cho tương lai cả về quy mô lẫn tính biểu tượng thời đại.

Cơn khát công trình đẳng cấp

Không chỉ sân Thống Nhất, hệ thống sân bãi và nhà thi đấu tại TP.HCM hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức. Những địa điểm vàng son một thời như trường đua Phú Thọ, nhà thi đấu Phan Đình Phùng hiện không còn nữa. Từ năm 2003 đến nay, chỉ có duy nhất một công trình được xây mới là Nhà thi đấu Phú Thọ. Trong khi đó, những địa chỉ quen thuộc mang tính chất chuyên biệt cho từng môn thể thao như Hồ Bơi Phú Thọ, Yết Kiêu, sân Tao Đàn, Hoa Lư (bi sắt, bóng bàn) hay NTĐ Nguyễn Tri Phương, Lãnh Binh Thăng (bóng rổ) dù từng là những địa điểm tổ chức các giải đấu trong nước và khu vực, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Thiết kế lạc hậu, thiếu các trang thiết bị hiện đại, và không gian hạn chế khiến những cơ sở này khó đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế lớn, ngay cả với SEA Games chứ chưa nói đến ASIAD hay các giải vô địch châu lục.

Các công trình thể thao tại TP.HCM chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức các đại hội thể thao quốc tế lớn

Một ví dụ điển hình là Nhà thi đấu Phú Thọ, nơi từng tổ chức các giải bóng chuyền, bóng rổ, và võ thuật. Tuy nhiên, với sức chứa chỉ khoảng 5.000 chỗ ngồi và hệ thống điều hòa, ánh sáng không đạt chuẩn, nhà thi đấu này khó lòng đáp ứng yêu cầu của các giải đấu quốc tế hiện đại. Các bể bơi Phú Thọ, Yết Kiêu thiếu các tiêu chuẩn quốc tế về độ sâu, hệ thống đo thời gian tự động, hay khu vực dành cho khán giả và truyền thông, khiến thành phố chưa thể tổ chức các giải bơi lội tầm cỡ.

Trong khi đó, các môn thể thao mới như futsal, bóng rổ 3x3, hay thể thao điện tử (e-sports) đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới lại càng đòi hỏi những cơ sở vật chất chuyên biệt. TP.HCM, dù là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào thể thao mới, vẫn chưa có nhà thi đấu đa năng đủ sức đáp ứng các yêu cầu này. Điều này không chỉ hạn chế khả năng tổ chức sự kiện quốc tế mà còn cản trở sự phát triển của các môn thể thao mũi nhọn, vốn là thế mạnh của thành phố.

Hơn nữa, sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch cơ sở vật chất thể thao cũng là một vấn đề lớn. Nhiều sân bãi, nhà thi đấu nằm rải rác khắp thành phố, không được kết nối thành một hệ thống liên hoàn, gây khó khăn cho việc tổ chức các sự kiện quy mô lớn đòi hỏi nhiều địa điểm thi đấu.

Bài toán cho tương lai: Vươn tới ngày hội thể thao quốc tế

Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, một dự án đầy tham vọng, dù đã được khởi công từ nhiều năm nay, vẫn chưa hoàn thiện, khiến TP.HCM mất đi cơ hội sở hữu một trung tâm thể thao hiện đại, đủ sức cạnh tranh với các thành phố như Bangkok, Kuala Lumpur hay Singapore.

Nhìn từ sân Thống Nhất, khả năng xây mới hoặc nâng cấp qui mô đối với các cơ sở thể thao trong nội thành là không còn khả thi. Việc hoàn thiện Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc là ưu tiên hàng đầu của chính quyền TP.HCM. Với quy mô dự kiến bao gồm sân vận động chính 50.000 chỗ ngồi, các sân phụ, nhà thi đấu đa năng, bể bơi đạt chuẩn Olympic, và các tiện ích hiện đại, Rạch Chiếc có thể trở thành trung tâm thể thao hàng đầu khu vực. Song song đó, việc nâng cấp sân Thống Nhất, Nhà thi đấu Phú Thọ, và các cơ sở hiện có là cần thiết để đảm bảo tính đồng bộ. Các công trình này không chỉ phục vụ thi đấu mà còn phải tích hợp các chức năng thương mại, du lịch, và văn hóa để tối ưu hóa hiệu quả kinh tế.

Từ sân Thống Nhất đến ước mơ những ngày hội thể thao quốc tế - Ảnh 4.

Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc sẽ tạo nên diện mạo mới cho thể thao TP.HCM

Những yêu cầu của thời đại, cũng như để tương xứng với tầm vóc của trung tâm kinh tế hàng đầu đất nước, đặt ra thách thức cho TP. HCM là phải phát triển hệ sinh thái thể thao. Một sự kiện thể thao quốc tế không chỉ cần sân bãi mà còn đòi hỏi hệ sinh thái đồng bộ, từ giao thông, khách sạn, đến dịch vụ truyền thông và y tế. TP.HCM cần đầu tư vào các lĩnh vực này, đồng thời nâng cao năng lực tổ chức thông qua việc học hỏi từ các quốc gia có kinh nghiệm. TP.HCM có thể hợp tác với các quốc gia có nền thể thao phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc Australia để học hỏi cách quy hoạch và vận hành cơ sở vật chất. Đồng thời, việc tổ chức các sự kiện quy mô nhỏ hơn, như giải marathon quốc tế hay giải futsal khu vực, sẽ là bước đệm để thành phố tích lũy kinh nghiệm.

Sân Thống Nhất, với những ký ức vàng son, là điểm khởi đầu cho hành trình thể thao của TP.HCM. Nhưng để vươn tới giấc mơ trở thành chủ nhà của các ngày hội thể thao quốc tế, thành phố cần vượt qua những giới hạn hiện tại, từ cơ sở vật chất lạc hậu đến tư duy tổ chức. Sự thiếu hụt cơ sở vật chất là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để TP.HCM tái định hình chiến lược phát triển thể thao. Từ sân Thống Nhất lịch sử đến những dự án hiện đại như Rạch Chiếc, thành phố có tiềm năng trở thành trung tâm thể thao hàng đầu khu vực nếu biết tận dụng nguồn lực và đổi mới tư duy.

Long Khang

90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link