Tự truyện của Hoàng Thùy Linh: Dù đau đớn và muộn màng, nhưng viết ra vẫn tốt hơn

28/03/2018 07:36 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đọc hết tự truyện dày 252 trang Vàng anh và phượng hoàng (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM) có thể nói Hoàng Thùy Linh đã khá chân thật và dũng cảm khi bày tỏ. Với bản thân, tự truyện là cách để vượt qua đau đớn, còn với độc giả - đặc biệt lứa tuổi mới vào đời - tự truyện là một “biển báo” về sự nguy hiểm đang rình rập.

“Tôi thấy đây là một câu chuyện cần kể, lẽ ra, nên được kể sớm hơn. Cách đây vài tuần một nữ sinh ở Nghệ An tự tử vì có người đăng ảnh cô hôn bạn trai trong lớp học. Hay như vụ Quỳnh Anh Hera bị bạn trai dọa tung clip sex gây rúng động dư luận... Nghĩa là tai nạn mà Hoàng Thùy Linh bị từ 10 năm trước vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều bạn trẻ ngày nay. Vì vậy, cuốn sách của Linh sẽ phần nào mang lại chút dũng khí cho những bạn gái trẻ, để họ có thêm cách tự bảo vệ mình tốt hơn” - nhà báo Trần Minh, người chấp bút tự truyện Vàng anh và phượng hoàng, chia sẻ.

Viết không để câu khách

Dù đề cập đến nhiều sự việc khá trần trụi và đau đớn, nhưng tự truyện này không phải viết để câu khách. Bất cẩn lớn nhất của Hoàng Thùy Linh khi 19 tuổi (năm 2007) là đã đồng ý để người yêu dùng điện thoại quay lại cảnh tình tứ của họ. Còn việc clip ấy bị tung lên mạng là một tai nạn đến từ việc sửa máy laptop.

Thế nhưng, vì là người của công chúng, trong suốt 10 năm (2007-2017), Hoàng Thùy Linh đã sống với “bản án” rất khắt khe này. Một ví dụ: Mãi đến cuối năm 2017, khi tự truyện này chuẩn bị đi in thì mẹ của Hoàng Thùy Linh vẫn còn nghe người lạ gọi điện hỏi những câu khiếm nhã về con gái... Dư luận vẫn còn nhiều người khá tàn nhẫn.

Chú thích ảnh
Tự truyện “Vàng anh và phượng hoàng” của Hoàng Thùy Linh in lần thứ nhất với số lượng 10.000 cuốn

Tự truyện này gồm 21 chương, nhưng chỉ dành hơn 1/4 đề cập đến việc clip ấy bị tung lên mạng, còn lại là nói về bản thân, gia đình, cùng những thất bại. Đọc những đoạn viết về xuất thân của cha mẹ, của bản thân, rồi những thiếu thốn và mặc cảm của một gia đình nhập cư sẽ không hề thấy ở đây có chuyện “xấu che tốt khoe”.

Thậm chí độc giả khó tính có thể nói nhân vật chính hơi thật thà, thậm chí hơi… “ngốc”, khi đã tiết lộ những chuyện riêng tư, ít người biết như vậy. Một ví dụ nữa: Hoàng Thùy Linh tiết lộ vì mải lo kiếm tiền giúp con gái thực hiện ước mơ mà mẹ bị cảm sốt nặng, rồi sẩy thai đứa em trai khi đã 7 tháng tuổi. Tự truyện có hàng chục chi tiết nhạy cảm tương tự.

Cách tiếp cận này của Hoàng Thùy Linh khá khác những tự truyện - hồi ký như Trần Lập: Bên kia bức tường (2013), Hương Giang Idol - Tôi vẽ chân dung tôi (2014), Tự truyện Wanbi Tuấn Anh - Bắt đầu từ một kết thúc (2014), Lạc giữa thanh xuân (2016) của Bà Tưng, Chạm tới giấc mơ (2017) của Sơn Tùng M-TP…

Những tự truyện - hồi ký nói trên vẫn được viết với tinh thần chung là “gạn đục khơi trong”, là “tốt khoe xấu che”, Hoàng Thùy Linh muốn đối diện với đau đớn để hy vọng vượt qua được nó. Viết với mơ ước sẽ được như con phượng hoàng được tái sinh và bay lên từ đống tro tàn của số phận.

Tự truyện này cũng khác Tâm thành và lộc đời của NSƯT Thành Lộc, Đằng sau những nụ cười của ca sĩ Khánh Ly, Chuyện tình không tên của nhạc sĩ Vũ Thành An, Sống cho người sống cho mình của NSND Kim Cương… ở cách truyền thông điệp.

Trừ hai chương ngắn cuối cùng có chút trần tình, gởi gắm, dường như Hoàng Thùy Linh ý thức mình còn quá trẻ, nên chọn lối bàng quan - trần thuật để kể, dứt ý là dừng lại, không lên gân, không bài học rút ra, không bóng bẩy, không ẩn dụ. Về giọng văn và bút pháp, đây cũng là cách viết khá cập nhật, nơi độc giả có thể nhìn thấy trong nhiều tự truyện vừa ra mắt.

“Vàng anh” chưa thành phượng hoàng

Dù ước muốn trở thành phượng hoàng nhưng qua tự truyện, Hoàng Thùy Linh cũng cho thấy mình chưa thể vượt qua chính mình. Cái tai nạn thời Vàng Anh vẫn là “bản án” đeo bám dai dẳng, và có lẽ còn lâu mới dứt hẳn.

Ngay sau biến cố, thay vì chạy trốn, Hoàng Thùy Linh dũng cảm quay lại trường đại học, đã tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành điện ảnh - truyền hình, đang chuẩn bị học lên tiến sĩ. Trong 10 năm sống trong đau đớn và e dè, Hoàng Thùy Linh học hát, đi hát, ra vài album, ra nhiều MV và đóng phim, nhưng vẫn với tâm thế… làm cầm chừng. Nên “vàng anh” chưa thể thành phượng hoàng.

“Sau những tổn thương, tôi quyết định không yêu ai nữa. Giờ tôi sẽ toàn tâm cho sự nghiệp. Tôi chợt nhớ về Hồ Xuân Hương, một người phụ nữ thật mạnh mẽ, dù phải làm thê thiếp cho người khác” (trang 191 của tự truyện). Đang độ tuổi 30 và khá xinh đẹp, nếu lời “cam kết” không yêu ai nữa mà đúng, thì chắc chắn cuộc trở lại của Hoàng Thùy Linh trong những năm tới sẽ khá mạnh mẽ.

Trong cuộc họp báo hồi tháng 10/2017, Hoàng Thùy Linh và ông bầu Quang Huy nói rằng cuốn tự truyện sẽ mở đầu cho chuỗi dự án mới, với mức đầu tư cho tất cả là 1 triệu USD. Dường như họ đang muốn làm cuộc lột xác, mà nhìn qua cách thể hiện tự truyện này là khá nghiêm túc và bài bản. Có thể nói Hoàng Thùy Linh muốn lấy cột mốc tự truyện Vàng anh và phượng hoàng để tự mình khép lại quá khứ, để sống tiếp và bước tiếp trong sự nghiệp diễn xuất, ca hát.

“Dù đau đớn và muộn màng, nhưng sau khi viết và đọc lại, tôi thấy viết ra vẫn tốt hơn” - Hoàng Thùy Linh chia sẻ.

Hoàng Thùy Linh ra mắt tự truyện: Cảm ơn quá khứ, xin lỗi Vàng Anh!

Hoàng Thùy Linh ra mắt tự truyện: Cảm ơn quá khứ, xin lỗi Vàng Anh!

Khởi động chiến dịch Vàng Anh và Phượng Hoàng - chuỗi 10 dự án kỉ niệm 10 năm chặng đường hoạt động nghệ thuật, Hoàng Thùy Linh cho ra mắt quyển tự truyện mang tên Vàng Anh và Phượng Hoàng.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link