Tương lai Bayern sau vụ Hoeness: Khó khăn nhưng không sụp đổ

16/03/2014 11:57 GMT+7 | Bayern Munich

(Thethaovanhoa.vn) - Ông Uli Hoeness, một nhân vật có ảnh hưởng lớn ở Bayern, đã rời ghế Chủ tịch, nhưng mô hình quản lý đã giúp đội bóng này thành công trong nhiều năm qua vẫn nguyên vẹn. Và đó là lý do để tin rằng, Bayern sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì cú sốc này.

Ngay sau khi bị tuyên án tù 3,5 năm, ông Hoeness đã xin từ chức Chủ tịch và trưởng ban kiểm soát hội đồng quản trị. Ban lãnh đạo Bayern đã đồng ý và đưa ra các phương án thay thế.

Chuyên gia tài chính lên thay

Cụ thể, trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra vào ngày 2/5 tới, ông Herbert Hainer (59 tuổi), CEO của Adidas, sẽ tạm thời giữ cương vị trưởng ban kiểm soát hội đồng quản trị. Còn vị trí chủ tịch tạm thời được trao cho phó chủ tịch Karl Hopfner (61 tuổi). Theo tờ Bild, có một số ứng viên khác như CEO Karl Heinz Rummenigge hay cựu danh thủ Paul Breitner (đang nắm chức trưởng ban tuyển trạch cầu thủ) nhưng ông Hopfner nhiều khả năng sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Ông Hopfner là một chuyên gia kinh tế, làm việc cho Bayern từ năm 1983 tới nay. Từng là giám đốc tài chính nhưng hiện nay, ông Hopfner là phó chủ tịch, chịu trách nhiệm về mảng tài chính, kinh doanh, phân phối vé, quản lý luật và nhân sự. Cùng với Hoeness và Karl Heinz Rummenigge, ông Hopfner được đánh giá là một trong những nhân vật chủ chốt, giúp Bayern phát triển ngoạn mục trong hơn 30 năm qua.

Trang web của Bayern cho biết khi Hopfner tới năm 1983, đội bóng này đang mắc nợ nhưng chỉ sau một năm, vấn đề này đã được giải quyết khi Hopfner bán Rummenigge cho Inter với giá 10,5 triệu D-marks (khoảng 6 triệu euro). Doanh thu của đội bóng năm 1983 chỉ là 12 triệu euro còn của mùa trước, lên tới 432,8 triệu euro, cao thứ 3 thế giới. Ông Hopfner cũng có công lớn trong việc xây SVĐ Allianz và khu phức hợp thể thao Saebener Strasse với những tiện nghi đẳng cấp hàng đầu thế giới.

Không ai là không thể thay thế

Sự ra đi của một vị chủ tịch am tường cả thể thao lẫn kinh tế như ông Hoeness là một tổn thất không nhỏ, nhưng không phải thảm họa. Bayern được tổ chức với cấu trúc chặt chẽ, với sự phân chia nhiệm vụ rõ ràng, không hoạt động vào nguồn lực tài chính bên ngoài như Chelsea, Man. City hay bị chi phối bởi một cá nhân. HLV Pep Guardiola từng ngạc nhiên khi trước mùa bóng, được mời thảo luận về kế hoạch với ban lãnh đạo thay vì phải tuân thủ mọi mệnh lệnh từ chủ tịch như tại Barcelona.

Ông Hopfner có thể không hiểu biết về chuyên môn sâu rộng như Hoeness nhưng tại Bayern, cũng không thiếu người đủ sức trợ giúp vị tân chủ tịch. CEO Rummenigge có 50 năm gắn bó với làng túc cầu còn giám đốc thể thao Matthias Sammer cũng trải qua nhiều cương vị, đủ thông hiểu mọi ngõ ngách của làng bóng đá. Tờ Focus thậm chí nhận xét Sammer từ lâu đã thay thế xuất sắc Hoeness trong nhiệm vụ…đấu “võ mồm”, mới nhất là vụ tranh cãi với HLV Juergen Klopp của Dortmund.

Ngoài ra, Bayern cũng đã biết thông tin ông Hoeness có thể bị bắt từ một năm trước nên không hề bị động. Trong thời gian qua, đội bóng này vẫn thành công trong những sự kiện lớn như vụ bán 8,33% cổ phần cho hãng bảo hiểm Allianz với giá 110 triệu euro hay chiêu mộ chân sút Robert Lewandowski. Hồi đầu năm nay, Bayern cũng đã chia sẻ với tờ FourFourTwo về những kế hoạch mới như chinh phục các thị trường mới như Mỹ hay châu Á.

Tóm lại, vụ Hoeness sẽ để lại đôi chút hụt hẫng nhưng khó có thể làm Bayern đi chệch hướng.

Người bổ nhiệm Hoeness cũng từng trốn thuế

Đây không phải lần đầu chủ tịch của Bayern liên quan tới các bê bối tài chính. Ông Willi Hoffmann, chủ tịch Bayern giai đoạn 1979-1985, chính là người bổ nhiệm Hoeness làm giám đốc điều hành, từng dính líu tới hàng loạt vụ án lừa đảo bất động sản hay trốn thuế và cũng phải ngồi tù. Năm 1985, ông Hoffmann phải từ chức do những bê bối nói trên nhưng Bayern vẫn đứng vững với sự điều hành của tân chủ tịch Fritz Scherer.


Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link