02/10/2020 07:52 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ An Hiếu kể, tính theo Âm lịch, thì nhằm ngày Rằm tháng 8 vừa qua là ngày sinh nhật của cha anh - cố nhạc sĩ An Thuyên. Để tưởng nhớ cố nhạc sĩ, từ các tư liệu được lưu trữ trong máy tính cá nhân của ông, An Hiếu đã quyết định giới thiệu tới công chúng 9 ca khúc mới của nhạc sĩ An Thuyên theo hình thức phim hoạt hình.
1. Nhạc sĩ An Thuyên sinh năm 1949, mất năm 2015. Ông là nhạc sĩ nổi tiếng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VII.
Ông là một trong những nhạc sĩ tiên phong của dòng nhạc dân gian đương đại Việt Nam, và được khán giả yêu mến với các ca khúc: Ca dao em và tôi, Em chọn lối này, Huế thương… Ông cũng từng viết một số vở nhạc kịch: Trương Chi, Đôi đũa kim giao, Biển tình cay đắng. Ông cũng giành được nhiều giải thưởng lớn ở trong nước. Nhưng không nhiều khán giả biết, cố nhạc sĩ còn rất tâm huyết với mảng ca khúc thiếu nhi.
Thực tế, những năm cuối đời, nhạc sĩ An Thuyên ngoài việc làm chủ biên một bộ sách (4 tập) gồm các bài hát hay nhất về thiếu nhi của các nhạc sĩ Việt Nam thì ông còn dành nhiều thời gian để sáng tác các ca khúc thiếu nhi. Sau 5 năm với nhiều công sức thực hiện cùng các đồng nghiệp ở Hội Âm nhạc Hà Nội, tập đầu tiên của bộ Tổng tập bài hát thiếu nhi Việt Nam Giai điệu tuổi thần tiên do nhạc sĩ An Thuyên làm chủ biên đã chính thức ra mắt năm 2014.
Lúc sinh thời, nói về Giai điệu tuổi thần tiên, nhạc sĩ từng chia sẻ vui với Báo Thể thao & Văn hóa rằng: Ôngđã chán làm việc với người lớn, bây giờ, làm việc với thiếu nhi thấy vui hơn, hấp dẫn hơn!Giai điệu tuổi thần tiên được gọi là bộ sách “đồ sộ” đầu tiên từ trước đến nay tập hợp đầy đủ nhất những ca khúc thiếu nhi của tất cả các nhạc sĩ từ khắp mọi miền đất nước trong 100 năm qua, như một “góc riêng” trong tâm hồn An Thuyên dành cho thiếu nhi.
Theo nhạc sĩ An Hiếu thì giữa cha anh và nhà thơ Phạm Hổ có một mối lương duyên lớn khi 9 bài hát được ra đời trong một thời gian rất ngắn với phần nhạc của An Thuyên, lời thơ Phạm Hổ. Đó là những câu chuyện về những loại hoa quả gắn liền với cuộc sống đời thường như: Na, khế, thị… Hay là những trò chơi tuổi thơ như: Thả diều, chơi thuyền giấy… Lời ca rất đỗi trong trẻo, âm nhạc súc tích, ngắn gọn và rất dễ nhớ, dễ thuộc, phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.
2. “Năm 2020, trong một lần tìm lại trong E-mail của ông, tôi đã vô tình tìm thấy bản thu âm và văn bản của những bài hát này. Nó đã được thu âm từ năm 2015 trước khi ông mất mấy tháng và dường như bị lãng quên. Phần hòa âm được thực hiện bởi nhạc sĩ Đức Tân và cộng sự. Với sự tham gia thể hiện của ca sĩ Vũ Thắng Lợi và tốp ca thiếu nhi”- nhạc sĩ An Hiếu kể.
“Sau khi nghe được toàn bộ những giai điệu của các bài hát đó, tôi quyết định phải thực hiện tâm nguyện của ông là cho nó được đến với công chúng yêu nhạc cũng như các cháu thiếu nhi yêu văn nghệ.Quá trình làm phim hoạt hình cũng khá dài (khoảng 2 tháng), mất rất nhiều công sức chỉnh sửa. Theo đó mỗi ca khúc làm theo hình thức tập phim hoạt hình thời lượng khoảng 4 phút/tập ”.
Cũng theo An Hiếu, đây là một dự án mà anh khá ưng ý khi chạy đua với thời gian để kịp ra mắt đúng dịp sinh nhật của cha mình (nhạc sĩ An Thuyên sinh ngày 15/8Âm lịch, năm 1949). Đây cũng là dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội - nơi mà nhạc sĩ An Thuyên đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng và giảng dạy, đào tạo ra nhiều nghệ sĩ cho âm nhạc nước nhà.
Ca khúc "Thuyền giấy" được hoạt hình hóa
Còn với nhạc sĩ An Hiếu, anh được sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật nên không có món quà gì quý giá hơn là những sản phẩm âm nhạc dành tặng đấng sinh thành.
“Tôi chọn cách thể hiện là phim hoạt hình vì nghĩ rằng bên cạnh phần nghe trẻ con cũng rất thích được cảm nhận giai điệu bằng những hình ảnh trực quan sinh động. Đồng thời, thông qua dự án này tôi cũng muốn khẳng định ý thức làm nghệ thuật miệt mài, chăm chỉ của mình để tiếp nối những dòng chảy âm nhạc của ba tôi. Và chắc chắn một điều: Ở nơi xa đó, ba sẽ luôn phù hộ và mỉm cười, hài lòng với những gì tôi đang làm được hiện nay. Có thể đó là những giải thưởng về âm nhạc, có thể là những lứa sinh viên do tôi đào tạo” - nhạc sĩ An Hiếu nói thêm.
Ca khúc "Cà rốt" của nhạc sĩ An Thuyên, dựa trên ý thơ của Phạm Hổ được hoạt hình hóa
Nhạc sĩ An Hiếu “hoạt hình hóa” Nhạc sĩ An Hiếu sinh năm 1975, là con trai của nhạc sĩ An Thuyên. Anh là tác giả của các ca khúc: Lời yêu xa, Vì đâu, Giấc mơ cho con… Anh từng thành lập ban nhạc Đồng Đội. Mới đây anh nhận giải nhất cuộc thi viết về thanh niên xung phong cho ca khúc Sáng mãi ngọn lửa thanh niên xung phong. Ngoài ra, nhạc sĩ An Hiếu cũng nhận giải A cho ca khúc cho tác phẩm Tình yêu lính công an cho cuộc vận động sáng tác âm nhạc về đề tài Công an nhân dân… Nhạc sĩ An Hiếu hiện tại là Trung tá, Phó chủ nhiệm khoa Quản lý Văn hóa của ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Anh đã dành nhiều tâm huyết cho dự án “hoạt hình hóa” các tác phẩm âm nhạc của cha mình. |
Hà Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất