Cần một bảo tàng Hàm Nghi tại thành Tân Sở

06/03/2009 17:05 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Căn cứ Tân Sở (làng Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị), là một trong “kinh đô kháng chiến” của vua Hàm Nghi và phái chủ chiến Triều Nguyễn. Thành Tân Sở ghi dấu những sự kiện lịch sử oai hùng một thời của vua quan Triều Nguyễn và nhân dân Quảng Trị đã cùng chung lưng đấu cật trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp. Thế nhưng, một “kinh đô kháng chiến” lẫy lừng, được nhắc đến nhiều trong lịch sử, nay chỉ còn lại mấy khóm tre già và một bình nguyên bao la cây lâm nghiệp!

“Đỏ mắt” tìm thành Tân Sở

Từ tuyến đường 9 Lao Bảo-Đông Hà, theo biển chỉ dẫn “di tích lịch sử thành Tân Sở”, rẽ vào vùng Cùa chừng 9km, sẽ gặp một bình nguyên đất đỏ bazan, được che chở bởi những đồi núi bao la trùng điệp. Đó là căn cứ Tân Sở.

 Vua Hàm Nghi
Dẫu thế, việc xác định được vị trí hiện nay của căn cứ Tân Sở là điều không đơn giản chút nào! Bởi, trên bình nguyên đất bao la của thành Tân Sở, nay không còn để lại một dấu tích gì ngoài mấy khóm tre gai còn mọc thẳng lối.

Sử chép, khi Pháp chiếm thành Thuận An năm 1883, thành Tân Sở được gấp rút xây dựng. Đến đầu năm 1885, về cơ bản căn cứ Tân Sở được hoàn thành.

Thành Tân Sở được xây dựng theo cấu trúc hình chữ nhật dài 548m, rộng 418m, với tổng diện tích 22,9 ha. Thành ngoại được đắp bằng đất, mở bốn cửa, xung quanh thành được bao bọc bởi tre gai. Giữa các lớp tre gai là lớp thành bằng đất nện chặt. Bên trong thành ngoại có trại lính, kho thuốc súng, lò đúc, kho hậu cần, bãi tập trận của voi…Lớp thành nội được xây bằng gạch vồ khá vững chắc. Nhiều ngôi nhà kiên cố đã được dỡ từ Huế mang ra đây để xây dựng. Nhân tài, vật lực đều đỗ dồn về đây. Chỉ tính riêng số ngân lượng mang đến đây xây dựng đã bằng 1/3 quốc khố nội phủ bấy giờ! Lương thực và vũ khí được vận chuyển theo hai đường: từ kinh đô Huế ra từ và đồng bằng sông Hồng vào qua cảng Cửa Việt.

Thế nhưng, 120 năm sau, khi con cháu có điều kiện nhìn lại dấu tích thành xưa để ngưỡng vọng ý chí tự cường, độc lập của cha ông thì nay chỉ thấy một bình nguyên bao la bạt ngàn cây lâm nghiệp.

Cần một bảo tàng Hàm Nghi

Theo ông Nguyễn Hữu Sinh, Trưởng Ban văn hoá xã Cam Chính, sau ngày vua Hàm Nghi rời khỏi chiến khu Tân Sở, thành này bị thực dân Pháp bắn phá, chỉ còn lớp thành ngoài là giữ được nguyên trạng. Những năm 1968-1969, một trung đoàn của Mỹ đóng ở đây, làm cho di tích này thêm hư hại, trở thành phế tích mất hết dấu vết! Ông Sinh, cho biết thêm: vào những năm 1974, người dân ở đây khi canh tác đào được rất nhiều đạn thần công được đúc bằng gang, đồng, sắt với các kích cỡ khác nhau. Ông Võ Văn Cảnh, chủ một vựa buôn bán phế liệu ở xã Cam Chính cũng xác nhận rằng vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, dân buôn phế liệu như ông mua được rất nhiều đạn súng đại bác và những khẩu thần công cỡ nhỏ. Ông có giữ lại mấy viên đạn đại bác bằng đồng nhưng nay cũng không còn nữa.
 
Tân Sở thành xưa chỉ còn lại mấy khóm tre gai mờ mịt!

Sau ngày giải phóng, chưa chia tách tỉnh Bình Trị Thiên, nhiều bảo tàng ở Huế và Hà Nội “mượn” khá nhiều súng và đạn thần công về nghiên cứu, triển lãm nhưng không thấy trả.

Hiện nay, thành Tân sở chỉ còn lại trong trí nhớ của những cụ già và người dân ở xã Cam Chính. Một dấu tích thành xưa oai hùng với cả một “công trường kháng chiến” huy động hàng vạn dân phu, lính tráng nay đã bị bỏ rơi, quên lãng.

Lịch sử không chỉ là quá khứ mà nó còn là những bài học xương máu cho thực tại. Thiết nghĩ, để giáo dục truyền thống lịch sử cho hậu thế, tôi thiết tha để nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng liên quan thành lập một bảo tàng mang tên vua Hàm Nghi hay ít nhất là một nhà trưng bày những hiện vật còn sót lại của “kinh đô kháng chiến” Tân Sở một thời. Có làm được như thế chúng ta mới không hổ thẹn với tiền nhân.

Nguyễn Khánh - Vân Đình (Huế)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link