Tuyên dương hơn 200 học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử

23/04/2014 14:22 GMT+7 | Thế giới



(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 23/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam tuyên dương và trao thưởng cho 217 học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba và khuyến khích môn Lịch sử.

Đây là lần thứ 3 Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam tổ chức trao giải cho học sinh đạt giải cao môn Lịch sử, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2014. Trong số này, có 6 giải nhất, 73 giải ba, 51 giải nhì và 87 giải khuyến khích. Số trường có học sinh đoạt giải có xu hướng tăng đều so với các năm trước. Đặc biệt, năm nay cả 6 giải nhất đều thuộc về các học sinh nữ. Lần đầu tiên, Hà Nội có một giải nhất. Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, chuyên Lê Hồng Phong Nam Định vẫn là đơn vị có nhiều giải cao. Các tỉnh Nghệ An, Thái Bình tuy không có giải nhất nhưng là các đơn vị có nhiều giải nhì.

Em Trần Thị Thu Thủy, học sinh Trường Trung học chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định giành giải nhất bày tỏ: Để học tốt môn Sử phải có niềm say mê, yêu thích môn học. Em luôn ghi nhớ các sự kiện, hiện tượng một cách hệ thống, học theo các chủ đề xuyên suốt chiều dài lịch sử để so sánh giữa các thời kỳ, tự phát hiện và tìm cách giải quyết vấn đề, tự đặt câu hỏi và tìm ra câu trả lời để tạo được hứng thú khi học bài. Với em, học tập là phải bền bỉ, chủ động tiếp thu kiến thức. Khi làm bài thi cần có tâm lý vững vàng, phân bố thời gian hợp lý. Thành công nhỏ này giúp em có thêm niềm tin, niềm tự hào vững bước với niềm đam mê học Sử.

Chỉ đạt giải ba nhưng em Nguyễn Ngọc Ánh, Trường Trung học dân tộc nội trú tỉnh Yên Bái vui mừng chia sẻ, mặc dù niềm yêu thích môn Sử đến khá muộn, cuối lớp 11 nhưng em đã tự tìm cho mình cách học hiệu quả. Ở lớp, em chú ý tiếp thu các kiến thức cô giáo dạy, về nhà tìm kiếm tài liệu để làm đề cương, trả lời cho các câu hỏi. Với em, quan trọng nhất là cách cô giáo dạy không khô cứng theo kiểu đọc - chép mà cô dạy phương pháp, cách tư duy, đặt ra các câu hỏi để học sinh tự trả lời.

Tại buổi lễ, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Trong tình hình nền giáo dục phổ thông chưa được cải cách, chất lượng giáo dục môn Lịch sử còn nhiều hạn chế, đại đa số học sinh không tích môn Sử, coi như môn học nặng về trí nhớ, thì các em tự nguyện tham gia kỳ thi và đoạt giải cao rất cần được biểu dương. Rõ ràng, các em đã tự thoát ra được tình trạng dạy và học môn Sử gây sự chán ngán, tự tìm ra niềm hứng thú học tập bằng những cách học mới, bằng những tìm tòi trong trau dồi kỹ năng, phương pháp tư duy. Đồng hành với các em học sinh là những thầy, cô giáo đầy nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, chăm lo cải tiến cách dạy, truyền cho học sinh niềm say mê, phương thức biến môn Sử thành một thế giới tri thức đầy hấp dẫn, sáng tạo.

Nhân dịp này, Giáo sư Phan Huy Lê Lê tán thành chủ trương chủ trương đổi mới giáo dục phải bao gồm cả đổi mới chế dộ thi cử. Riêng môn Sử, đề thi phải làm sao đánh giá được sự hiểu biết, cách vận dụng những hiểu biết đó cùng năng lực tư duy của học sinh. Giáo sư Phan Huy Lê đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm đổi mới các kỳ thi quốc gia và Hội sẵn sàng hợp tác trong xây dựng nguyên tắc thi tuyển, ra đề thi, chấm bài, đánh giá chất lượng. Ngành giáo dục cũng nên tổng kết những kinh nghiệm thành công của thầy, cô giáo và học sinh trọng dạy và học môn Sử, góp phần xây dựng đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục phổ thông, trong đó phương pháp dạy và học bộ môn là một nhân tố có vai trò quan trọng.

Minh Nguyệt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link