Đừng để “cơm treo, mèo nhịn đói” trong tuyển sinh

19/02/2011 11:19 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Năm 2010, Bộ GD&ĐT giao cho các trường gần 420.000 chỉ tiêu nhưng chỉ có gần 315.000 thí sinh trúng tuyển nhập học, đạt 75,6% so với chỉ tiêu. Như vậy, vẫn còn trên 100.000 chỗ học trong các cơ sở giáo dục bỏ trống.

Con số trên được đưa ra tại Hội nghị Tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp năm 2011 được Bộ GD&ĐT tổ chức trực tuyến tại 6 điểm cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ ngày 18/2/2011.

Năm nay, Bộ đã có một số điều chỉnh như bổ sung đối tượng tuyển sinh là người nước ngoài và dự kiến tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh khuyết tật cũng như trong quá trình xét tuyển nguyện vọng 2 và 3.

Theo ông Vũ Việt Bình, Phó Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, “Cách xét tuyển nguyện vọng theo phương thức tất cả các trường cùng một mốc thời gian nhận hồ sơ, cùng công bố điểm chuẩn cố định đã khiến cho nhiều thí sinh dù có điểm cao nhưng vẫn không trúng tuyển cả nguyện vọng 2 và 3”.

Theo đó, ông Bình kiến nghị Bộ nên có cách làm linh hoạt hơn. Các trường khi nhận hồ sơ nên liên tục cập nhật và công bố danh sách các thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký lên trên website của mình. Khi đó, thí sinh sẽ biết trường đã có bao nhiêu thí sinh đăng ký, mức điểm bao nhiêu để làm cơ sở xem xét, quyết định xem mình có nên nộp hồ sơ xét tuyển vào trường đó hay không. Các trường nếu đã nhận đủ hồ sơ cũng có thể công bố ngừng xét tuyển trước thời hạn Bộ quy định để thí sinh tìm cơ hội khác.

Chỉ tiêu chính quy năm 2010 tăng không quá 6% – 7% so với năm 2009. ( Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Nhiều đại biểu cũng chia sẻ kiến nghị này, Hiệu trưởng ĐH Hòa Bình Đặng Ứng Vận nhận định, mỗi năm có hàng nghìn thí sinh đủ điều kiện (trên điểm sàn), muốn học nhưng không được đi trong khi có hàng nghìn chỗ học ở các trường không có sinh viên, trường tuyển không đủ chỉ tiêu, đặc biệt là các ĐH, CĐ ngoài công lập hoặc mới thành lập.

Điều đặc biệt, tại hội nghị quan điểm trên được sự đồng tình của người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn khẳng định nếu các trường thực hiện được điều này sẽ rất tốt. Càng công khai minh bạch càng có lợi cho thí sinh, các em có nhiều điều kiện lựa chọn. Theo Bộ trưởng, thậm chí, thí sinh có thể rút hồ sơ ra để nộp sang trường khác nếu thấy cơ hội đỗ vào trường mình đã nộp hồ sơ là thấp.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kết luận: “Điều này sẽ tránh tình trạng “cơm treo mèo nhịn đói”, thí sinh điểm cao nhưng không có cơ hội học trong khi các trường khác lại thiếu chỉ tiêu. Các trường có thể kéo dài thời gian tuyển, nhập học sau các trường khác một tháng tôi nghĩ cũng không có vấn đề gì”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đặc biệt ủng hộ việc nên có ưu tiên đặc biệt cho học sinh khuyết tật. Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Pháp chế xem xét thẩm quyền về việc ban hành quy định này. Theo đó, thí sinh khuyết tật sẽ không phải tham gia kỳ thi tuyển sinh. Các hiệu trưởng chủ động kiểm tra trình độ trên cơ sở xét học bạ của thí sinh để quyết định tuyển các em vào trường. Quy chế thi năm nay cũng bổ sung thêm đối tượng mới là thí sinh người nước ngoài. Các thí sinh người nước ngoài sẽ không phải tham dự kỳ thi tuyển sinh nhưng phải được hiệu trưởng các trường kiểm tra trình độ để xét tuyển.

Thanh Thư

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link