Tuyển thủ rowing hai lần dự Olympic Phạm Thị Thảo: Cả sự nghiệp là những điều kỳ lạ

29/05/2016 07:15 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Là kiện tướng đua thuyền, vừa lần thứ hai  giành quyền dự tranh Olympic song tay chèo quê Thái Bình này lại không hề biết bơi. Cô thôn nữ từng chỉ nuôi mộng bóng chuyền đã làm nên nghiệp lớn, tạo nên một cuộc đời đời ngoạn mục khi gắn bó với rowing, với ngót tỷ đồng tiền thưởng gặt hái được từ bộ sưu tập huy chương quốc tế “khủng”.

Kiện tướng đua thuyền...  không biết bơi

Qua 8 năm theo nghiệp rowing, Phạm Thị Thảo vẫn chưa hề biết bơi, dù rằng chị đã có đủ kỹ năng, kinh nghiệm để phòng ngừa tuyệt đối mọi nguy cơ chết đuối mình từng phải đối mặt khi khởi nghiệp. Sự cố hãi hùng ấy xảy ra từ 2008, lúc Thảo xin nghỉ sớm một buổi tập rồi một mình chèo thuyền trở về. Đến giữa hồ Tây, chiếc thuyền bất ngờ bị thấm nước và chìm dần trong sự hoảng loạn của “khổ chủ”.

Thảo chỉ còn cách bám chặt vào thuyền rồi hét toáng lên kêu cứu. Thật may cho chị, một số đồng đội đã kịp nghe thấy, cấp tốc đưa thuyền đến giải cứu người đồng đội lúc đó chỉ còn nổi mỗi chỏm tóc, và đã uống no nước.


Phạm Thị Thảo sau SEA Games được vinh dự gặp Chủ tịch nước lúc ấy, Trương Tấn Sang

Sau vụ chết hụt, Thảo được các thầy dành cho một tháng để  học bơi cho bằng được, hoặc phải chấp nhận chia tay đường đua. Thế nhưng, dù đã quyết tâm và nỗ lực, cô gái đất Lúa vẫn chỉ bơi được đúng 20m rồi lại chìm ngay.

Thảo đã phải khóc hết nước mắt xin được cho ở lại để vừa tập đua thuyền vừa học bơi. Còn các thầy lúc đầu cũng dự tính loại Thảo nhằm đảm bảo an toàn, song cuối cùng quyết định tạm bỏ qua vì thấy tội cho học trò, và quan trọng hơn là tiếc tố chất và sức vươn hiếm có. Hiểu rõ tình thế hiểm nghèo của mình, tay chèo 1989 lao vào tập luyện… như điên để lấy khả năng, thành tích bù lại cho khiếm khuyết chết người ấy.

Chỉ mất đúng 1 năm, Thảo đã nổi lên như một tài năng hàng đầu, hội tụ đầy đủ các phẩm chất của một VĐV đua thuyền hiện đại, nổi bật là một nền tảng thể lực cùng sự bền bỉ đặc biệt, dựa trên một sải tay so với chiều cao cơ thể dài gấp bình thường: 12cm. Thời điểm ấy, Thảo mới chính thức vượt qua được thử thách cân não.

Các thầy không còn đề cập đến chuyện “mù” bơi của Thảo, thay vào đó luôn kiểm tra kỹ lưỡng thuyền của học trò trước mỗi buổi tập, cũng như luôn có đồng đội theo kèm. Bản thân Thảo còn rèn cho mình một kiểu ngồi riêng bám chặt chân  trên thuyền vô cùng cân bằng, vững trãi.

“Phu hồ” 2 lần tới Olympic  

Cũng như rất nhiều bé gái quê Thái Bình, Thảo chỉ mơ trở thành cầu thủ bóng chuyền giống như “búa máy” Bùi Thị Huệ. Chị trải qua vài lần dự tuyển đều bị trượt vì chiều cao khiêm tốn.

Mãi đến năm học lớp 12, duyên thể thao của Thảo mới  bén từ một lần dự tranh  Hội khỏe Phù Đồng cấp tỉnh theo cách khó tin.  nhưng lại ở môn rowing mà chị đã lập tức từ chối khi được đề nghị. Ông thầy Nguyễn Văn Sáu đã phải mất tới 2 tháng, qua vài lần về tận nhà mới “chèo” được cô nữ sinh có sải tay dài lạ thường cho đội rowing.


Phạm Thị Thảo chèo giỏi nhất Đông Nam Á nhưng lại không biết bơi

Hồi đầu, Thảo cũng chẳng thích thú gì với cái món cả ngày gò lưng gắng sức chèo chiếc thuyền rất dài mà  hẹp bề ngang, chỉ ngồi cho vững đã mất cả vài tháng kỳ công. Tuy nhiên, cái nghiệp đua tốc độ cùng sóng nước đã ngấm vào máu Thảo  lúc nào chẳng hay, nhất là khi nó sớm chứng tỏ sự phù hợp đặc biệt với cô gái đầy mạnh mẽ này.

Do Thái Bình không sẵn điều kiện nên ngay từ đầu ngành thể thao đã phải gửi Thảo cùng một số đồng đội lên Hà Nội tập nhờ. Suốt 8 năm nay, không chỉ xa nhà biền biệt mà tay chèo đất Lúa còn luôn phải vượt khó chịu khổ giống hệt như một “phu hồ”. 

Cứ 5h sáng, Thảo đã phải vác trên vai chiếc thuyền nặng chình chịch xuống nước để “chiến đấu” giữa trời nước mênh mông, chèo ra 12 cây số  bất kể mưa nắng. Tiếng là tập luyện ở Thủ đô mà Thảo cùng vài đồng đội  phải ở trong phòng trọ chưa đầy 10m2, ăn cơm bụi và thường xuyên thiếu cả nước tắm vì điều kiện của CLB đua thuyền Hồ Tây quá chật chội và xuống cấp. Sự khắc nghiệt ấy qua ngày tháng đã in hằn trên mái tóc khô cong, khuôn mặt con gái đen xạm, cùng đôi bàn tay chai sần nhiều lớp.

Bất chấp điều kiện gian khó về nhiều mặt ấy, Thảo vẫn liên tục bứt phá lên đỉnh cao, với một khả năng đa dạng. Chỉ qua đúng 1 năm ăn tập, SEA Games 2009, chị đã lập tức giành 2 HCV, và đến ASIAD 2010 là 1 tấm HCB lịch sử.

Đến giờ Thảo đã trở thành một “máy gặt” thành tích  số 1 ở một môn khó và mới với TTVN, với một bộ sưu tập gồm 30 huy chương quốc tế các loại. Giới chuyên môn luôn phải trầm trồ thán phục bởi    Thảo đấu nội dung gì, bên cạnh ai cũng đều giành chiến thắng, từ thuyền đôi, thuyền bốn, từ khu vực cho đến châu lục.

Vừa mới đây, tuyển thủ 28 tuổi đã lập kỳ tích khi lần thứ 2 liên tiếp giành quyền tới Olympic, cùng ở nội dung thuyền đôi với 2 tay chèo khác nhau. Cách đây 4 năm, Thảo đấu cặp với người đồng đội cùng lứa Phạm Thị Hài, và lần này đàn em Tạ Thanh Huyền.

“Chèo” ra tiền tỷ

Từng du đấu qua 20 nước, chinh phục hàng loạt đỉnh cao sáng giá, song Thảo vẫn giữ nguyên sự chân chất, giản dị đến mức hồn nhiên của cô thôn nữ ngày nào. Thảo không bao giờ coi mình là “ngôi sao” hay  thậm chí dị ứng khi bị nhắc nhiều là “nhà vô địch”. 

Chưa từng thấy chị kêu than bất cứ điều gì bởi chuyện thuyền cũ, ăn khổ, ở chật, chế độ thấp là một thực tế mà  “kiểu gì mình phải đối mặt để vượt qua”, và quan trọng hơn “chưa là gì so với thời vừa đi học vừa làm đủ thứ việc nặng nhọc của con nhà nông để giúp bố mẹ”.

Thảo đã có cách vượt lên cho riêng mình: làm sao để đạt kết quả tập luyện và thành tích thi đấu tốt nhất, rồi kiểu gì cũng được đãi ngộ xứng đáng.

Rất thú vị vì hiện tại tuyển thủ có khuôn mặt khắc khổ ấy lại đang thuộc diện giàu nhất làng đua thuyền khi đã gặt hái được cả 1 tỷ đồng từ tiền thưởng trong mấy năm tỏa sáng trên các đấu trường.

Đấu vớt thuyền đôi hạng nhẹ: Phạm Thị Thảo/ Phạm Thị Hài dừng bước trước vòng bán kết

Đấu vớt thuyền đôi hạng nhẹ: Phạm Thị Thảo/ Phạm Thị Hài dừng bước trước vòng bán kết

Đứng thứ 5 trong số 6 đội đua tham dự lượt đấu play-off thứ nhất, đôi VĐV Phạm Thị Thảo/ Phạm Thị Hài đã không thể giành được quyền vào thi đấu vòng bán kết.


Thảo bảo, sự khác biệt ấy chủ yếu có được nhờ địa phương ưu tiên đặc biệt, với mức thưởng vượt trội so với mặt bằng chung cả nước, đơn cử 1 tấm HCV SEA Games là 80,5 triệu đồng. Năm ngoái, nhờ 2 lần đăng quang trên đất Singapore, chị đã lĩnh thưởng gần 400 triệu đồng tính cả tiền mặt và hiện vật.

“Chèo” ra tiền tỷ nhưng Thảo lại gần như không biết tiêu tiền, nói chính xác hơn là không có nhu cầu gì cho bản thân. Mỗi năm có khi chị chỉ chi khoảng mươi triệu để mua vài bộ quần áo tươm, hay chiêu đãi mọi người sau mỗi cuộc đấu thành công.

Trước khi lấy chồng, Thảo đã góp phần đắc lực để bố mẹ đẻ xây nhà mới mua sắm đầy đủ tiện nghi. Giờ chị đang cố gắng tiết kiệm để vợ chồng xây dựng một cơ ngơi riêng, cũng như có một khoản tích lũy nhất định để lo cho tương lai của mình.

Cũng vì quá đắm đuối với nghiệp đua thuyền với những chuyến tập huấn thi đấu liên miên, nên cưới nhau 2 năm, vợ chồng Thảo vẫn phải... nhịn sinh con, dù gia đình hai bên rất sốt ruột. Sau Olympic 2016, Thảo mới tính đến chuyện tạm dừng lại để tập trung lo cho tổ ấm của chính mình.

Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link