17/12/2016 05:51 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển Việt Nam đã không hoàn thành chỉ tiêu lọt vào chung kết AFF Suzuki Cup 2016 nhưng theo HLV Lê Thụy Hải, ngay cả khi Công Vinh, Thành Lương và một số cựu binh chia tay, đây vẫn là lứa cầu thủ đầy hứa hẹn.
HLV Lê Thụy Hải: Việc đó là hết sức bình thường, tôi nghĩ cũng đã đến lúc như vậy. Khi nhiều tuổi, khả năng chuyên môn của Công Vinh và Thành Lương đã hạn chế đi nhiều, sức cũng kém hơn. Thành Lương thì còn có thể cống hiến thêm một vài năm nữa còn Công Vinh tôi nghĩ nên dừng lại thôi vì nếu có ở lại cũng không còn thể hiện được những gì mà người hâm mộ từng thấy ở cậu ấy.
Quyết định chia tay đội tuyển của Công Vinh, Thành Lương tôi cho là sáng suốt. Quá khứ rồi sẽ qua đi và giờ là lúc các bạn ấy hướng đến những điều mới mẻ đã từng chuẩn bị trong thời gian qua mà chưa thực hiện được.
Vậy diện mạo của đội tuyển Việt Nam trong tương lai sẽ như thế nào khi những cựu binh cuối cùng của thế hệ vô địch AFF Cup 2008 rút lui, thưa ông?
- Thật ra mà nói hướng phát triển của tất cả các CLB chứ không riêng gì đội tuyển quốc gia là xây dựng, đào tạo lực lượng kế cận. Lứa Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hữu Thắng… qua đi thì đến lứa Văn Quyến. Văn Quyến không thi đấu được thì bên cạnh có Công Vinh, Minh Phương và một loạt cầu thủ khác. Đó là quy luật bình thường trong bóng đá và theo tôi không có gì khác biệt mà chúng ta phải chú ý nhiều đến nó.
Nếu nói có kỳ vọng vào đội tuyển Việt Nam trong tương lai hay không với những gì bóng đá Việt Nam đang có thì rất khó để trả lời. Muốn làm tốt thì đầu tiên vẫn là vai trò của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Các anh đừng lo củng cố những chỗ khác mà hãy đi sâu tìm hiểu từng CLB, có cách nào đó giúp đỡ các CLB trong việc đào tạo cầu thủ trẻ, về chuyên môn cũng như tổ chức.
Thành Lương cùng Công Vinh, những cựu binh cuối cùng từng vô địch AFF Suzuki Cup 2008 đã nói lời chia tay đội tuyển Việt Nam sau AFF Suzuki Cup 2016.Ảnh: Thanh Hà
Các CLB ở V.League hay hạng nhất hiện nay rất thiếu việc này mà họ chỉ chú tâm làm thương hiệu, giành giật thứ hạng cao tại V.League,không chú trọng nhiều trong việc đào tạo cầu thủ trẻ. Vậy thì VFF phải thể hiện vai trò, có trách nhiệm giúp đỡ các CLB về tổ chức, kỹ chiến thuật, đầu tư lâu dài với những kế hoạch cụ thể.
Tới đây chúng ta sẽ tham dự SEA Games 2017, đây cũng là một giải đấu quan trọng. Chúng ta có những giải trẻ như U21 Báo Thanh Niên, đây là cơ hội tuyển chọn. Hay như một số đội tại V.League sử dụng nhiều cầu thủ trẻ như HAGL, Hà Nội T&T, Sài Gòn FC…
Đây chính là nơi để chúng ta tìm ra những nhân tố mới cho đội tuyển Việt Nam. SEA Games giới hạn độ tuổi U22, cơ hội tìm ra những nhân tố trẻ tốt mới cho bóng đá Việt Nam càng có điều kiện thuận lợi. Nhưng tìm ra được rồi, bồi dưỡng, đào tạo ra sao lại là một vấn đề khác. Nếu tuyển chọn ra được rồi mà lại bỏ rơi các em ấy thì đâu lại vào đấy, mọi chuyện vẫn dậm chân tại chỗ.
Với tư cách người làm nghề, theo ông cần phải làm gì để đội tuyển Việt Nam có thể mạnh mẽ hơn trong những năm tới?
- Báo chí, các chuyên gia đều đã chỉ ra những gì bóng đá Việt Nam có thể thay đổi. Như giải đấu V.League, chúng ta phải làm thế nào để khi các cầu thủ lên chơi cho đội tuyển quốc gia cần phù hợp với môi trường này, khi ra sân chơi quốc tế phải thích ứng, hành xử đúng luật.
Chúng ta không thể mang những gì đã thể hiện tại V.League ra các giải đấu quốc tế AFF Cup, SEA Games như cãi trọng tài, phản ứng hay đe dọa trọng tài. Các CĐV tôi nghĩ cũng nên có cách cổ vũ văn minh, lịch sự, ứng xử có văn hóa, đừng ném đá vào xe của đội bạn, nhất là khi đó là đội bóng nước ngoài. Hành động như thế sẽ ảnh hưởng đến cả đất nước, nhiều thế hệ người Việt Nam chứ đâu chỉ là bóng đá và trong phạm vi riêng trận đấu đó.
Muốn có sự thay đổi thực sự tôi nghĩ chúng ta phải làm tốt ngay từ V.League. Vây xe đội khách ư, họ có tội gì đâu? Các cầu thủ cũng thế, như tôi đã từng nói rất nhiều lần không có chuyện gì là tự giác cả mà phải có chế tài, kỷ luật. Tự giác cũng là do có kỷ luật. Nếu bóng đá Việt Nam làm được như vậy mới tiến bộ được còn nếu không, mãi mãi cũng chỉ như hiện nay.Theo ông, đội tuyển Việt Nam cần rút ra những bài học gì sau AFF Cup lần này?
- Đội tuyển Việt Nam qua nhiều đời HLV gần đây cả nội lẫn ngoại, không nhiều người kỳ vọng vào anh Thắng ngay tại AFF Cup này với việc giành thành tích cao nhất. Rất nhiếu ý kiến đã đưa ra nhưng tôi nghĩ, hãy để cho BHL và các cầu thủ bình tâm lại.
Đội tuyển Việt Nam bị Indonesia loại ở bán kết rõ ràng là HLV Nguyễn Hữu Thắng không đạt chỉ tiêu vào chung kết, việc này không bàn thêm nữa. Nhưng làm thế nào để cho mọi người, đội tuyển cùng tốt lên đó mới là cốt lõi.
HLV không hoàn thành chỉ tiêu có thể thay thế, đó là việc hết sức bình thường, tôi nghĩ chúng ta không nên bàn thêm nữa. Nhưng phải thừa nhận, lứa cầu thủ của đội tuyển Việt Nam đang có được nhiều người kỳ vọng, CĐV yêu họ, lâu lắm rồi sân Mỹ Đình không đông khán giả như trận bán kết lượt về vừa qua, đó là sự thật. Vậy Liên đoàn, với người có trách nhiệm chuyên môn cần phân tích, đánh giá xem đội hình hiện nay của đội tuyển Việt Nam hơn lứa cầu thủ trước đây cái gì và những gì chưa làm được, cần nhanh chóng rút kinh nghiệm và tổng kết chứ không thể buông xuôi.
Qua một giải đấu quốc tế mà với chúng ta là quan trọng như AFF Cup, bóng đá Việt Nam phải rút kinh nghiệm, tìm ra vấn đề cốt lõi để tất cả cùng đi lên theo hướng tốt nhất. Việc rút kinh nghiệm tôi nghĩ cần có sự tham gia của các CLB, để họ thấy cần phải đào tạo, bồi dưỡng, nếu có những nhân tố nào tốt, có thể phục vụ cho đội tuyển quốc gia thì chúng ta cần tuyển chọn, bồi dưỡng ngay.
Những con người tốt HLV Nguyễn Hữu Thắng không đưa lên đội tuyển lần này, dù việc qua rồi nhưng chúng ta cũng nên nói lại để cùng rút kinh nghiệm. Tại AFF Cup vừa qua, không ít người chê Công Vinh nhưng ai thay Vinh được? Vinh thì đáng chê rồi đấy nhưng ai thay đây. Công Phượng như vậy, Văn Quyết vẫn đá đúng khả năng nhưng không phải trung phong cắm đích thực, chỉ là lùi xuống, đưa Văn Toàn vào vị trí đó cũng không hơn.
Tuy nhiên, ở lứa U23 hoặc như Duy Long (Sài Gòn FC) tại V.League 2016 tôi thấy chơi trung phong được. Tất nhiên, về kinh nghiệm thi đấu còn ít nhưng hay nhìn vào họ để đào tạo. Trên thực tế, để tìm ra trung phong thực thụ cho bóng đá Việt Nam lúc này rất hiếm vì các CLB dùng toàn ngoại binh hoặc cũng lớn tuổi. Các CLB hạng nhất không có ngoại binh hoặc những cầu thủ có thể đảm đương vị trí này tại những CLB ở V.League, đó cũng là hướng mà tôi nghĩ HLV trưởng đội tuyển quốc gia nên xem xét.
Xin cảm ơn ông!
Lâm Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất