26/09/2015 05:15 GMT+7 | Các ĐTQG
(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những vấn đề đau đầu nhất với HLV Miura, cũng như bao người tiền nhiệm, đấy là nhân sự trên tuyến đầu của các ĐTQG. Kể từ sau cặp song sát Việt Thắng - Công Vinh ở AFF Suzuki Cup 2008, bóng đá Việt Nam đã không còn sở hữu những tiền đạo thực thụ để giải quyết khâu cuối cùng quan trọng nhất của một pha tổ chức lên bóng: Đưa bóng vào lưới đối thủ, hoặc ít nhất làm tường.
Công Vinh và Việt Thắng đều không phải những chân sút hàng đầu ở giải đấu mà đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên lên ngôi ấy, nhưng họ bổ sung cho nhau rất tốt và phục vụ các ý đồ chiến thuật cũng tốt.
1. Trên thực tế, sau khi Việt Thắng xuống phong độ và không còn giữ được vị trí trong màu áo ĐTQG, bóng đá Việt Nam vẫn còn ít nhất Nguyễn Anh Đức cho vị trí trung phong cắm. So với Việt Thắng, Anh Đức trẻ hơn (5 tuổi) và thậm chí còn đa năng hơn trong khâu dứt điểm cầu môn. Đức cũng rất chịu khó hy sinh phục vụ lối chơi tập thể, đó là lý do các HLV ở B.Bình Dương trao cho anh chiếc băng thủ quân.
Tuy nhiên, như Thể thao & Văn hoá đã từng đề cập, Anh Đức luôn gặp vấn đề với khát vọng tận hiến. Nó là hệ luỵ của cả một quá trình kéo dài qua nhiều năm, nhiều cấp độ ĐT, từ thời Alfred Riedl, đến Henrique Calisto, Falko Goetz, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc và gần đây nhất là Toshiya Miura, khi Anh Đức ít được đề cao vai trò ở mỗi đợt tập trung ĐTQG. Đức đâm ra chán nản và đánh mất khát vọng.
HLV Miura gặp khó khi lựa chọn nhân sự cho đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Quốc Khánh
So với 5 tiền đạo được gọi tập trung chuẩn bị 2 trận đấu vòng loại World Cup 2018 với Iraq và Thái Lan lần này, Anh Đức tuy là không ghi được nhiều bàn thắng như Văn Thắng hay Văn Quyết tại mặt trận V-League 2015, nhưng trội hơn ở nhiều điểm, đặc biệt là khi Đức chơi trong khu vực cấm địa đối phương. Đấy là khả năng tác chiến độc lập và hỗ trợ đồng đội của một trung phong có thể hình khá lý tưởng.
Khi tiền đạo đội trưởng Công Vinh luôn là ưu tiên số 1 trên hàng công của đội tuyển Việt Nam để phục vụ các ý tưởng chiến thuật của HLV Miura, việc tác hợp giữa Vinh và Quyết gặp khó khăn, bởi ông Miura không có một Gonzalo hay Samson hoặc Abass Dieng làm cầu nối.
2. Các tiền đạo được gọi lần này gồm Đình Tùng (13 bàn), Văn Thắng (16 bàn) và Văn Quyết (13 bàn) đều đang có phong độ tốt trong màu áo CLB tại V-League 2015. Trong khi đó, Công Vinh và Hồng Quân vẫn là những con bài tủ trên hàng công của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Miura. Nếu đo bằng số lượng bàn thắng tại V-League 2015, thì sự vắng mặt của Đinh Thanh Trung (11 bàn) cũng là rất đáng lưu ý.
Quan sát bằng con mắt nhà nghề, có thể thấy cả 4/5 tiền đạo trong tay HLV Miura lúc này đều xuất phát từ hành lang cánh (tiền đạo cánh – “winger”). Ở vị trí này, Văn Thắng cho thấy khả năng đánh hơi bàn thắng tốt nhất, thậm chí còn trội hơn cả Văn Quyết và Thanh Trung, những người thường xuyên được trao nhiệm vụ thực hiện các quả đá phạt trực tiếp ở CLB. Nhưng Thắng vẫn không phải một tiền đạo.
Khi V-League giới hạn các suất đăng ký ngoại binh và “Tây” nhập tịch, phần lớn các đội bóng đều ưu tiên 2 suất cứng trên hàng công để chơi với hàng phòng ngự thuần cầu thủ Việt. Điều này tạo nhiều hơn các cơ hội tiếp cận cầu môn của một tiền đạo cánh. Đó là lý do mà Thanh Trung, Văn Thắng, Đình Tùng, Trọng Hoàng, Văn Quyết và cả Minh Tuấn thăng hoa, chứ không hẳn họ đã phát triển lên một đẳng cấp khác.
Có thể thấy, Công Vinh và Văn Quyết sẽ vẫn là cặp tiền đạo số 1 của HLV Miura trên hành trình chinh phục suất dự VCK Asian Cup 2019 thông qua chiến dịch vòng loại World Cup 2018. Họ đã chơi cạnh nhau nhiều năm, từ cấp CLB đến ĐTQG, nhưng khả năng tung hứng để cùng thăng hoa của bộ đôi này, vì nhiều lý do, vẫn rất hạn chế.
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất