Đồng loạt hạ lãi suất huy động VND

06/07/2010 21:43 GMT+7 | Thế giới

Trong hai ngày 5 và 6/7, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt hạ lãi suất huy động theo như đồng thuận đã đạt được trước đó.

Cuối chiều 6/7, Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) ra thông báo giảm mạnh lãi suất huy động VND ở tiết kiệm bậc thang và tiết kiệm rút gốc linh hoạt. Biểu lãi suất mới sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 7/7.

Theo đó, lãi suất tiết kiệm bậc thang được điều chỉnh với các kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng dao động từ 11,05 - 11,18%/năm và đồng loạt ở mức 11,2% với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; lãi suất tiết kiệm rút gốc linh hoạt cũng có một số điều chỉnh ở các kỳ hạn, với hình thức trả lãi cuối kỳ, lãi suất tiết kiệm rút gốc linh hoạt dao động từ 10,5 – 10,98%/năm với các kỳ hạn từ 1 - 11 tháng và ở mức 11% với các kỳ hạn trên 12 tháng.

Như vậy, những mức lãi suất mới nói trên của SHB đã giảm mạnh so với quanh 11,5%/năm trước đó.

Cùng với SHB, khá bất ngờ khi đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD này lại tập trung ở nhóm ngân hàng cổ phần có quy mô vừa và nhỏ, thay vì những thành viên lớn hay ở khối ngân hàng quốc doanh.


Trong thời gian qua, thành viên có biểu lãi suất huy động VND cao nhất là Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB), với 11,99%/năm ở nhiều kỳ hạn. Thế nhưng, đến ngày 6/7, lãi suất của ngân hàng này đã đồng loạt giảm mạnh, về còn 11,2% - 11,4%/năm ở các kỳ hạn; riêng lãi suất áp với tiền gửi của các tổ chức chỉ là 11,1%/năm.

Tương tự, một trường hợp khác có lãi suất cao trước đó là Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) cũng vừa có điều chỉnh. Mức lãi suất lên tới 11,8%/năm đã được rút về phổ biến từ 11,1% - 11,3%/năm; riêng lãi suất đối với tiền gửi doanh nghiệp cao nhất là 11,5%/năm.

Tại Ngân hàng An Bình (ABBank), lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn chỉ còn 11,2%, cả với tiền gửi doanh nghiệp lẫn dân cư. Tại những thành viên khác như Navibank, Saigonbank, hay đặc biệt tại VietABank, lãi suất huy động VND hiện chỉ từ 11% - 11,2%/năm, thậm chí phổ biến dưới 11%/năm (VietABank)…

Trong khi đó, tại một số ngân hàng lớn, cả ở quốc doanh lẫn cổ phần, lãi suất huy động VND tính đến ngày 6/7 vẫn còn phổ biến mốc 11,5%, thậm chí cao hơn. Nếu trong những ngày tới, những thành viên này không “đồng thuận” hạ, những thành viên đã giảm và có biểu thấp hơn nói trên sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh huy động; bên cạnh đó, không loại trừ hiện tượng dòng vốn lại lòng vòng giữa các điểm gửi theo lợi ích...

Như vậy, sau khi tăng dần từ đầu năm đến nay, từ khoảng 9% lên cao nhất 12%/năm, lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại đã bắt đầu đón đợt điều chỉnh giảm đầu tiên. Đây là hướng vận động diễn ra sau khi các thành viên đã đạt được đồng thuận, thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cũng như từ sự vận động và hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.

Diễn biến trên cũng là bước hiện thực hóa định hướng chỉ đạo của Chính phủ về giảm dần mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Theo định hướng đặt ra, lãi suất huy động VND cần giảm về tối đa 10%/năm. Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà băng, cũng như từ VNBA, mốc này cần có một lộ trình để thực hiện từng bước và có thể dần hiện thực vào cuối quý 3 này.

Diễn biến trên cũng là một điều kiện cần cho định hướng giảm lãi suất cho vay đang được triển khai hiện nay, và dự kiến tiếp tục trong thời gian tới. Nhưng khả năng giảm tiếp lãi suất huy động như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như kỳ vọng lạm phát, khả năng cân đối vốn, năng lực thanh khoản của mỗi nhà băng, đặc biệt là trong những tháng cuối năm… 
                                                             
                                                                                                              (Theo VnEconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link