09/10/2014 18:08 GMT+7 | Các ĐTQG
* Bóng đá Trung Quốc, trong đó có bóng đá trẻ của nước này, vẫn bị ví là “người khổng lồ chân đất sét”. Thực tế chúng ta đã từng thắng họ trong hệ thống các giải đấu trẻ, nên nếu đánh giá không cao U19 Trung Quốc, cũng đâu phải quá đáng, thưa HLV Hoàng Anh Tuấn?
- Thật ra, với lứa tuổi U19 thì thất thường lắm. Hôm nay thế này, nhưng ngày mai lại thế khác. Đội tuyển U19 mình có khả năng, thế còn Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc… thì sao?! Bóng đá trẻ, chưa chắc Hàn Quốc, kể cả Nhật Bản, mạnh hơn Trung Quốc. Về khả năng tiến sâu của đội U19 Việt Nam, nói không (cơ hội) cũng không phải, mà nói có cũng chưa hẳn đã đúng. Phải lâm trận mới biết được.
Mới đây nhất, tôi có dịp qua Trung Quốc học (HLV Hoàng Anh Tuấn đang theo học khóa FIFA Pro dành cho các giảng viên bằng B và A của AFC - PV) và tôi nhìn thấy chất lượng hệ thống đào tạo của họ là rất tốt. Với chỉ riêng câu lạc bộ (CLB) Quảng Châu thôi, tôi đã thấy quá hoành tráng rồi. Đội bóng này không đào tạo cầu thủ đến 21 tuổi, mà ngưỡng cuối cùng họ làm là tuổi 19. Sau trận đấu giữa Quảng Châu FC và Sydney FC, tôi xem thêm cuộc đối đầu nội bộ giữa U19 và đội 1 của họ, thấy năng lực là tương đương nhau.
* Sau rất nhiều tín hiệu lạc quan, đặc biệt là với bóng đá trẻ Việt Nam, tại sao chúng ta không thể tin vào điều tốt đẹp nhỉ?!
- Tin và hy vọng nhiều chứ! Trong khuôn khổ một trận đấu bóng đá trẻ, quả thật là rất khó nói trước. Ví như ai nghĩ Olympic Việt Nam sẽ thắng Olympic Iran ở ngày xuất quân ASIAD 17 đâu?! Nhưng cần phải bình tĩnh, bởi thực tế là, năng lực chinh phục của người Á Đông nói chung và cầu thủ Việt Nam nói riêng là hữu hạn, trong khi đẳng cấp giữa các nền bóng đá là có thật.
Chúng ta có tố chất nhanh nhẹn, khéo léo, nhưng sự phát triển đồng bộ còn có cả tâm sinh lý nữa. Cầu thủ Việt Nam phát triển nhanh ở các lứa tuổi “U”, nhưng đến khi trưởng thành thì chững lại, không theo kịp Âu châu hay gần nhất là Đông Bắc Á.
* Theo ông, đội tuyển U19 Việt Nam cần phải chuẩn bị gì cho một đấu trường khắc nghiệt như VCK U19 châu Á này?
- Đấy là chỗ ca-bin Ban huấn luyện. Tôi không cho rằng HLV Gaulluime Graechen hạn chế về mặt năng lực, nhưng rõ ràng, qua nhiều trận đấu - giải đấu khác nhau, khả năng ứng biến với thời cuộc của ông “Giôm” là chưa sắc. Ban huấn luyện đội tuyển U19 Việt Nam đưa chiến thuật vào cho cầu thủ trẻ chậm hơn đối thủ và chúng ta thua cuộc.
* Một cái nhìn tổng quan về chất lượng của đội tuyển U19 Việt Nam vào thời điểm này, ông có thể nói ngắn gọn trong mấy từ?
- Một từ thôi: Tốt!
* Họ có đủ tốt để đá V-League và phát triển lên một đẳng cấp khác, ví như đưa Việt Nam dự VCK World Cup chẳng hạn?
- Xét về tổng thể, so với các lứa cầu thủ trẻ trước đây, thì sản phẩm của Học viện HA.GL Arsenal JMG là quá tốt. Nhưng không phải đưa hết lên tuyến đầu, tức đội hình 1 chơi V-League, là đá được ngay đâu. Ngoài ra, cơ chế nào để đưa U19 lên đá, khi về mặt quân số, đâu phải chỉ có mỗi học viện của bầu Đức?! Đội tuyển U19 Việt Nam bao gồm cả sản phẩm của các lò đào tạo khác và nếu muốn sử dụng để phục vụ cho riêng CLB HA.GL, ông Đức phải mua, phải ký hợp đồng với họ.
Trong trường hợp, CLB HA.GL chỉ đôn lên số cầu thủ thuộc biên chế học viện, thì đội bóng có đủ mạnh hay không?! Cấp độ CLB khác với cấp độ đội tuyển, về cả quỹ thời gian tập luyện, thi đấu, đến những tinh túy, tức con người. Năng khiếu không thể học được, nhưng thời gian và môi trường có thể giúp người trẻ thích nghi, tích lũy kinh nghiệm, trước khi nghĩ tới thành tích.
* Môi trường V-League liệu có thể giúp “những đứa trẻ của bầu Đức” phát triển lên một tầm cao mới không, thưa ông?
- Sản phẩm của Học viện HA.GL Arsenal JMG tốt, là tốt đối với tầm của Việt Nam thôi, chứ ngó qua Nhật, qua Hàn, Trung Quốc và thậm chí cả Thái Lan, thì chưa đủ đâu. Tại sao cầu thủ Nhật, Hàn Quốc lại to thế, trong khi chúng ta nhỏ thó?! Cầu thủ gốc Việt ở châu Âu, nơi có chế độ dinh dưỡng và điều kiện tập luyện cơ bản là lý tưởng, 18 - 19 tuổi vẫn OK, nhưng cao hơn nữa thì không bằng người ta. Đấy là vấn đề tâm sinh lý, dinh dưỡng, thể chất, về khoa học thể thao... Thật sai lầm khi cứ nghĩ rằng, lứa U19 Việt Nam đá tốt thế này, thì có thể chơi bóng ở châu Âu, ở Hàn Quốc, Nhật Bản…, rồi đem so sánh với Messi, Ronaldo, buồn cười lắm!
Tôi đồng tình với quan điểm của HLV Lê Thụy Hải, rằng không một cầu thủ U19 Việt Nam nào đủ sức cạnh tranh một vị trí ở một đội bóng giàu tham vọng như B.Bình Dương.
* Quan điểm này từng bị cho là trịch thượng, chủ quan và từng bị “ném đá” không tiếc tay đấy?!
- Tôi cũng như bao đồng nghiệp khác, chỉ đánh giá dựa trên các chỉ số chuyên môn và kinh nghiệm làm bóng đá, chứ không yêu ghét cá nhân. Ngược lại, tôi cầu chúc cho lứa cầu thủ U19 Việt Nam sẽ thành công, điều đó giúp bóng đá trẻ và xa hơn là cả nền bóng đá được lợi! Nhưng đừng bắt các em “nhảy cóc”.
* Cảm ơn ông
“Không phải tự nhiên đội tuyển U19 Việt Nam dự cả 3 trận chung kết, 3 giải đấu liên tiếp nhau. Trước đó, chúng tôi đã hạ cả U19 Australia qua 2 lần đụng độ. Thêm rất nhiều trận đấu, các chuyến tập huấn chất lượng khác, đội tuyển U19 Việt Nam đã tích lũy đủ đầy kinh nghiệm trận mạc. Cho đến thời điểm này, tôi đã sẵn sàng và hy vọng, các học trò của mình cũng sẵn sàng cho mục tiêu ở VCK U19 châu Á tại Myanmar”, HLV trưởng đội tuyển U19 Việt Nam, Guillaume Graechen, phát biểu sau giải U19 Đông Nam Á mở rộng 2014 ở Mỹ Đình, giải đấu bản lề cho VCK U19 châu Á. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất