U22 Việt Nam: Giữa lý tưởng và thực tại

15/05/2023 08:28 GMT+7 | SEA Games 32

"Chúng tôi chơi với đội hình dâng cao, lấy tấn công làm chủ đạo, nên có thể thua bàn bất cứ lúc nào. Các bạn thấy ở giải bóng đá Ngoại hạng Anh đấy, tỷ số trận đấu có thể rất cao, 4-3, 5-3 hay thậm chí cao hơn nữa...", đấy là phát biểu của HLV Philippe Troussier, sau bàn thua bất ngờ trước Thái Lan, lượt trận cuối vòng bảng.

"Đây là lứa cầu thủ tiềm năng. Họ còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm. Tôi không muốn so sánh với các lứa cầu thủ trước, nhưng sự thật là như vậy. Bóng đá có thắng, có thua, song tôi rất hài lòng với tinh thần của các cầu thủ, của đội bóng. Chúng ta đã có nhiều cơ hội kết thúc trận đấu, khi được chơi hơn người và tỷ số là 2-2. Nhưng...", vẫn lời HLV Troussier sau trận thua ở bán kết trước Indonesia.

Thuyền trưởng người Pháp đã nói rất nhiều, trước và sau các trận đấu, giải đấu. Về lý mà nói, ông Troussier đều hướng tới điều tích cực. HLV Philippe Troussier thậm chí chẳng nói gì sai cả, với thực tiễn của bóng đá Việt Nam, ít nhất ở cấp độ đội tuyển trẻ quốc gia như U22 Việt Nam.

HLV Philippe Troussier muốn hướng tới lối chơi kiểm soát chủ động, tấn công và tấn công. Trong bóng đá hiện đại, tấn công cũng là một trong những cách phòng ngự hay nhất. Sau thời người tiền nhiệm Park Hang Seo thành công với lối chơi thủ/phản, dựa trên tốc độ và sự chính xác trong chuyển đổi trạng thái, nhu cầu nâng cấp lối chơi của các ĐTQG là rất hiện hữu. Đây là điều mà ông Troussier theo đuổi.

Chỉ là, giữa lý thuyết và thực tế là những câu chuyện đôi khi không giống nhau. Những người xa vời thực tế chiếm số đông trong số những kẻ thất bại. Bóng đá hay bất cứ địa hạt nào của xã hội, con người mang yếu tố quyết định. Chiến thuật trong bóng đá phụ thuộc trực tiếp vào chất lượng cầu thủ mà HLV có trong tay. Tùy hạng mục giải đấu, vào đối thủ, mà ứng biến, mà ráp chiến thuật lối chơi, bài miếng hợp lý.

Thực tế là, năng lực cầu thủ lứa U22 Việt Nam dự SEA Games 32, không đủ để chơi kiểm soát, với ngay cả các đối thủ trong khu vực, chứ đừng nói tầm cao.

Lý tưởng và thực tại - Ảnh 1.

Lối chơi kiểm soát bóng như mong muốn của HLV Troussier không được các cầu thủ U22 Việt Nam triển khai tốt.Ảnh: HA

Có một chi tiết mà nhiều người đề cập là thiếu hợp lý trong triết lý vận hành và hiệu đính chiến thuật của HLV Philippe Troussier. Đấy là tùy cơ ứng biến, tùy thời điểm trận đấu mà hiệu đính con người, cũng như chiến thuật. Ví như hơn 10 phút, kể cả giờ đấu bù trận bán kết với U22 Indonesia, đáng ra cần làm chậm để đưa đối thủ vào 2 hiệp phụ thì lại nhanh và chịu đòn hồi mã thương.

Lập luận này, chính là giống tình huống mà Indonesia đã "ứng xử" với Việt Nam trận bán kết lượt về trên sân Mỹ Đình, tại AFF Suzuki Cup 2016. Bàn gỡ của Vũ Minh Tuấn tưởng đâu đã làm sống lại kỳ vọng cho bóng đá Việt Nam thì nó lại là khởi đầu của sự đổ vỡ. Chuyện sau đó thì ai cũng đã biết…

Với lợi thế hơn người, rõ ràng HLV Philippe Troussier muốn kết thúc trận đấu ngay ở giờ thi đấu chính. Chỉ là không may mà thôi, không may khi hệ thống phòng ngự của U22 Việt Nam đã lại mắc sai số, mà theo HLV Troussier, đấy là hệ lụy, là xác suất rủi ro phải chấp nhận. Ai chẳng yêu bóng đá tấn công, chả yêu những bàn thắng, song tốt nhất là đội bóng nên ghi nhiều bàn thắng hơn số bàn thua.

Indonesia đã ghi 4/5 bàn ở trận bán kết, họ thắng chúng ta là hợp lý. Làm gì có oan ức gì. Còn lý tưởng của HLV Philippe Troussier, có lẽ phải đợi khi ĐTQG tập trung đá giải mới có thể vận vào. Và, cũng là còn tùy đối thủ, tùy giải đấu nữa. Thôi thì "chúng ta cần thêm thời gian" mà. 


CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link