U22 Việt Nam về hạng ba tại SEA Games 32: Không nên vẽ giấc mơ

19/05/2023 13:22 GMT+7 | Bóng đá Việt

Không phải tự nhiên mà HLV Troussier một lần nữa nhấn mạnh về việc ông sẽ xây dựng các đội tuyển của mình từ những gì đã và sẽ có ở V-League, tức là cấp CLB. Bởi thời gian sắp đến, nhà cầm quân người Pháp sẽ không có nhiều cơ hội để tiếp tục triển khai các ý tưởng chơi bóng của mình do đội U22 Việt Nam sẽ không còn nhiều đất diễn trong năm nay.

1. Theo quyết  sách của VFF, đội tuyển U20 sẽ là nòng cốt tham dự ASIAD 2023 và giải vô địch U23 Đông Nam Á. Chúng ta tạm bỏ qua giải khu vực vốn không có nhiều chất lượng, nhưng việc cử U20 dự ASIAD thì đem lại nhiều băn khoăn. Vấn đề không phải nên hay không nên cử U20 dự ASIAD, mà lẽ ra, kỳ SEA Games mới nên là sân chơi của đội bóng trẻ do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt thì sẽ hợp lý, "đúng bài" hơn. 

Hãy thử hình dung xem, đội U20 vừa dự giải châu Á xong hồi giữa tháng 3, sau đó sẽ bổ sung vài cầu thủ U22 là đủ sức đá SEA Games rồi. Ngược lại, sau Doha Cup, HLV Troussier nên dành nhiều thời gian để xem V-League khi đó giải đấu sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tập trung SEA Games và ông có thể chọn được một đội U23 tốt nhất để chuẩn bị cho ASIAD. Sự kiện này về lý thuyết là dành cho đội Olympic (U23+3), có chất lượng tương đương một VCK U23 châu Á nên sẽ giúp HLV Troussier có một đánh giá toàn diện hơn về triển vọng World Cup mà ông cùng VFF đang theo đuổi. Cuộc chuẩn bị và thi đấu ở ASIAD cũng là một tiền đề tốt để HLV Philippe Troussier chọn lựa cầu thủ trẻ bổ sung cho đội tuyển quốc gia thi đấu ASIAD 2023 vào đầu năm 2024.

Nếu theo đúng "mạch" ấy, thì từ U20 cho đến U23 đều có những điểm nhấn quốc tế chất lượng, mục tiêu tương đối khó, phù hợp với chiến lược xây dựng hai tuyến kế thừa cho định hướng giành vé dự World Cup dài hạn. Tuy nhiên như đã biết, vì chiếc HCV SEA Games mà đội U22 được dồn dập tập trung, áp lực đè nặng lên ông Troussier một cách không cần thiết trong một thời gian ngắn khi bản thân chúng ta biết ông cần thời gian, chưa kể toàn bộ hệ thống thi đấu V-League bị gãy đổ. Những gì chúng ta thu được là chiếc HCĐ SEA Games rất khó đánh giá thành hay bại.

Phân tích một chút để thấy rằng để đạt một mục tiêu kỳ vĩ, chúng ta cần phải có một tầm nhìn không thể nhỏ và tùy hứng. Hãy nhớ rằng, loay hoay gần 15 năm mới có chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên. Mất gần 2 thập niên chuyển đổi sang chuyên nghiệp mới có một thế hệ cầu thủ đủ để mộng mơ World Cup. Vậy thì muốn có tấm vé dự ngày hội vĩ đại của túc cầu giáo, kế hoạch và lộ trình không thể xây dựng trong ngày một, ngày hai hoặc theo kiểu cảm tính mà phải vô cùng khoa học, dựa trên một nền tảng nào đó vững vàng.

2. Không biết ông Troussier có tham gia vào quá trình thảo luận để đưa U20 dự ASIAD hay không, nhưng trước mắt là thấy ông đang phải bắt đầu lại vạch xuất phát: Tìm người từ V-League. Nếu không có gì thay đổi thì đội tuyển U22 vừa đá SEA Games xong sẽ không có nhiều cơ hội thi đấu trong năm 2023 ngoài vòng loại U23 châu Á vốn không phải là nhiệm vụ quá khó trong thời gian gần đây. Tiếc là ban đầu, "điểm rơi" của đội bóng trẻ này chính là ASIAD, nơi có những thử thách mang tính tiến bộ hơn so với SEA Games.

Không nên vẽ giấc mơ - Ảnh 1.

Lứa cầu thủ U20 như Khuất Văn Khang (8), Văn Trường hay Cao Văn Bình thiếu kinh nghiệm thực tiễn vì ít được ra sân tại V-League.Ảnh: Hoàng Linh

Vì không đá ASIAD, nên vấn đề đặt ra là câu chuyện xây dựng một đội tuyển quốc gia mới của HLV Troussier sẽ diễn tiến ra sao. Nhà cầm quân người Pháp sẽ có thời gian xem V-League rất nhiều do ở năm 2023 có đến 2 mùa giải của V-League được tổ chức. Tổng số vòng đấu mà ông Troussier có thể quan sát lên đến hơn 20, thế nhưng kế hoạch để tập trung các đội U23 hay đội tuyển hiện lại khá mơ hồ, không có những giải đấu chính thức để đánh giá một cách chi tiết trình độ. Không lẽ ông Troussier tìm người suốt cả năm nhưng lại chỉ để đá vài trận giao hữu mà chất lượng còn tùy vào năng lực tìm "quân xanh" của VFF?

3. Trở lại một chút với SEA Games 32, có thể thấy hai điều rất rõ ràng: Thứ nhất đây là những cầu thủ trẻ tốt nhất mà chúng ta đang có, khó mong đợi gì hơn. Thứ hai, so với mặt bằng chung Đông Nam Á, chúng ta không có bước thụt lùi đáng lo nào. Nhưng vấn đề của U22 Việt Nam vẫn là trải nghiệm thi đấu đỉnh cao. Đó không đơn thuần là các trận quốc tế, mà là họ phải được đặt vào trong những hoàn cảnh có thử thách, những va đập khốc liệt hơn, ở một trình độ cao hơn bản thân họ thì mới có thể phát triển nhanh như thế hệ trước.

Có người cho rằng, lỗi nằm ở V-League không dùng cầu thủ trẻ. Điều này không chính xác. 17 tuổi thì cả Quang Hải hay Đoàn Văn Hậu đã chơi V-League rồi mà. Hồi Phạm Văn Quyến hay Công Vinh, Văn Quyết cũng 19 tuổi đã tỏa sáng vậy thôi. Có năng lực thì tự khắc ra sân, chẳng ai cố ý ngăn trở tiến trình đó cả. Hãy quay lại vấn đề chính, đó là bản thân những cầu thủ U22 hiện nay vẫn chưa tự tìm cho đứng tại sân chơi V-League hơn là bị "ruồng bỏ". Thế nên, nếu thấy họ có khả năng tiếp tục không được sử dụng ở V-League thì phải tìm sân chơi khác cho họ trui rèn thay vì "ép" giải đấu quốc nội phải làm "nghĩ vụ quốc gia".

Điều quan trọng hơn, nếu chúng ta có ý định ủng hộ cuộc cách tân về lối chơi của HLV Troussier thì cũng cần phải có một cuộc cải tổ ở khía cạnh hệ thống thi đấu quốc nội. Không thể cứ "vẽ" ra một giấc mơ rồi để đó, mặc gió thổi bay đến đâu thì đến. Việc chuẩn bị cho đội U20 từ bây giờ là tốt, cử họ đi ASIAD 2023 cũng là ý tưởng không tồi, nhưng sự phát triển thành tích của nền bóng đá không chỉ là chuyện của tương lai mà còn là của hiện tại. Năm 2023 này, đội tuyển quốc gia chưa đá trận nào, đội U23 có thể sẽ không được chơi nhiều từ nay đến cuối năm, đó là một kế hoạch thi đấu không ổn. Nó không khác gì cứ dồn nguồn lực cho các đội tuyển mà bỏ quá nhịp điệu thi đấu của giải vô địch quốc gia.

Vì sao HLV Troussier luôn hài lòng?

Gần như cứ mỗi lần họp báo sau các trận đấu tại SEA Games, là HLV Troussier lại "tranh thủ" thể hiện sự hài lòng của mình về việc các cầu thủ đã tuân thủ tốt tư tưởng chiến thuật của ông. Có lẽ nhà cầm quân người Pháp cũng đã cảm nhận được sự thất vọng của giới quan sát về sự thiếu ổn định nơi đội U22 Việt Nam.

Công bằng mà nói, những chuyển đổi về ý tưởng chơi bóng dưới thời HLV Troussier rất cần có thời gian để cầu thủ Việt Nam làm quen, chưa nói là chơi đúng ý. Thông thường, các HLV muốn mang đến một chiến thuật mới thì việc đầu tiên sẽ mất thời gian xem và chọn các cầu thủ phù hợp từ môi trường giải quốc nội chứ không làm ngược như ông Troussier là sửa đổi từ con người có sẵn. Đó là chưa nói, giữa cách chơi ở U22 hiện nay với chiến thuật chung tại V-League cũng có khá nhiều khác biệt nên bản thân cầu thủ cũng không kịp tiếp thu tư tưởng từ ông thầy người Pháp trong thời gian ngắn. Đây là lý do mà lứa cầu thủ do Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt khá phù hợp với cách cầm quân của HLV Park Hang Seo. Ngược lại, nhiều cầu thủ ở đội U22 bắt nhịp nhanh với tư tưởng của HLV Troussier cũng chính là những người từng chơi dưới quyền HLV Gong Oh-kyun tại giải U23 châu Á năm ngoái.


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link