07/04/2015 12:28 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Bên lề lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến lần 10 – 2015 do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức, ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập (ban nhạc Bức Tường) đã dành cho Thể thao & Văn hóa cuộc trò chuyện thú vị xung quanh chủ đề bóng đá và âm nhạc.
Trong cuộc trò chuyện này, Trần Lập thẳng thắn thừa nhận, bóng đá Việt thường mang lại cảm xúc hụt hẫng nhiều hơn là hưng phấn, nên bản thân anh cũng như các nhạc sĩ sáng tác ca khúc chưa thực sự thăng hoa với đề tài này.
Thích bóng đá đẹp, ấn tượng với Miura
* Anh là fan của Man United, ai cũng biết điều đó cả, vậy với bóng đá Việt Nam anh có thường xuyên theo dõi không? Hơi khập khiễng một chút nhưng theo anh, trong các CLB của Việt Nam, đội bóng nào có phong cách giống Man United nhất?
- (Cười to) Thứ lỗi cho tôi là rất nhiều năm nay không theo dõi bóng đá Việt Nam cấp độ CLB. Đối với mỗi địa phương thì đội bóng đại diện của họ là "con cưng", các đội khác đều là "con ghẻ".
Ngày xưa người ta yêu mến Thể Công vì lối đá hay, biến hóa lại giàu thành tích. Ngày nay đội trẻ của HAGL có lối đá đẹp và vô tư gây sự chú ý lớn. Tuy nhiên, tôi không thể tìm thấy trong giá trị các đội bóng ở Việt Nam có điều gì đó để liên tưởng tới Man United, dù họ có mặc bộ đồng phục, quần đùi trắng và áo đỏ đi chăng nữa (cười).
* Anh thích bóng đá đẹp hay bóng đá thực dụng? U19 dưới sự dẫn dắt của Graechen và U23 dưới sự chỉ đạo của Miura, anh thích đội nào hơn?
- Tôi thích bóng đá đẹp và hiệu quả nhưng tôi không thích sự thực dụng. Tôi nghĩ phần đông người hâm mộ đều thích vậy và không có gì mâu thuẫn ở đây. Bạn xem những đội bóng mạnh hàng đầu thế giới đó, rất ít đá tiêu cực toan tính kiểu "đổ bê tông" hoặc chặt chém. Những đội bóng thực dụng sẽ có những thành tích nhất định, nhưng đổi lại sự mến yêu của giới mộ điệu là thấp.
U19 và U23 là không giống nhau. Khó nói là thích phong cách chỉ đạo HLV nào hơn nhưng tôi ấn tượng về cái tôi chuyên nghiệp của Miura.
Bóng đá Việt mang lại nhiều cảm xúc hụt hẫng
* Xem ĐT U23 Việt Nam và ĐTQG Việt Nam thi đấu trong những năm qua có mang lại cho anh nhiều cảm xúc?
- Cảm xúc vẫn có nhiều chứ, nhưng đáng tiếc cảm xúc hụt hẫng thất vọng lại đang nhiều hơn. Bạn biết đấy, quá nhiều chuyện, nhiều lý do.
Ai cũng nhìn về phía trước và tim vẫn đập mạnh hơn khi màu cờ sắc áo ra đấu trường thi thố với các nước. "Đường đến ngày vinh quang không còn xa" thế mà chẳng gần lắm đâu.
* Là người mê bóng đá, lại là một nhạc sĩ, ca sĩ, theo anh giữa bóng đá và âm nhạc có mối liên hệ nào không?Nghệ sĩ thăng hoa trên sân khấu giống và khác với cầu thủ thăng hoa trên sân cỏ như thế nào?
- Bóng đá và âm nhạc chỉ liên quan khi có liên tưởng và khi... dựng phim. Nhịp điệu, tốc độ, cảm xúc, cao trào, những giọt nước mắt và tinh thần.
Những nghệ sĩ đang trình diễn trước hàng ngàn khán giả cũng tương tự như cầu thủ thi đấu trên một sân vận động có các khán đài chật kín người hâm mộ. Áp lực, hò reo, phấn khích, điên rồ và thăng hoa...
Diễn biến tâm lý chung dễ nhận ra nhất là càng nhiều khán giả thì sự thăng hoa và áp lực càng mạnh đối với cả nghệ sỹ ũng như cầu thủ. Và trên tất cả, với đời sống thường nhật và những áp lực thực tế của sự nổi tiếng tôi nghĩ họ đề như nhau hết.
* Bóng đá là môn thể thao số 1 thu hút đông đảo công chúng trong nước, vậy theo anh tại sao, giới nhạc sĩ ở Việt Nam có rất ít ca khúc hay viết về đề tài này? Sắp tới anh có ý định sáng tác một ca khúc về bóng đá Việt Nam dành tặng người hâm mộ cả nước không?
- Sáng tác ca khúc cho phong trào, cho cổ động là rất nhiều nhưng khó hay. Đã khó hay thì chết nhanh. Những ca khúc đi lên từ sự tự nhiên có tiết tấu mạnh, có ca từ phù hợp được dùng để cổ động lại hay hơn.
Tôi nghĩ về điểm này thì các nhạc sĩ và những nhà thể thao nước nhà chưa thực sự "gặp nhau". Phải chờ dịp, chờ duyên thôi (cười).
* Xin cảm ơn anh!
Tuệ Chính (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất