14/05/2015 18:20 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Ngược thời gian để trở lại với năm 1995 khi đội tuyển Việt Nam vào chung kết SEA Games 18 với chủ nhà Thái Lan, thì giấc mơ Vàng dấy lên ở cái sân chơi này đã dài tròn 2 thập kỷ. Và qua 20 năm ấy, cái tên khiến bóng đá Việt Nam phải nói đến nhiều nhất, chính là người Thái.
Nỗi ám ảnh của giấc mơ Vàng
Trên đất Chiang Mai (Thái Lan), lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam vào đến chung kết SEA Games 18, sau 2 lần "ra máy rửa mặt" từ vòng đấu bảng ở các năm 1991, 1993. Khi ấy, vào chung kết và thua chủ nhà Thái Lan tới 0-4, thì ngôi á quân cũng được xem là kỳ tích.
Và cũng kể từ ngôi á quân ấy, giấc mơ Vàng (tất nhiên là ở tầm khu vực) đã đến với bóng đá Việt, chỉ điều người Thái vẫn cứ là nỗi ám ảnh lớn khiến giấc mơ ấy chẳng thể tròn.
Tính đến lúc này, sau năm 1995, bóng đá Việt Nam từ cấp đội tuyển đến lứa U23 còn thêm 4 lần nữa vào chung kết với Thái Lan và kết quả thì vẫn vậy... toàn thua! Trận thua cay đắng nhất là ngay trên sân nhà Mỹ Đình ở SEA Games 22 năm 2003 với tỷ số 1-2 sau 2 hiệp phụ, trận chung kết mà những tưởng tất cả thiên thời, địa lợi đều nghiêng về U23 Việt Nam với thần đồng Văn Quyến, người ghi bàn gỡ hòa 1-1 ở phút 90+1.
Niềm hy vọng mới của bóng đá Việt Nam, Công Phượng trong trận đấu với Thái Lan
Ngoài 5 trận chung kết kể trên, còn là nhiều trận thua khác ở các mặt trận khác, trải qua nhiều thế hệ, khiến người Thái giống như nỗi ám ảnh lớn, ám ảnh tới mức tự ti. Chúng ta rất muốn thắng, thắng để vượt qua đối thủ số 1 nhằm thoát khỏi cái "ao làng", nhưng cứ khi đối mặt, thì lại là tâm lý sợ thua, thậm chí là chưa đá đã nghĩ đến chuyện... thua!?
Theo thống kê từ FIFA, từ năm 1995 đến nay, hai nền bóng đá đã có 18 lần gặp gỡ ở các trận đấu thuộc cấp độ A (tức là các trận đấu được FIFA tính điểm), thì Thái Lan thắng đến 12, thua 2 và hòa 4. Trong hai trận thắng của tuyển Việt Nam thì ngoại trừ "nỗi đau" mang tên Tiger Cup 1998 khi niềm vui lần đầu đánh bại người Thái sớm bị Singapore xóa tan ở trận chung kết, thì phải tới chung kết AFF Cup 2008 mới trở nên trọn vẹn.
Tại giải đấu đó, Calisto và các học trò đã vượt qua Thái Lan 2-1 tại Bangkok và hòa 1-1 trên sân Mỹ Đình để lần đầu bước lên ngôi vô địch Đông Nam Á.
Có 1 chi tiết khá thú vị liên quan đến 2 nền bóng đá hàng đầu khu vực cũng được FIFA thống kê và cũng liên quan đến vòng loại World Cup. Đó vào năm 1973, tại vòng loại World Cup 1974 khu vực châu Á được tổ chức ở Seoul (Hàn Quốc), đội tuyển miền Nam Việt Nam đã thắng Thái Lan 1-0.
Nhưng đó là câu chuyện đã quá lâu, chuyện của thời mà bóng đá Việt ở tầm đầu châu lục và người Thái còn khoảng cách khá xa. Còn tới sau này, vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan nhất là cách làm bài bản, bóng đá Thái đã vượt lên.
Ngay cả vào lúc này, dù khoảng cách ấy là không lớn, tâm lý tự tin cũng giảm đi khá nhiều, nhưng chính giới chuyên môn vẫn phải thừa nhận... phải còn lâu nữa chúng ta mới bằng được họ, dù chúng ta có cơ hội để thắng được ở một vài trận đấu cụ thể.
Và sự tụt hậu đáng buồn ở ngôi Hậu
Nếu vẫn còn một khoảng cách về chuyên môn ở bóng đá nam với nhiều lý do, thì bóng đá nữ lại là câu chuyện khác, câu chuyện về sự tụt hậu sau cũng gần 20 năm với hoàn toàn nguyên nhân là chủ quan.
Nỗi buồn của các cô gái Việt Nam sau trận thua Thái Lan tại giải vô địch Đông Nam Á 2015
Trở lại với năm 1997, khi đội tuyển nữ Việt Nam được thành lập để tham dự SEA Games 19 tại Jakarta (Indonesia). Ngay ở lần xuất ngoại đầu tiên năm đó, các cô gái Việt đã giành chức vô địch Tiền SEA Games và dù chỉ giành được tấm HCĐ trên đấu Indo, thì ngôi Hậu Đông Nam Á là điều sớm được dự báo.
Và không phải chờ lâu, ở kỳ SEA Games kế tiếp (2001) khi bóng đá nữ được tổ chức, tuyển nữ Việt Nam đã đánh bại Thái Lan tới 4-0 để mở ra chương mới cho làng cầu nữ khu vực với 4 chức vô địch SEA Games (tính đến năm 2009) và 2 chức vô địch Đông Nam Á. Xen vào đó là vị trí số 1 khu vực, Top 10 châu Á cùng lần gần nhất đánh bại chính người Thái để lọt vào tới bán kết Asian Games 2014...
Chỉ có điều là bóng đá nữ Thái không chấp nhận tụt hậu. Khi bóng đá nữ Việt Nam "tự sướng" với ngôi Hậu khu vực bằng lứa cầu thủ tài năng đầu tiên cùng hiệu ứng của họ, thì nữ Thái Lan tập trung vào công tác đào tạo tuyến trẻ cùng nhiều biện pháp đầu tư hiệu quả để dần lấy lại vị thế.
Trong 3 kỳ SEA Games gần đây nhất, nữ Thái Lan đã 2 lần vượt qua Việt Nam để nâng chức vô địch của mình lên con số 5 ở sân chơi này. Chưa hết, tại giải vô địch nữ châu Á diễn ra vào năm ngoái tại TP.HCM, Thái Lan thực sự gây sốc khi đánh bại nữ Việt Nam để giành quyền tham dự World Cup nữ.
Hay gần đây nhất, cũng ở sân Thống Nhất, Thái Lan lần nữa lên ngôi vô địch Đông Nam Á khi lần lượt vượt qua Việt Nam tại bán kết và Myanmar ở chung kết.
Đến lúc này thì người Thái vượt trên cả ở bóng đá nam lẫn nữ. Cái sự vượt lên khó lấp đầy, mặc cho chúng ta giờ đang viện tới nguồn lực từ các ông thầy Nhật.
Thống kê kết quả đối đầu giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan
Bóng đá nam
Việt Nam |
| Thái Lan |
19 | Tổng số trận | 19 |
3 | Thắng | 12 |
4 | Hòa | 4 |
12 | Thua | 3 |
17 | Bàn thắng | 37 |
Bóng đá nữ
Việt Nam |
| Thái Lan |
19 | Tổng số trận | 19 |
8 | Thắng | 7 |
4 | Hòa | 4 |
7 | Thua | 8 |
26 | Bàn thắng | 23 |
V.M
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất