'Unchained Melody': Kiệt tác bị lãng quên và giai điệu bất chấp thời gian

28/02/2016 09:16 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1955 bộ phim Unchained ra mắt và tạo được tiếng vang phần nhiều từ bài hát chủ đề của bộ phim, Unchained Melody. Sau gần 20 năm nằm trong bóng tối, một kiệc tác của âm nhạc mới được ra ánh sáng.

Bài hát bị bỏ quên

Unchained Melody lúc đầu không có tên. Nó là một sáng tác của nhạc sĩ Alex North viết vào năm 1936, khi ấy chỉ mới có giai điệu chứ chưa đặt lời. Chủ ý của North là viết cho ca sĩ ngôi sao lúc bấy giờ, Bing Crosby, hát và nếu Crosby thích phần lời như thế nào thì North sẽ lắp vào sau đó.

Nhưng Bing Crosby đã từ chối và bài hát không tựa kia được để trong ngăn tủ suốt gần 20 năm cho đến 1954, nhà sản xuất bộ phim Unchained (Cởi trói) đặt hàng North sáng tác một bài hát chủ đề cho phim và North nhớ tới ngay sáng tác từng bị Crosby hắt hủi.

Thời ấy, được đặt hàng viết nhạc cho một bộ phim là cả một vinh dự và thậm chí đổi đời, nhất là với những tác giả còn ít người biết đến như Alex North. Biết thế nên North rất cẩn thận, ông muốn nhờ người viết lời ca khúc theo chủ ý bộ phim bởi ông sợ mình không đủ khả năng.


Bìa đĩa đơn Unchained Melody phát hành năm 1965 của nhóm The Righteous Brothers

Rất nhanh, North tìm tới ông bạn thân Hy Zaret, chuyên gia ca từ, một tay cừ khôi nhưng hơi khó tính. Mà đúng là khó tính thật, khi vừa nhờ Zaret viết lời cho bài hát thì North đã nhận ngay lời từ chối thẳng thừng. Lý do rất đơn giản, Zaret đang bận… sơn tường nhà.

Biết tính Zaret, North chờ cho đến khi tường nhà khô hẳn mới đến đặt lại vấn đề. 2 ngày sau, North nhận được đầy đủ, không sót một chữ.

Bài hát được Zaret đặt tên là Unchained Melody (Giai điệu được cởi trói) rất đúng tâm trạng của bộ phim. Bộ phim kể về một người đàn ông trong lao tù ngày nhớ đêm mong đến tình nhân bên ngoài song sắt, mơ được tự do, toan tính vượt ngục…

Nhưng cả bài hát chẳng tìm đâu thêm được chữ “unchained” (cởi trói) ngoài phần ghi ở tựa đề. Nhà sản xuất thắc mắc và muốn Zaret thêm vào nhưng ông từ chối. Với Zaret, toàn bộ phần ca từ chính là một sự cởi trói. Những câu trong bài như “Anh vẫn luôn khao khát cái vuốt ve của người khi suốt một thời gian dài cô đơn. Thời gian trôi qua thật chậm, thời gian có thể làm thay đổi rất nhiều và em vẫn còn là của anh chứ? Anh cần tình yêu của em”… chính là những giai điệu gột nên ước mơ được giải thoát, được tự do.

Cuối cùng nhà sản xuất đồng ý và bài hát được “xuất xưởng” dưới giọng hát của Todd Duncan. Năm 1955, bài hát được đề cử cho giải Oscar - Ca khúc hay nhất nhưng rủi thay cuối cùng giải này lại thuộc về bài Love Is A Many-Splendored Thing trong bộ phim cùng tên.

Nhưng điều này cũng chẳng quan trọng lắm bởi sau đó Unchained Melody đã được rất nhiều ngôi sao hát lại và nó là một trong số ít những bài hát 4 lần lên Top với những giọng ca khác nhau.

Nhưng trong suốt các phiên bản được chơi lại, từ The Baxter, Al Hibbler, Roy Hamilton cho đến Harry Belafonte chưa có một phiên bản nào thành công rực rỡ bằng bản cover của nhóm đôi The Righteous Brothers. Đó là vào năm 1965, đúng 10 năm Unchained Melody ra ánh sáng và đó, một lần nữa tái sinh Unchained Melody. Và đấy không phải là lần tái sinh duy nhất.

Thành huyền thoại nhờ… đồng xu

The Righteous Brothers là một nhóm nhạc gồm 2 người: Bobby Hatfield và Bill Medley. Bobby giọng cao mượt, Bill trầm khàn. Cả hai bổ sung cho nhau và trở thành cặp song ca rất nổi tiếng, trước cả khi họ quyết định cover Unchained Melody.

Đến một ngày vào năm 1965, nhóm này quyết định ra album thứ 4 và có thêm sự khác biệt, sẽ có một bài mang dấu ấn của một người. Cả hai chàng ca sĩ đã quyết định như thế, mỗi album sẽ có một bài cá nhân. Và ở album thứ 4 họ quyết định chọn Unchained Melody làm bài mở hàng. Nhưng vấn đề là ai sẽ hát? Suy nghĩ mãi, cuối cùng cả hai quyết định tung đồng xu và cuối cùng, như định mệnh, Bobby Hatfield là người chiến thắng.

Chiến thắng của Bobby Hatfield rõ ràng đem đến sự tươi mới cho Unchained Melody bởi với giọng nam cao của mình, Bobby đã phô hết vẻ đẹp của bài hát này. Đặc biệt là ở đoạn gần cuối, khi ông ngân câu “I Need Your Love” ở quãng cao nhất thì thời gian gần như đứng sững lại. Trước đó, chưa ai xử lý bài này theo cách ấy. Cũng kiểu hát này, mấy thập niên sau thấy lại ở Celine Dion qua bài All By Myself. Đáng nói hơn, chính lối ngân giọng cao chót vót ấy, sau này trở thành điển hình của các cuộc thi âm nhạc truyền hình danh tiếng. Thống kê cho thấy, riêng Unchained Melody đã được các thí sinh hát lại hơn 500 lần.

Nhưng cũng cần phải nhắc lại, thành công của Unchained Melody của The Righteous Brothers thật ra là một… tai nạn của nhà sản xuất.

Đúng ra bài này vốn chỉ để trong album nhưng khi cần một bài để ghép với ca khúc chủ lực sẽ phát hành thành single thì nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng, Phil Spector đã chọn bài này cho mặt B. Còn mặt A, như dự định, Hãng đĩa Philles, sẽ giới thiệu ca khúc Hung On You, một sáng tác của bộ đôi sáng tác đang rất ăn khách thời ấy, Gerry Goffin & Carole King.

Phil Spector được xem là phủ thủy âm thanh thời đó, một nhà sản xuất đại tài nhưng lúc ấy ông đang… quá tải. Tất cả công sức ông dồn cho mặt A, còn mặt B ông để 2 ca sĩ tự làm. Và bài hát này, nên cơm gạo, chính là nhờ công biên tập của chàng ca sĩ thua trong cuộc ném xu, Bill Medley. Lúc đầu, người hát chính Bobby Hatfield đã hát thành 2 lần và cảm thấy ổn nhưng Bill thấy rằng bài hát cần phải có cao trào và cuối cùng Bobby đã hát thêm đoạn cao trào huyền thoại với những nốt cao chót vót.

Single phát hành ngày 17/7/1965 với mặt A ghi rõ nhà sản xuất là Phil Spector còn mặt B thì… để trống. Và cuối cùng, bài hát lên một loạt các bảng xếp hạng là bài mặt… B, Unchained Melody. Gần như tất cả các đài phát thanh khi ấy đã mở mặt B như thể là single chính thức của album mới. Điều này làm Phil Spector tức điên. Chuyện kể rằng ông đã gọi từng đài yêu cầu không phát mặt B nữa nhưng chẳng ai nghe và cuối cùng Unchained Melody thắng gần như tuyệt đối.

Unchained Melody trở thành thương hiệu gần như độc quyền của nhóm The Righteous Brothers bất chấp trước đó bài hát này đã rất nổi tiếng, hay sau này cũng được hát lại với nhiều giọng ca sừng sỏ.

Năm 1990, khi nhà sản xuất bộ phim Ghost (Hồn ma) muốn tìm một bài hát thể hiện tâm trạng đầy đủ nhất của bối cảnh một bộ phim tình cảm, họ đã chọn Unchained Melody. Năm ấy, Unchained Melody lại tiếp tục leo lên các bảng xếp hạng và trở thành ca khúc được yêu thích nhất trong năm.

Đến giờ này, sau 60 năm tồn tại, Unchained Melody vẫn được xem là bản tình ca bất hủ. Cho dù những người làm nên hồn vía bài hát này gần như không còn ai nhưng giai điệu của nó vẫn chảy bất chấp thời gian.

Cùng nghe lại giai điệu Unchained Melody:


Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link