30/08/2011 12:06 GMT+7 | V-League
(TT&VH) - V-League 2011 là mùa giải đầu tiên mà bản quyền truyền hình được tập trung về một đầu mối duy nhất là AVG để từ đó phân phối cho các đài truyền hình khác có nhu cầu, và đây cũng là mùa bóng mà số trận được phát sóng trực tiếp ở mỗi vòng đấu đạt tới mức độ tối đa (7/7 trận) hoặc gần như tối đa (6/7 trận).
Với tư cách là người đứng đầu AVG, ông Phạm Nhật Vũ đã có những chia sẻ thẳng thắn cùng TT&VH sau năm đầu tiên chính thức tham gia thị trường bản quyền truyền hình bóng đá VN.
* Sau 26 vòng đấu của V-League và giải hạng Nhất, với tư cách là đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình, ông có đánh giá như thế nào về vấn đề phân phối bản quyền truyền hình của 2 giải này? Tất cả những sự cố, nếu có, có nằm trong dự liệu và tính toán của AVG hay không?
- Trước khi mùa bóng năm nay bắt đầu, đã có những lo ngại về việc việc trao bản quyền cho AVG sẽ dẫn đến hệ quả là không có ai được xem bóng đá. Thực tế đã chứng minh sau mùa giải 2011, số trận đấu được truyền hình trực tiếp đã tăng 91% ở V-League và 123% đối với bóng đá VN nói chung. Kết quả này chứng tỏ thái độ nghiêm túc, cách làm bài bản và biết “giữ lời hứa” của AVG trong việc cung cấp một món ăn tinh thần yêu thích cho người hâm mộ bóng đá cả nước.
* Nhờ có AVG, đây là mùa bóng đầu tiên mà số trận đấu được tường thuật trực tiếp ở mỗi vòng đấu của V-League được đạt tới mức độ tối đa (7/7 trận) hoặc gần tối đa (5 hoặc 6/7trận). Vậy AVG đã có đánh giá hoặc có biện pháp nào để kiểm tra xem liệu số khán giả xem bóng đá qua truyền hình có tăng vọt nhờ việc tăng số trận trực tiếp như thế không, và nếu so sánh tương quan với các mùa giải trước là như thế nào?
- Tính bình quân, trong mùa bóng 2011, số trận được truyền hình trực tiếp ở từng vòng đấu là từ 6-7/7 trận ở V-League và 3/7 trận ở giải hạng Nhất QG. Việc các đài truyền hình địa phương đều hồ hởi và nhiệt tình ghi hình phát sóng phục vụ bà con chứng tỏ nhu cầu thưởng thức thể thao trong nước ngày càng lớn dù rằng theo như thông tin tôi nắm được thì số lượng khán giả trực tiếp đến sân cũng ngày càng đông.
* AVG chưa trực tiếp sản xuất và phát sóng trực tiếp V-League 2011 ở giai đoạn lượt về là do công tác chuẩn bị của AVG chưa sẵn sàng, hay vì AVG cảm thấy chưa cần xuất hiện mà có thể cậy nhờ vào phương tiện của các đài?
- Giữa tháng 5/2011, toàn bộ các giấy phép cần thiết để AVG có thể chính thức cung cấp dịch vụ ra thị trường đã hoàn tất và AVG sẽ bắt đầu sản xuất tín hiệu cho bóng đá VN từ mùa giải 2012. Việc kết hợp phương tiện, máy móc thiết bị với các đài chính là “sử dụng chung cơ sở hạ tầng…” là việc mà chúng ta đều biết là tiết kiệm và hiệu quả, như vậy là rất nên làm.
* AVG có thể chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi đã trải qua trong mùa giải đầu tiên đứng ở cương vị đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình V-League?
- Trong năm đầu tiên phân phối bản quyền truyền hình V-League, AVG chưa gặp khó khăn đáng kể. Chỉ có điều là chưa có lợi nhuận. Tuy nhiên đây là điều AVG đã xác định trước. Mong muốn được thưởng thức bóng đá nội là có thật, vấn đề nằm ở chỗ cơ sở vật chất và năng lực sản xuất của một số đài chưa đủ đáp ứng.
* Chất lượng hình ảnh của V-League hiện nay theo đánh giá của AVG là đạt bao nhiêu điểm nếu cho theo thang điểm 10? Và nếu đánh giá theo chuẩn mực truyền hình bóng đá của Đông Nam Á, châu Á và châu Âu, cụ thể là giải Ngoại hạng Anh và Champions League, thì được bao nhiêu phần? Và nếu cần thay đổi theo hướng nâng cấp chất lượng thì AVG cho rằng nên phải làm những gì và từ đâu?
- Một câu hỏi khó vì để trả lời hết thì sẽ cần nhiều thông tin rất chi tiết và chuyên sâu ở từng giải đấu. Từ quan điểm cá nhân, tôi cho rằng có được hình ảnh bóng đá trên truyền hình trong năm 2011 về tất cả các giải đấu là một nỗ lực lớn của VFF và của tất cả các bên liên quan. AVG cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình cùng các bên liên quan nâng cao hình ảnh của thể thao VN nói chung, bóng đá nói riêng.
* Số lượng khán giả đến sân mùa này của V-League vẫn chỉ ở mức độ trung bình, kể cả một số sân được coi là điểm nóng như Lạch Tray hay Cao Lãnh. Vậy AVG có cho rằng sự tham gia mạnh mẽ của AVG đã góp phần dẫn tới tình trạng này, vì nhiều khán giả chấp nhận ở nhà xem TV hơn là tới sân? Nếu thế, mục tiêu góp sức phát triển bóng đá VN của AVG liệu có bị ảnh hưởng?
- Theo số liệu mà tôi có được thì số lượng khán giả đến sân trong mùa giải V-League năm nay đạt hơn 8.000 người/trận. Một số CLB như B.BD, SHB.ĐN… luôn thu hút hơn 10.000 khán giả đến sân cổ vũ mỗi khi thi đấu trên sân nhà, các trận đấu của V.HP có số lượng khán giả lên tới gần 20.000 người, đặc biệt trận đấu giữa SLNA và HN.T&T ngày 21/8 vừa rồi sân Vinh không còn chỗ trống. Số lượng khán giả đến sân tăng, đồng thời số trận được ghi hình phát sóng cũng tăng chứng tỏ con đường chúng ta đang đi hoàn toàn đúng. Việc phát triển thể thao thì là việc dài hạn, cần nhiều thời gian và công sức tiền của.
* Bao giờ AVG sẽ trực tiếp tổ chức thực hiện sản xuất và phân phối bản quyền truyền hình V-League theo đúng quyền hạn của đơn vị nắm giữ bản quyền, hay là sẽ tiếp tục phối hợp sản xuất cùng các đài truyền hình khác như hiện nay?
- Từ mùa giải 2012, AVG sẽ trực tiếp tổ chức thực hiện sản xuất và phân phối bản quyền truyền hình V-League.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Hoàng Huy (Thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất