Ai phản biện, ai "tuýt còi" VFF?

10/09/2011 12:36 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Việc ông Nguyễn Đức Kiên, chủ tịch CLB HN.ACB, có bài phát biểu phản biện VFF làm rúng động không chỉ với dân quan tâm bóng đá. Đơn giản bởi bầu Kiên đã làm một động thái chưa từng có trong tiền lệ.

Bóng đá VN đầy rẫy nghịch lý và tiêu cực nhưng luôn thiếu sự phản biện. Chính xác hơn, thiếu trạng thái chuyên nghiệp của quá trình thảo luận cũng như chưa xây dựng được văn hoá thảo luận. Do đó, văn hoá phản biện trong lãnh địa bóng đá theo đúng nghĩa, vẫn là khái niệm xa xỉ.

Đặc biệt, là phía CLB. Trong những hội nghị do VFF tổ chức, đại đa số đại biểu tham dự với tư tưởng đi du lịch, đến ngồi “ngậm kẹo”, không dám mở miệng để nói lên những điều nên nói, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của bóng đá chuyên nghiệp.

Nhưng nói đi cũng phải nhìn lại. Vì sao bóng đá VN lại tồn tại thực trạng nguy hiểm đó? Câu trả lời có lẽ được chấp nhận hơn cả, vì bản thân VFF chưa xây dựng được môi trường dân chủ cho sự  phản biện. Từ đó, các CLB nảy sinh hai tính cách: phản biện sợ bị trù dập, hoặc có phản biện cũng chẳng thay đổi được ý nguyện.


 Hội nghị BCH VFF hôm qua thống nhất xác nhận mùa giải 2011 “về cơ bản đã thành công”

“Đỉnh cao” của sự thiếu dân chủ, cụ thể trong các lễ tổng kết giải, đấy là việc phóng viên bị tẩy chay, cấm cửa. Chính xác hơn, vẫn được VFF tiếp kiến, nhưng thời điểm và thời lượng không còn nhiều giá trị tích cực.

Việc ông Kiên gây được sức ép để VFF phải mở cửa cho báo chí dự phiên quan trọng nhất, “cướp” được diễn đàn để có những phản biện VFF tạo được sự đồng thuận lớn trong xã hội, lẽ ra phải xảy ra từ lâu. Tương tự là sự phản biện từ chính nội bộ VFF. Tổ chức này cũng có rất nhiều người tốt, có tâm với bóng đá nước nhà. Những phản tỉnh quyết liệt của Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng rõ ràng là sự dũng cảm, chỉ đúng bệnh của VFF. Đấy là sự dân chủ và thể hiện nét văn hóa phản biện, vốn quá ít với bóng đá ta.

Không chỉ khi ông Lê Hùng Dũng nói ra thì dư luận cả nước mới cảm nhận được vai trò quản lý của VFF đậm nhạt ra sao trong quan hệ với cấp điều hành, cụ thể là BTC giải và các bộ phận chuyên môn.

Nếu đã không giám sát được thì dĩ nhiên xảy ra các sự cố và bị cấp trên “tuýt còi” (Tổng cục TDTT, cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về TDTT của VN đối với VFF, trên nữa là Bộ VH-TT&DL), VFF không còn cách nào khác là phải vin vào tấm bình phong là quy định FIFA. Cụ thể, VFF là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, độc lập theo đúng tiêu chí của FIFA nên không ai có thể can thiệp sâu nếu không muốn bị FIFA phạt nặng.

Đã đến lúc, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tăng cường hơn nữa vai trò giám sát, chỉ đạo (kể cả mạnh tay hơn khi xử lý sai sót) với VFF. Vai trò ở đây không có nghĩa là can thiệp trực tiếp vào những vấn đề thuộc chuyên môn và kỹ thuật, mà là định hướng, kiểm tra, giám sát, can thiệp vào những vấn đề liên quan để VFF thực hiện đúng những định hướng chính trị và pháp luật của Nhà nước. Ví dụ, bóng đá chuyên nghiệp mà khán giả thua thời bao cấp, thì rõ ràng có vấn đề.

Phải chăng đây là dịp thích hợp nhất để VFF cần được “đại phẫu”?

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link