V-League và một trận đấu buồn

19/12/2023 13:20 GMT+7 | Bóng đá Việt

Trận SLNA - HAGL trên sân Vinh chỉ có hơn 3.000 khán giả đến sân. Đó đã là con số thuộc hàng tốt nhất mùa giải này vì về cơ bản, cái gọi là "chảo lửa thành Vinh" chỉ còn là hoài niệm, dù đội bóng xứ Nghệ đã đàm phán với nhà tài trợ để không phải thay tên. Đại ý, SLNA đã là "thương hiệu" nên không nên ghép tên vào làm gì. Nhưng có thật thế không?

Năm 2004, đích thân bầu Đức dẫn quân ra Vinh để đá với SLNA trong một ngày mưa phùn lạnh buốt. Ông bầu phố núi đội mưa, đứng dưới sân cùng ban huấn luyện suốt cả trận đấu đến nỗi lên cơn sốt trong đêm. Ngày đó HAGL đang là đương kim vô địch và có rất nhiều cựu cầu thủ của SLNA trong đội hình. Trận đấu đó có đến 13.000 khán giả đến sân, sức nóng của nó buộc HAGL không dám đăng ký cho 3 cầu thủ từng chơi cho đội bóng xứ Nghệ thi đấu và HAGL thua 0-1. Người xứ Nghệ tự hào ghê gớm, vì đội hình ngày đó của họ là lứa cầu thủ chỉ mới 19 - 20, thế hệ của Huy Hoàng, Văn Quyến, Như Thuật, Lâm Tấn… vậy mà họ đả bại một Dream Team của HAGL. Người hâm mộ thành Vinh luôn tin rằng, có bao nhiêu cầu thủ  bỏ xứ ra đi thì cũng chẳng sao cả vì hệ thống đào tạo của họ đã "danh bất hư truyền", chẳng bao giờ lo chuyện thiếu người.

Mà thật vậy. Không ai khác chính bầu Đức là người rất "ngưỡng mộ" cáicách mà SLNA đã tạo ra những thế hệ tài năng liên tục. Ông quyết tâm theo đuổi việc đào tạo cầu thủ trẻ chính từ nguồn cảm hứng của "lò" Nghệ An, chỉ có điều bầu Đức làm ngược lại hoàn toàn. Ông nâng cấp nó lên bằng cách hợp tác quốc tế, chọn mô hình "đá đẹp" để đào tạo thay vì triết lý đề cao khả năng thực chiến rất nổi tiếng của SLNA. Không phải tự nhiên mà cầu thủ nổi tiếng nhất của lò HAGL chính là Công Phượng, một cầu thủ "chưa đủ chuẩn" vào đoàn bóng đá SLNA được học viện ở Pleiku "vớt" về để tạo ra một mẫu hình khác so với các "nguyên mẫu" Văn Quyến, Công Vinh.

Giờ họ gặp nhau sau 2 thập niên, cũng là tỷ số 1-0, nhưng mọi thứ chẳng còn gì giống xưa cả ngoài việc cả 2 đều ở trong tình trạng "sống dở, chết dở" cả về năng lực thi đấu lẫn định hướng tương lai. Trận đấu trên sân Vinh cuối tuần qua rất buồn, từ bầu không khí lạnh lẽo trên khán đài đến chất lượng chuyên môn của 2 đội bóng đang đua trụ hạng. Sự thăng trầm của một CLB thì có thể xảy ra bất kỳ đội nào, nhưng sa sút ở HAGL cũng như SLNA hiện tại thì không biết đến lúc nào mới có tương lai tươi sáng. Buồn là vì vậy.

V-League và 1 trận đấu buồn - Ảnh 1.

Trận đấu giữa SLNA với HAGL diễn ra trước những khán đài trống vắng, dù đây đều là 2 đội bóng rất nổi tiếng của V-League. Ảnh: Xuân Thuỷ

Trong danh sách U23 Việt Nam dự Asiad 19 hồi tháng 10 vừa qua, chỉ có 3 cầu thủ đến từ Nghệ An. Còn trên đội tuyển quốc gia, nơi HLV PhilippeTroussier ưu tiên cho cầu thủ trẻ, nếu loại trừ các cầu thủ người Nghệ An nhưng đang khoác áo CLB khác, thì chỉ có đúng 1 người hiện đang chơi bóng cho đội chủ sân Vinh mà đó lại thủ môn Nguyễn Văn Việt. Con số cầu thủ SLNA ở đội tuyển U19 và U17 quốc gia cũng chỉ có 5 người. Đây là sự sa sút đáng báo động bởi trước đây, "lò" SLNA đủ sức cung cấp ít nhất 5 tuyển thủ cho mỗi đội tuyển mà đều là những vị trí quan trọng.

Cũng không có gì bất ngờ. Trong 8 năm gần nhất, tại các giải U17, U19 và U21 quốc gia, SLNA chỉ có đúng 1 lần mỗi giải vào đến trận chung kết, trong đó chỉ có duy nhất 1 danh hiệu vô địch U17 năm 2020. Đây là những con số không thể tin nổi vì nó chỉ bằng thành tích trong 1 năm của SLNA ở các giải trẻ ở các giai đoạn trước đó. Thậm chí, họ mặc nhiên là ứng viên số 1 ở các giải U, không vào đến bán kết đã bị xem là bất ngờ lớn. Nhưng trong 8 năm gần đây, các đội U của SLNA đã đến 3 lần không thể vào chơi ở các VCK.

Nhìn từ góc độ này, trận đấu vừa qua tại Vinh đã buồn, còn buồn hơn. Họ chính là những đại diện tiêu biểu nhất, là minh chứng hùng hồn nhất về thứ bóng đá được xây dựng từ gốc: Đào tạo trẻ. Họ có cách làm khác nhau, có những "sản phẩm" khác biệt về lối chơi, nhưng cách họ tạo ra tài năng thì đều đóng góp rất nhiều cho bóng đá Việt Nam.

Họ cũng là 2 đội bóng duy nhất từng 20 năm qua chưa từng xuống hạng, nhưng không thể chống lại được các biến động của thời gian khi cả 2 dường như đứng yên, loay hoay với những điều quá cũ đến mức trở nên lỗi thời.

HAGL thì đã chuyển giao cho đối tác mới, chấp nhận ghép tên. SLNA hiện vẫn cố giữ tên truyền thống, nhưng việc họ tiếp bước HAGL chắc cũng chẳng còn xa khi mà những gì đẹp đẽ nhất của cả 2 đều không còn nữa. 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link