29/12/2017 20:02 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Điều gì đã khiến một cầu thủ đã nỗ lực đến tột cùng trong suốt hơn 10 năm qua bước vào con đường chính trị, tham gia tranh cử ba lần cách nhau 12 năm, để rồi bây giờ trở thành người xỏ giày đá bóng đầu tiên trên thế giới đắc cử Tổng thống? Câu chuyện về George Weah có thể bắt đầu một cách chân thực từ chính... giường ngủ của anh, ngày mà anh nghèo, rất nghèo, và đời anh sẽ mãi mãi như thế, nếu anh không biết đá bóng.
Bắt đầu từ cái đói
“14 người chúng tôi ngủ trong một căn phòng bé tí”, anh nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn với một nhật báo Italy nhiều năm về trước. “Chỉ có bà tôi là được ngủ trên giường, còn 13 anh em tôi thì trên nền nhà. Ông William, cha tôi, và bà By, mẹ tôi, thì đã ly thân và đều ở xa, thế nên bà tôi phải chăm sóc cho tất cả anh em tôi và chúng tôi cùng ở trong một căn phòng. Chúng tôi có rất ít tiền. Chúng tôi rất đói”.
Đấy là câu chuyện của hàng triệu cậu bé Châu Phi như Weah, và những câu chuyện ấy có thể được kể bởi chính họ, những người đã tìm cách thoát khỏi đói nghèo nhờ tài năng bóng đá. Nhiều năm trước, khi có mặt ở Châu Phi, chứng kiến một trận đấu chân không giày của các cầu thủ nhí ở khu cùng đinh Soweto, ngoại ô Johannesburg, người viết bài này đã nhìn thấy một cậu bé mang trên mình chiếc áo số 9 của Weah, áo của Milan. Đấy là một điều lạ, bởi bọn trẻ bây giờ chỉ mê những Messi hay Ronaldo. Say mê Weah, người đã treo giày từ lâu và nổi danh trong những năm 1990 chứ không phải bây giờ, chính là điều đáng chú ý. Nhưng khi thằng bé nói với tôi, rằng nó thích Weah, vì anh là cầu thủ Châu Phi duy nhất đến giờ đoạt Quả bóng Vàng, tôi hiểu ngay rằng, nguồn cảm hứng ấy là rất thực tế, vì nó, cũng như Weah, đều là người Phi!
Chỉ có điều, không phải ai cũng có thể như Weah, với bậc thang đi đến thành công và sự nổi danh bắt đầu từ những trận đấu trên đường phố Monrovia ở Liberia, một trong những đất nước nghèo nhất thế giới và biết bao năm chìm trong bất ổn chính trị và nội chiến, sau đó đến Châu Âu nhờ vào mắt xanh của Arsene Wenger, người đưa anh đến Monaco. Từ đó, anh sang PSG, rồi đến Milan và trở thành một trong những cầu thủ hay nhất thế giới trong những năm ấy. Khi giơ cao Quả bóng Vàng Châu Âu năm 1995, cũng là giải Quả bóng Vàng đầu tiên dành cho một cầu thủ ngoài Châu Âu khi tạp chí France Football mở rộng diện bầu chọn trong một thế giới toàn cầu hóa, Weah đã bước lên đỉnh cao nhất trong sự nghiệp cầu thủ của mình. Danh hiệu ấy có được nhờ những màn trình diễn siêu việt của anh trong màu áo PSG, và rồi sau đó, những điều tuyệt diệu anh đã làm cùng với Milan, chẳng hạn như bàn thắng tuyệt đẹp theo kiểu coast-to-coast (dẫn bóng từ sân nhà đến tận cấm địa đối phương) vào lưới Verona tháng 9 năm ấy.
Không bao giờ quên quá khứ đói nghèo
Nhưng Weah chưa bao giờ thanh thản trên vinh quang: Liberia luôn trong trái tim anh. Những năm tháng anh tỏa sáng ở Châu Âu cũng là khoảng thời gian bi thảm của đất nước Châu Phi này. Từ năm 1989 đến 1996, một trong những cuộc nội chiến đẫm máu nhất đã nổ ra trên quê hương anh, làm hơn 200 nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người li tán. Chiến tranh vẫn tiếp diễn nhiều năm sau nữa, thu hút sự chú ý của thế giới và những cuộc bầu dân chủ đầu tiên chỉ được thực hiện vào năm 2005, sau khi nội chiến lắng xuống. Thuật ngữ “kim cương máu” xuất hiện chính từ đất nước ở phía Nam Châu Phi này trong những năm sau đó, khi các phe phái dùng kim cương và đá quý để mua vũ khí chống lại nhau và “xuất khẩu” chiến tranh sang đất nước Sierra Leone láng giềng. Cũng nhờ tiếng nói của Weah mà nhiều người biết đến Liberia không chỉ là đất nước đã sản sinh ra anh, mà còn chất chứa những đau khổ của anh, gia đình anh và hàng triệu người dân nước này.
“Tôi yêu bóng đá, tôi nợ bóng đá rất nhiều”, anh trả lời phỏng vấn kênh RAI Sport mấy năm trước, khi tới trại Milanello để thăm lại bóng cũ. “Nhưng thật là ngu ngốc nếu chỉ nói về bóng đá. Bóng đá không phải là cuộc đời này. Ở Monaco, ở PSG hay Milan, tôi chỉ tập trung vào trận đấu trong 90 phút bóng lăn, còn trước đó và sau đó, tôi luôn nghĩ đến gia đình, người thân và bạn bè tôi ở Liberia. Họ đã và đang chết ở đó, mỗi ngày”. Hơn một lần trong những năm ấy và sau đó, anh nói đến “kim cương máu”, nói đến việc thế giới hãy nhìn về Liberia để đem hòa bình và dân chủ ở nơi ấy. “Chừng nào ở Châu Phi, việc buôn bán vũ khí còn ngang nhiên tồn tại, chừng đó sẽ không có hòa bình”, anh nói vào năm 1999, sau khi đoạt Scudetto cùng Milan, trong thời điểm mà tiếng súng lại rền vang ở Liberia, khi Mặt trận dân chủ và hòa giải Liberia (LURD), một nhóm phiến loạn, nổi lên chống lại Tổng thống Charles Taylor, người từng dùng vũ lực để ép buộc dân chúng phải bỏ phiếu cho ông ta trong cuộc bầu cử năm 1997.
Weah lĩnh lương 3 tỉ lira mỗi năm khi khoác áo Milan (tương đương gần 2 triệu euro theo tỉ giá hiện tại), sau khi được chủ tịch Berlusconi chọn là người lấp chỗ trống mà Van Basten đã để lại ở San Siro. Những người quen biết anh có lần nói rằng, Weah gửi ít nhất 1/3 số tiền đó về Liberia để giúp đỡ mọi người. “Có bao nhiêu người cần sự giúp đỡ của tôi? Tôi nghĩ là nhiều lắm, trước hết là các anh em của tôi cũng như gia đình nhỏ của họ, là những đứa trẻ hàng ngày đến trường”, anh kể lại. “Có một lần tôi hỏi một quỹ từ thiện nhân đạo là họ đang chăm sóc cho bao nhiêu đứa trẻ, họ trả lời là 200. Tôi hỏi là chúng cần bao nhiêu tiền để được đến trường và ăn uống, họ nói con số, và thế là tôi cứ thế gửi tiền về”. Trong vinh quang và giàu sang, chưa bao giờ Weah quên đi quá khứ của bản thân mình. Anh thừa nhận mình đã lớn lên trên đường phố, cũng đã lêu lổng và hút thuốc phiện, nhưng chưa bao giờ ăn cắp của ai cái gì, nhưng khẳng định rằng, nếu bị buộc phải ăn cắp chỉ vì đói quá, anh cũng sẽ làm. Và những câu chuyện về đói nghèo trong quá khứ đã dạy anh trở thành người thế nào sau khi trở nên giàu có. “Tôi không bỏ phí một cái gì trên đĩa trong bữa ăn”, anh nói. “Nếu tôi no rồi, tôi sẽ để phần thừa để hôm sau ăn nốt. Bây giờ tôi giàu có, nhưng tôi đã từng rất nghèo”.
Liệu chính trị có làm anh không còn là anh?
Câu chuyện của Weah cũng là câu chuyện tương tự mà biết bao cầu thủ Châu Phi thành danh ở Châu Âu có thể chia sẻ. Nhưng không phải ai cũng thành công rực rỡ như anh, và cũng không phải ai cũng có thể bước lên vũ đài chính trị chỉ vì đã luôn nghĩ rằng, “người Liberia muốn tôi thành lãnh đạo của họ, vì họ thấy tôi là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc và đặt lợi ích quốc gia trên mọi phe phái chính trị”. Thế nhưng có lần, anh cũng khẳng định rằng, anh không hề muốn làm chính trị, bởi chính trị ở Châu Phi rất nguy hiểm, với lý do “Châu Phi không hiểu dân chủ là gì”. Nhưng nói vậy, Weah vẫn tham gia chính trị, vẫn tranh cử hai lần và đều thất bại, để rồi bây giờ mới thành công. Chiến thắng đói nghèo, Weah đã làm. Chiến thắng các hậu vệ và thủ môn, Weah cũng đã làm. Chiến thắng các đối thủ lớn là Jurgen Klinsmann và Jari Litmanen trong cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng 1995, Weah đã thành công. Đánh bại các ứng viên trong cuộc đua ghế Tổng thống Liberia 2017, anh cũng đã xong. Bây giờ là điều còn khó hơn tất cả: đưa đất nước này đến phồn vinh. 85% dân số của quốc gia 4,5 triệu người này đang sống trong cảnh đói nghèo và đa phần trẻ em đến tuổi đến trường thất học.
Cho đến mãi về sau này, chắc chắn người ta sẽ còn nhớ đến Weah với những cú đi bóng đầy sức mạnh, nhớ cả việc anh đã từng bị đánh bại trong hai cuộc bầu cử Tổng thống các năm 2005 và 2011. Nhưng anh cũng sẽ được nhớ đến với những quyết định chính trị đầy tranh cãi. Chẳng hạn anh đã từng liên minh với Jewel Howard Taylor, vợ của nguyên Tổng thống Charles Taylor, người từng bị kết án tội phạm chiến tranh vì những can thiệp quân sự của ông ta trong cuộc nội chiến ở Sierra Leone, hay có lần đã nhận sự trợ giúp chính trị từ Prince Johnson, người đã từng tham gia bắt giữ và giết hại Tổng thống Samuel Doe năm 1990, một trong những biến cố chính trị khủng khiếp của Liberia. Video Prince Johnson tra tấn tàn bạo Samuel Doe vẫn còn trên YouTube và từng gây sốc khắp thế giới vào thời điểm đó. Bạn có thể ngạc nhiên và đặt câu hỏi: Đấy có phải là George Weah mà chúng ta từng biết, và anh làm thế, phải chăng chỉ là vì chính trị buộc anh phải liên minh để thắng cử, kể cả với bọn sát nhân?
Weah sẽ không bao giờ trả lời những câu hỏi như thế này, nhất là khi bây giờ, anh đã lên đỉnh cao quyền lực, với tư cách là Tổng thống Liberia. Nhưng báo chí Liberia thân với Weah thì viết rằng, người cháu của bà Emma từng phải ngủ trên sàn nhà ngày nào luôn mơ ước đưa đất nước của mình khỏi cảnh đói nghèo, đất nước nằm trên các mỏ kim cương, nhưng dân chúng thì vô cùng nghèo. Anh đã hứa sẽ làm được điều ấy...
Anh Ngọc
Từ nghèo đói tới vinh quang Weah, năm nay 51 tuổi, sinh ra ở Monrovia, thủ đô Liberia và đã trải qua một giai đoạn rất nghèo đói những năm tuổi thơ. Tài năng của Weah bắt đầu được chú ý đến sau một thời gian anh chơi ở giải vô địch Liberia. Những người tuyển trạch viên Châu Âu hoạt động ở Châu Phi đã thông báo cho Arsene Wenger về một tiền đạo da màu cực kỳ xông xáo và dứt điểm lạnh lùng trước mọi khung thành. Wenger đã đưa về Monaco, CLB mà ông đang huấn luyện, vào năm 1988. Sau này, ông nói về Weah: “Tôi kinh ngạc về sự bùng nổ của anh ấy. Tôi chưa từng thấy một cầu thủ nào chơi mạnh mẽ đến như thế”. Weah ghi 47 bàn thắng trong 103 trận cho Monaco, vào đến trận chung kết Cúp C2 năm 1992. Trước đó, vào năm 1989, anh được trao danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Châu Phi. Rất nhiều người Liberia đã đổ ra đường ăn mừng khi biết tin đó, dù vào thời điểm ấy, nội chiến bùng nổ ở nước này. Weah chuyển sang chơi cho PSG năm 1992, đoạt chức vô địch Pháp năm 1994, Cúp Pháp năm 1992 và 1993, vào đến bán kết Cúp UEFA năm 1993, bán kết Cúp C2 năm 1994. Cũng năm 1994, Weah lần thứ 2 đoạt danh hiệu Cầu thủ hay nhất Châu Phi. Weah lên đỉnh cao trong 5 năm chơi cho Milan, đoạt Quả bóng Vàng 1995, lần thứ 3 đoạt danh hiệu Cầu thủ hay nhất Châu Phi cũng năm ấy, và đoạt Scudetto 1996 và 1999. Anh không thực sự thành công trong những năm sau đó, khi chơi ở Chelsea, Manchester City và Marseille. Weah kết thúc sự nghiệp của mình ở Al Jazira năm 2003. Đấy cũng là năm anh treo giày, ở tuổi 37. Weah đã 60 lần khoác áo đội tuyển Liberia, ghi 22 bàn. Trong những năm 1990, Weah được coi là một trong số những tiền đạo hay nhất thế giới, và cùng với những Ronaldo (béo) và Romario, anh là hình mẫu của dạng tiền đạo hiện đại, nhanh, mạnh, đầy kĩ thuật và cũng hết mình vì đồng đội. Anh có biệt danh là “King George” (Vua George). Weah sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Liberia vào ngày 18/1/2018 tới. |
Từ sân bóng đến chính trường Gianni Rivera: Huyền thoại số 10 của Milan và đội tuyển Italy, Quả bóng Vàng Châu Âu 1969, cũng khá thành công trong nghiệp chính trị. Ông đã từng làm đến Thứ trưởng Bộ quốc phòng Italy (ông đã đến thăm Việt Nam năm 1999 trong vai trò này) và là nghị sĩ Quốc hội Châu Âu. Hiện ông vẫn coi mình là một người cánh tả chân chính. Hakan Sukur: Năm 2011, cựu tiền đạo nổi tiếng của đội tuyển Thổ Nhĩ Kỳ đã được bầu vào Quốc hội nước này, cho đến năm 2013, sau khi đã công khai chỉ trích Tổng thống Erdogan. Hiện Sukur đang sống cùng gia đình ở Mỹ, nơi anh sang từ năm 2015. Anh bị tố cáo là đã ủng hộ nhóm đảo chính Tổng thống Erdogan năm 2016. Pele: “Vua bóng đá” từng là Bộ trưởng Thể thao Brazil từ năm 1995 đến 1998. Romario: Nhà vô địch thế giới 1994 là Thượng nghị sĩ của Đảng Xã hội Brazil. Anh đã từng đưa ra một dự luật nhằm cấm nhạc punk, vì cho rằng, nhạc này “ca ngợi tội phạm”. Andriy Shevchenko: Tiền đạo huyền thoại của đội tuyển Ukraine và các CLB Dynamo Kiev và Milan đã tham gia chính trị sau khi giải nghệ năm 2012, và là người lập ra phong trào “Tiến lên Ukraine”. Marc Wilmots: Cựu tiền vệ và là cựu HLV đội trưởng đội tuyển Bỉ là người lập ra phong trào cải cách trong những người nói tiếng Pháp ở Bỉ, và từng là nghị sĩ của Bỉ. Kakha Kaladze: Cựu hậu vệ của đội tuyển Georgia và Milan này từng là Bộ trưởng Năng lượng Georgia từ 2012 đến 2017. Anh cũng từng là phó Thủ tướng Georgia cũng như Thị trưởng thủ đô Tbilisi. Ai bảo cầu thủ chỉ giỏi đá bóng? |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất