14/01/2016 06:33 GMT+7 | Man United
(Thethaovanhoa.vn) - “Cách tốt nhất để dạy người trẻ về bóng đá chính là chơi bóng với họ chứ không phải ra lệnh cho họ không được làm gì” (Johan Cruyff).
Trận hòa 3-3 của Man United trước Newcastle rõ ràng cho thấy có những cải thiện trong lối chơi của Qủy đỏ. Man United đã bớt nhàm chán hơn; có xu hướng cống hiến hơn và cùng với hai trận đấu trước đó tại Premier League, họ dường như đang chuyển mình rõ rệt sau hàng loạt chỉ trích của các cựu danh thủ, các chuyên gia và cả giới hâm mộ. Sự thay đổi đó đến từ đâu? Chắc chắn là từ Louis Van Gaal, người xây dựng triết lý cho Man United tại thời điểm này. Nhưng cũng thêm một điều chắc chắn khác nữa mà ta có thể cùng thừa nhận với nhau. Đó chính là sự thay đổi của Van Gaal chỉ là một động thái miễn cưỡng.
“Quan trọng là triết lý chứ không phải hệ thống. Hệ thống phụ thuộc vào cầu thủ bạn có trong tay. Ở Ajax, tôi chơi 4-3-3. Ở Barca, tôi chơi 2-3-2-3 và ở AZ tôi lại chơi 4-4-2. Tôi rất linh hoạt khi chọn hệ thống. Nhưng triết lý thì luôn giữ vững không thay đổi. Cầu thủ cần phải biết rõ mình cần ở vị trí nào trên sân, di chuyển ra sao, hỗ trợ đồng đội thế nào”. Đó chính là những gì Van Gaal đã thuật lại trong cuốn tự truyện của mình được xuất bản năm 2014. Chỉ cần tuyên bố ấy thôi, chúng ta thừa hiểu Van Gaal cứng nhắc đến đâu và chuyện ông thay đổi triết lý bóng đá gần như là điều không tưởng.
Nhưng khi Van Gaal chấp nhận thay đổi, chắc chắn phải có điều gì đó rất quan trọng đã tác động lớn đến ông. Và điều quan trọng ấy không gì khác chính là danh dự. Van Gaal vốn dĩ kiêu ngạo và ông không sợ mất bất kỳ thứ gì ngoài danh dự. Bởi thế, khi danh dự có khả năng bị tổn hại, ông sẽ thay đổi để bảo vệ nó, dù thay đổi ấy có thể chỉ mang tính tạm thời không hơn không kém.
Trước trận hòa Chelsea, Van Gaal đứng trước nguy cơ bị sa thải và ông đã tuyên bố “nếu cần thì tôi xin nghỉ”. Xin nghỉ khác hẳn với bị sa thải bởi tư thế của người xin nghỉ dù sao cũng “ngẩng cao đầu” hơn. Song nguy cơ bị sa thải ấy đã mờ nhạt hẳn sau khi hòa Chelsea 0-0 và Man United chiến thắng Swansea. Nhưng mọi chuyện không xuôi chèo mát mái như Van Gaal mong mỏi. Đúng lúc đó, Pep Guardiola tuyên bố muốn đến Premier League và chính việc đó đã tạo nên mối đe dọa mới với Van Gaal. Man United dù có muốn xây dựng Giggs trở thành HLV trưởng đi nữa thì cũng không thể bỏ qua một cái tên như Pep. Ngoài chuyện tài năng, Pep còn là một thương hiệu lớn. Và khi một thương hiệu cá nhân uy danh kết hợp với một thương hiệu vĩ đại, họ sẽ cùng tạo nên một cỗ máy kiếm tiền xuất sắc.
Sự đe dọa từ việc Pep có thể đến và Van Gaal có thể bị sa thải để dọn chỗ sẵn cho Pep đã khiến HLV người Hà Lan phải “cố thay đổi một chút” nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng dần. Chắc chắn ông chưa thể quên tuyên bố hùng hồn của mình hồi 2013 rằng “Tôi đã xây dựng hệ thống. Jupp Heynckes tiếp tục hệ thống ấy và Pep Guardiola thừa hưởng triết lý của Van Gaal”. Chính vì tuyên bố đó mà Chủ tịch Bayern Munich Uli Hoeness phải đập lại đầy mai mỉa rằng: “Vâng, chúng tôi ghi nhận công sức của Van Gaal với Bayern nhưng bóng đá của Guardiola thì hoàn toàn khác. Chỉ có Van Gaal mới tưởng tượng được ra những điều như thế. Ông ấy còn có trước cả thế gian này mà”.
Đó là một kỷ niệm không hay ho gì với HLV người Hà Lan và nếu bây giờ ông bị sa thải để rồi người kế tục chiếc ghế vào mùa Hè tới là Guardiola, đó sẽ là điều Van Gaal không bao giờ chấp nhận được. Thà ông tự ra đi, truyền lại chiếc ngai cho Giggs còn hơn là bị đuổi việc chỉ vì CLB cần “quy hoạch không gian” để đón một tên tuổi lừng lẫy hơn dù trên thực tế, Van Gaal rất trân trọng Pep Guardiola và coi Guardiola là một cá nhân trong “môn phái” của ông và Johan Cruyff.
Nhưng suy cho cùng, sự thay đổi của Van Gaal khó có thể biến Man United trở thành một đội bóng lột xác hoàn toàn được. Cách huấn luyện của ông khác với cách huấn luyện của Cruyff và Pep Guardiola. Van Gaal thuộc dạng HLV chỉ đạo tổng quát trên sân tập, đường lối mà Blanc, Benitez, Mourinho… vẫn thường thực hiện. Nó trái ngược với cách huấn luyện của Cruyff, Pep Guardiola, Deschamps, Zidane, Ancelotti…, những huấn luyện viên đổ mồ hôi trân sân tập cùng cầu thủ của mình, thị phạm khi cầu thủ cần và thậm chí chơi bóng với cầu thủ lúc có thể. Chính cách huấn luyện đó khiến mối quan hệ công việc của HLV với cầu thủ gần gũi hơn, đặc biệt sẽ được cầu thủ nể trọng hơn khi HLV sở hữu kỹ chiến thuật xuất chúng.
Thế nên, sự thay đổi của Van Gaal dù sao cũng chỉ là lý thuyết. Ông không thể cụ thể hóa nó cùng với cầu thủ của mình, khi đặt vị trí của mình vào vị trí của người cầu thủ trên sân, với tư duy của họ. Và đã thay đổi tạm thời, điều đó cũng sẽ chỉ cho kết quả tạm thời. Bởi cả một guồng máy đã vận hành quá lâu theo cách nào, nó sẽ tiếp tục trở lại đường ray theo cách đó như một thói quen cố hữu…
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất