Roald Dahl: Người làm vườn tài hoa trong khu vườn ước mơ

09/09/2016 20:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Roald Dahl là một người ươm mầm tài hoa trong khu vườn của riêng ông. Trẻ em trên khắp thế giới khi đã có cơ hội được bước vào khu vườn văn chương của Dahl đều được đắm chìm trong cảm giác phiêu lưu cùng những giấc mơ đẹp đẽ.

Roald Dahl sinh năm ngày 13 tháng 9 năm 1916 tại xứ Wales. Tên Dahl được đặt theo tên một nhà thám hiểm Bắc Cực ở Na Uy là Roald Amundsen. 

Một cuộc đời nhiều thăng trầm

Năm 1920, khi Dahl được ba tuổi, chị gái của ông chết vì viêm ruột thừa. Vài tuần sau đó, cha ông qua đời vì bệnh viêm phổi ở tuổi 57. Mẹ của ông định quay trở về Na Uy sống cùng người thân, nhưng vì muốn Dahl được đào tạo tại các trường của Anh nên bà đã quyết định ở lại xứ Wales sau những mất mát buồn khổ.

Suốt những năm thơ ấu, khi đi học ở các trường nội trú xa nhà, Dahl luôn nhớ về người mẹ của mình, và ông viết thư cho mẹ thường xuyên. Mặc dù chịu rất nhiều những nỗi khó chịu với trường lớp nhưng Dahl luôn giấu tâm tư của mình. Những lá thư ấy chính là những mầm mống báo hiệu một thiên tài kể chuyện trong con người Roald Dahl. Năm 1967 khi mẹ mất, ông đã phát hiện ra rằng bà là người đã cất giữ cẩn thận những dòng chữ đầu tiên vô cùng đẹp đẽ ấy của ông.

Suốt thời thơ ấu, Dahl dành nhiều thời gian để nghỉ hè cùng gia đình ở Nauy, và ông bắt đầu ghi lại rất nhiều những kỉ niệm hạnh phúc trong hành trình khám phá thế giới. Mỗi kỉ niệm nhỏ bé lại trở thành một vùng sáng lấp lánh được khơi dậy trên từng trang sách ông viết cho thiếu nhi sau này.

Khi trưởng thành, cuộc đời ông trải qua nhiều những thăng trầm, mất mát, trong đó cái chết của người con gái Olivia khi mới bảy tuổi vì bệnh sởi đã đẩy ông vào những ngày buồn khổ tuyệt vọng nhất trong đời. Ông tự dằn vặt bản thân vì sự vô dụng của mình. Một thời gian sau khi Olivia mất, ông đã viết câu chuyện Sophie và tên khổng lồ đề tặng riêng cho cô bé. 

Roald Dahl qua đời ngày 23/11/1990 vì bệnh ung thư máu. Trước khi mất, ông bày tỏ mong muốn được chôn cất cùng những đồ vật yêu thích, như cây gậy bi-da, chai rượu vang đỏ, sô cô la, bút chì HB, và cái cưa. Đó là những đồ vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp sáng tạo của Dahl.


Roald Dahl trong túp lều sáng tác của mình

Bầu trời và văn chương

Trước khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp, Roald Dahl đã từng là một phi công chiến đấu trong suốt nhiều năm liền. Dù dưới áp lực khốc liệt của bom đạn thì việc được bay lượn trên bầu trời cũng đã mang lại cho ông những trải nghiệm tuyệt vời. 

Hình ảnh Dahl khiến ta dễ liên tưởng đến “cha đẻ” của tác phẩm Hoàng tử bé, Antoine de Saint-Exupéry. Giữa bầu trời rộng lớn và những vì sao lung linh cứ lặng lẽ sáng lấp lánh suốt đêm tối, được đắm chìm trong bầu không khí đẹp đẽ hư ảo bao la ấy, khiến tâm trí Dahl được đánh thức ở những điều đẹp đẽ.

Roald Dahl có một trí tưởng tượng kì lạ, vượt thoát khỏi mọi giới hạn bình thường. Những tưởng tượng tưởng chừng phi lý ấy lại hoàn toàn có lý trong một bầu không khí bao dung trong lành và thơ ngây mà Dahl đã vô cùng dụng công tạo nên trong những cốt truyện tưởng chừng rất đơn giản của mình.

Trong truyện Charlie và nhà máy Chocolate, Dahl đã đem lại giấc mơ cho mọi đứa trẻ. Nhân vật Willy Wonka chính là người sứ giả tuyệt hảo giúp ông thực hiện mong muốn đó. Ta không thể nào đoán trước được những điều mà Wonka sẽ làm, ta chỉ có thể bước theo, bất ngờ và bị choáng ngợp bởi thế giới lung linh sắc màu cổ tích, nhưng lại khơi gợi vô vàn những tinh tế của đời sống con người. 

Hay trong tác phẩm Sophie và tên khổng lồ, độc giả sẽ vô cùng thích thú khi được làm quen với anh chàng khổng lồ cao 7,5 m, là người đem lại những giấc mơ đẹp cho rất nhiều trẻ em. Độc giả của Dahl chắc hẳn sẽ chẳng còn sợ hãi những người khổng lồ, mà chỉ có thể thả tâm trí mình bay theo hành trình đến vùng đất giấc mơ của người khổng lồ đáng yêu này.

Trí tưởng tượng bao la của Dahl đã đem đến cho ông những ánh nhìn bao dung và trìu mến đối với cuộc sống xung quanh. Đọc những tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông, trẻ em sẽ được cuốn mình vào một thế giới rộn rã những điều đẹp đẽ, đánh thức những mầm tưởng tượng, những ước mơ và khao khát tốt lành. Đó cũng chính là cánh đồng văn chương rộng lớn mà Dahl lựa chọn và luôn cần mẫn gieo gặt. Đó cũng chính là cách ông nhìn thấy và tin tưởng vào sự tồn tại của phép màu.



Roald Dahl đã từng rất đau khổ vì cái chết của cô con gái Olivia

Nghệ thuật kể chuyện tài hoa

Dahl được mệnh danh là người kể chuyện cho trẻ em vĩ đại nhất thế kỉ XX. Lối viết của ông tưởng như rất đơn giản, thường mang đậm tính chất cổ tích, lưu tâm đến những đứa trẻ nhiều thiếu thốn như mồ côi, nghèo khổ, bệnh tật, yếu ớt.... nhưng ông không hoàn toàn không xây dựng câu chuyện theo lối ông Bụt, bà tiên, lối ở hiền gặp lành. Dù viết truyện cho trẻ con, nhưng chưa bao giờ ông lên gân dạy bảo đạo đức, hay đưa ra những bài học mang tính áp đặt thường thấy. Dahl chỉ làm nhiệm vụ ươm mầm. 

Ngôn ngữ văn chương của ông rất mực giản dị, phóng khoáng và cởi mở. Ông dẫn lối cho mỗi độc giả bước vào cánh đồng của mình, nơi mà ở đó mỗi cuốn sách như một cây ước mơ, và trẻ con, chúng có rất nhiều lối đi dưới hàng cây ấy. Ở đó chúng tha hồ được tưởng tượng, được viết vẽ, được gặp gỡ, làm quen và yêu mến... Đó là không gian đắm chìm trong thế giới truyện của Dahl. Không một bạn nhỏ nào khi đọc truyện của Roald Dahl có thể quên được Matilda, một cô bé 5 tuổi rưỡi có trí thông minh của một thiên tài, một cô bé Sophie mồ côi nhưng không ngừng mơ ước, một cậu bé Charlie nghèo khổ nhưng lúc nào cũng yêu đời... 

Với lối viết nhẹ nhàng, hóm hỉnh, đầy trìu mến, Dahl đã khiến tất cả các nhân vật của ông đều vô cùng sinh động, uyển chuyển và gần gũi với đời sống. Dù người lớn, hay trẻ nhỏ, đọc truyện của ông cũng sẽ nhìn thấy thấp thoáng hình ảnh của mình ở đó, để hạnh phúc, đồng cảm và chia sẻ.

Dahl có một “túp lều” sáng tác ở trong vườn, cách biệt hoàn toàn với những tiếng ồn bên ngoài, và không một ai được bước vào căn nhà nơi ông cần mẫn ươm những mầm giống ước mơ ấy. Ông luôn viết bằng cây bút chì HB yêu quý của mình trên tấm lót màu vàng. Mỗi tháng một lần, khi giỏ giấy đã đựng đủ các ý tưởng bị ném đi, ông sẽ đốt lên những ngọn lửa ngay bên ngoài căn lều của mình. Những ý tưởng bay đi trong bầu trời bao la, và rồi sau này, lại trả về cho ông những hạt mầm tốt hơn để ông vun trồng. 

Năm 2016, lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Roald Dahl được diễn ra rộn ràng trên khắp thế giới với vô số những hoạt động có ý nghĩa, để trẻ em có thêm nhiều cơ hội được tiếp xúc và hiểu biết thêm về thế giới văn chương vô cùng tốt lành của Roald Dahl.

Tại Việt Nam, kỉ niệm 100 năm ngày sinh "Người kể chuyện số 1 thế giới" Roald Dahl, Đại sứ Anh Giles Lever tổ chức một bữa tiệc dành cho trẻ em Việt Nam dựa theo truyện “Charlie và Nhà máy sô-cô-la” tại nhà riêng của mình ở Hà Nội (ngày 10.9) và một chương trình tương tự cũng được tổ chức tại Tổng lãnh sự quán Anh TP HCM (17.9). Đây là dịp để trẻ em Việt Nam có thể biết thêm về nhà văn được mệnh danh là "Người kể chuyện số 1 thế giới". Tại đây các bạn nhỏ sẽ tham gia đọc truyện, đố vui và vẽ có liên quan đến các tác phẩm của Roald Dahl, được thưởng thức các loại kẹo sô-cô-la và tưởng tượng về nhà máy sô-cô-la trứ danh của ngài Willy Wonka.

Phong Linh

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link