Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và hòa bình (kỳ 3): Chân dung những vị thần hộ mệnh Đông Sơn

13/02/2025 07:38 GMT+7 | Văn hoá

Khi xã hội Đông Sơn đã chắc chắn bước vào trình độ tổ chức xã hội mang tính chế độ thủ lĩnh (chiefdom), trong đó tình trạng chiến tranh với tỷ lệ vũ khí tăng cao và đồ dùng qúy tộc ngày càng đóng vai trò nổi bật trong di sản khảo cổ học, thì sự tồn tại những biểu trưng tâm linh gắn với vai trò hộ mệnh và cầu thắng là nhu cầu tất yếu.

1. Tôi đã để ý tìm kiếm những biểu trưng này từ các lễ khải hoàn trên các thuyền chiến Đông Sơn, hoặc từ các tượng người trên cán dao găm đồng, từ hệ thống hình tượng biểu trưng khá ổn định ở chuôi đốc các lưỡi qua… và gần đây đã phát hiện một hệ thống mặt thần khá thống nhất trên vũ khí và mảnh giáp trụ Đông Sơn.

Trong buổi "rì rầm" hôm nay, tôi muốn bắt đầu với hệ thống mặt thần này, trước khi mở rộng sang các hệ thống thần linh hộ mệnh, cầu thắng Đông Sơn khác.

Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và hòa bình (kỳ 3): Chân dung những vị thần hộ mệnh Đông Sơn - Ảnh 1.

Một loại dao găm Đông Sơn Tây Âu vớt sông Mã (Thanh Hóa) và đặc tả chân dung thần chiến tranh cùng biểu tượng rùa thần hộ mệnh trên (hình b và c)

Hiện tại, tôi đang có trong tay hình ảnh của trên một chục hình đúc mặt thần trên dao găm, giáo, mảnh giáp Đông Sơn phân bố tập trung ở lưu vực các sông miền núi phía bắc Việt Nam hiện nay và thảng hoặc ở cả vùng sông xứ Cửu Chân xưa (Thanh Hóa ngày nay). Trong bài tuần trước, tôi đã giới thiệu sơ bộ hai hình chân dung thần hộ mệnh trên hai mảnh giáp trong bộ giáp trụ phát hiện ở sông Lô vùng Tuyên Quang. Để dễ tiếp nối, tôi xin nhắc lại mấy hình đó.

Điểm dễ nhận ra đây là chân dung thần hộ mệnh chính vì chúng được tôn vinh đầy trân kính trên các tấm áo giáp hiếm hoi và quý giá của một thủ lĩnh Đông Sơn cao cấp. Hình ảnh chân dung thần hộ mệnh này định hình ở cặp sừng hình chữ C nằm ngửa và hai hàng răng cưa dọc hai bên má từ thái dương xuống, kết thúc bởi hai hình tròn hình bánh xe tương ứng với vị trí của những vòng tai. Khuôn mặt đóng khung kéo dài trông gần với đầu loài thú ăn cỏ (trâu, bò, huơu nai) tương ứng cặp sừng phía trên đầu. Chân dung thần lấy trục ngang lông mày và cánh mũi tạo thành trục chữ T ở chính giữa mặt, tạo thế cân đối với đôi mắt và cặp môi hình trám nằm ngang, trông hiền hậu nhưng cương nghị, mực thước chứ không hung tợn, dọa dẫm.

Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và hòa bình (kỳ 3): Chân dung những vị thần hộ mệnh Đông Sơn - Ảnh 2.

Điểm dễ nhận ra đặc trưng chân dung thần hộ mệnh này là ở cặp sừng hình chữ C nằm ngửa và hai hàng răng cưa dọc hai bên má, từ thái dương xuống

Chân dung thần hộ mệnh này đã khá định hình và xuất hiện cả trên giáo và dao găm Đông Sơn miền núi phía Bắc, lan đến cả vùng sông Mã, sông Chu xứ Thanh.

2. Dưới đây là hai dao găm vớt dưới đáy sông Lô (Tuyên Quang) và sông Mã (Thanh Hóa).

Lưỡi dao găm vớt ở sông Mã có hình chân dung thần hộ mệnh mang rõ nét phong cách tương tự chân dung thần trên mảnh giáp đồng Tuyên Quang: Hai hàng răng cưa buông từ thái dương kết thúc bằng hai hình tròn khuyên tai hình bánh xe. Trang trí trên đỉnh đầu bị gỉ, chưa nhận ra cụ thể. Đáng chú ý là hình rùa thần bên dưới quay đầu về phía mũi. Hình rùa ở đây bị ngăn đôi bởi gờ sống nổi giữa lưỡi dao và trang trí trông như hình hai nửa chim bay nghiêng.

Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và hòa bình (kỳ 3): Chân dung những vị thần hộ mệnh Đông Sơn - Ảnh 3.

Chân dung thần chiến tranh trên cán một dao găm Đông Sơn Tây Âu. Đáng chú ý là hình rùa biểu tượng cho lá chắn bảo vệ cho chiến binh ở phần lưỡi dao găm

Dựa vào những đồ án rùa tương tự trên giáo đồng khác, có thể khẳng định đây là biểu trưng rùa - một dạng nữa của thần hộ mệnh như từng thấy trên bộ áo giáp mà tôi đã giới thiệu tuần trước. 

Chân dung thần hộ mệnh rõ nhất chúng tôi gặp trên một ngọn giáo đồng Đông Sơn lớn (dài khoảng 40cm) phát hiện dưới đáy sông Giá, vùng ngã ba Lê, cách di chỉ Tràng Kênh, Núi Đèo và khu mộ thân cây khoét rỗng Đông Sơn Việt Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng) không xa. Ngọn giáo được trang trí dày đặc ở cả hai mặt bằng những hình đúc chìm. Đáng nói ở đây là lần đầu tiên tôi bắt gặp chân dung đầy đủ nhất của thần chiến tranh hay thần hộ mệnh.

Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và hòa bình (kỳ 3): Chân dung những vị thần hộ mệnh Đông Sơn - Ảnh 4.

Chân dung thần chiến tranh trên hai mặt của một ngọn giáo đồng Đông Sơn vớt ở vùng sông Giá (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Hình trái: Toàn thể nội dung với chân dung thần ở giữa, trên đầu là viền mũ với hai nhánh là hai nhà sàn lễ nghi trên nóc có chim đậu. Bên dưới là hình hai người ngồi trên bệ quay đầu về phía mũi giáo. Hình giữa: Đặc tả chân dung thần chiến tranh lông mày giao nhau, mũi thẳng, mắt và miệng to hình quả trám nằm ngang. Hình phải: Đặc tả nhà sàn có chim đậu trên hai nhánh gọng mũ của thần

Chân dung thần chiến tranh đúc chìm ở giữa lưỡi giáo, trên đầu là viền mũ với hai nhánh là hai nhà sàn lễ nghi, trên nóc có chim đậu. Bên dưới là hình hai người ngồi trên bệ quay đầu về phía mũi giáo.

Thần được đặc tả chân dung với cặp lông mày giao nhau, mũi thẳng, mắt và miệng to hình quả trám nằm ngang. Từ nhánh ngang nối hai lông mày lên trán có một hình trang trí rất lạ, do gỉ chưa làm rõ được. Hai tai to buông thõng hai bên, treo nhiều vòng tròn nhỏ bên trong và một vòng tròn lớn bên dưới như thể các khuyên tai.

Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và hòa bình (kỳ 3): Chân dung những vị thần hộ mệnh Đông Sơn - Ảnh 5.

Hình trái: Phác dựng bút chì của tác giả về chân dung hoàn chỉnh thần hộ mệnh Đông Sơn đúc trên ngọn giáo đồng vớt ở sông Giá (Hải Phòng). Hình phải: Mặt lưng của bức tượng thủ lĩnh nam với nhiều vòng trên tai và đầu lâu người sau lưng

 Lối treo các vòng trĩu nặng bên tai ta đã từng bắt gặp trên các tượng thủ lĩnh nam. Điển hình nhất là tượng thủ lĩnh Đông Sơn đeo đầu lâu kẻ thù phía sau lưng trên một cán dao găm đồng, hiện thuộc sưu tập tư nhân ở Pháp mà tôi thường nhắc đến. Ngoài cùng viền vành tai là băng cờ nheo hình tam giác nhỏ. Đặc biệt kỳ lạ là thay vì cặp sừng hình hai chữ C nằm ngửa trên đầu, thì ở đây thay thế bằng hai nhà sàn mái cong, chính giữa có chim đậu, tạo thành hai nhánh gọng mũ của vị thần.

Có thể còn nhiều cách thể hiện tâm linh cầu thắng và cầu an trong chiến tranh thời Đông Sơn. Hình ảnh một vị thần được thể hiện toàn thân dưới đây là một ví dụ. Đây là một dạng dao găm Đông Sơn khá lạ. Nhờ hình rùa thần ở lưỡi dao găm, tôi đã nhận ra hình ảnh toàn thân của vị thần hộ mệnh trên phần tay cầm của một con dao găm Đông Sơn này. Dao găm được chủ nhân vớt ở sông Lô (Tuyên Quang). Lưỡi dao đúc nổi hình rùa thần, trên tay cầm có hình thần hộ mệnh ở cả hai mặt. Vị thần này thể hiện toàn thân khác hẳn với phong cách những chân dung mặt thần mà chúng ta đã nói đến nhiều. Do khuôn khổ trang báo, tôi sẽ trở lại với dao găm này trong một bài viết khác.

"Điểm dễ nhận ra đây là chân dung thần hộ mệnh chính vì chúng được tôn vinh đầy trân kính trên các tấm áo giáp hiếm hoi và quý giá của một thủ lĩnh Đông Sơn cao cấp"- TS Nguyễn Việt.

(còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link