23/10/2016 19:26 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên Giải Nobel Văn học được trao cho một một thi-ca-nhân đúng nghĩa với vòng nguyệt quế và cây đàn lyre – hai biểu tượng không thể tách rời của Thơ-Nhạc.
Thực ra, điều này cũng không ngoài tôn chỉ và di chúc của Alfred Nobel là hướng tới những giá trị nhân bản và khai phóng.
Nhắc nhở chúng ta về nguồn cội của thơ ca
Tuy loan báo về giải Nobel Văn học năm nay đem lại ngạc nhiên, Dylan đã là một chọn lựa quen thuộc để cân nhắc qua nhiều năm, dù tác phẩm của ông có vẻ không ăn khớp vào những thể loại truyền thống như tiểu thuyết hay thơ trong "văn hóa đọc" dành cho "độc giả" mà ưu tiên hơn cho "thính giả", như trong dòng văn nghệ truyền khẩu.
Quyết định cuối cùng này có thể khiến nhiều người "sốc" và bất bình vì trái với sự tiên liệu cá nhân. Trong lịch sử giải Nobel Văn học, nếu để tranh cãi thì trước đây có ba trường hợp "ngoài văn học" đáng để tranh cãi hơn: Bergson, Churchill, và Rusell.
Bob Dylan và Ginsburg bên mộ Jack Kerouac, 1975
Thư kí thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển là Sara Danius khen ngợi và đặt Dylan trong truyền thống thơ ca truyền khẩu từ thời cổ Hi Lạp với các thi ca sĩ như Homer và Sappho, họ đã viết ra những tứ thơ vốn để ca hát hòa với tiếng đàn, và truyền thống hát rong này vẫn kéo dài tới thời Trung cổ với các troubadour hay "the Bard" mà trong thời Phục hưng lại trở thành danh hiệu cao quý được đặt cho Shakespeare, truyền tới thế kỉ 20 với các thi sĩ của thế hệ Beat như Ginsberg.
Nhà biên tập tạp chí Poetry Don Share ca ngợi quyết định của Hàn lâm viện, ông phát biểu "Những ai chỉ kinh nghiệm đọc thơ trên trang giấy có thể sẽ bất đồng, thế nhưng giải Nobel này là một cách đem mọi thứ về nhà, nhắc nhở chúng ta về nguồn cội của thơ ca, vừa chuyển động nó tiến tới thời đại đang thay đổi".
Đặc biệt nhà thơ và ca nhạc sĩ Leonard Cohen lâu nay cũng như Dylan nằm trong ứng cử viên giải Nobel, ví von bằng hình tượng: "Trao Giải Nobel cho Bob Dylan thì "giống như ghim huân chương lên đỉnh Everest". Thực vậy, Dylan là một icon, một tượng đài bắc qua toàn bộ truyền thống ngôn ngữ thơ ca tiếng Anh, mà nghệ thuật thơ và ca đã xóa nhòa những ranh giới từ "cao tới thấp, từ đen tới trắng" (Sara Danius).
Phải nhắc tới tờ New York Times từ nhiều năm trước đã đề xuất giải Nobel cho Bob Dylan, giờ đây mở tiệc hân hoan mừng "Bob Dylan văn sĩ, thuộc vào những tiếng nói đích thực nhất của Hoa Kì, người tạo ra những hình ảnh vừa táo bạo vừa cộng hưởng như Walt Whitman hay Emily Dickinson".
Trước đây, Dylan đã được công nhận bởi thế giới văn học và thơ ca, đơn cử năm 2008 qua giải Pulitzer trao cho Dylan với lời tuyên dương đặc biệt "dành cho tầm ảnh hưởng sâu sắc của ông lên âm nhạc và văn hóa đại chúng Hoa Kì, đánh dấu bằng những sáng tác trữ tình mang sức mạnh thơ ca phi thường".
Văn học của Hoa Kì còn mang tính "tỉnh lẻ"...
Tại sao giải thưởng Nobel cho Hoa Kì trước đây không là Updike hoặc Pynchon, kì này không là DeLillo hay Roth? Tác phẩm của họ so với châu Âu lẽ nào không còn đủ sức hấp dẫn và ít giá trị bền bỉ, ngay cả so với văn học của các châu khác như Mĩ Latin, Phi, Á, A Rập.
Trước kia, Hemingway thường chê bai tính tỉnh lẻ và khép kín của "tiểu quốc" Hoa Kì, trớ trêu thay, nhận xét này còn vang vọng vào năm 2008 khi người thư kí của BGK giải là Horace Engdahl nói rằng Hoa Kì "Hoa Kì quá cô lập, quá khép kín. Họ không dịch thuật đủ và không thực sự tham dự vào cuộc đối thoại lớn của văn học. Chính sự ngu dốt đó đang là trở ngại".
Có lẽ như thế nên những dự đoán và kì vọng dài cổ trên các cột báo về một nhà văn hay nhà thơ Hoa Kì được giải Nobel rất thường đem lại sự chưng hửng (ta đừng quên rằng không ít nhà văn nhà thơ Hoa Kì từng nhận giải thật ra không mang "chất Mĩ" cho lắm (như Buck, Singer, Brodsky, Milosz).
Như vậy, sự hấp dẫn của Hoa Kì nằm ở đâu? Nếu văn học của Hoa Kì còn mang tính "tỉnh lẻ" so với châu Âu thậm chí so với Nam Mĩ, thì gia tài âm nhạc Hoa Kì, đặc trưng là nhạc folk hay roots và các thể loại chủ yếu như blues, jazz ngày nay mang những yếu tố vừa đại đồng vừa đại chúng vượt lên những quan niệm thiên kiến về "văn hóa cao/thấp" mà nền nhạc ca khúc châu Âu khó thể so sánh và đóng góp cho thế giới cho bằng. Và hiển nhiên kho tàng này không mang tính "tỉnh lẻ", mà chính là đặc trưng của Hoa Kì nhưng đồng thời mang tính toàn cầu.
"Tôi sống như một nhà thơ và chết như một nhà thơ"
Bob Dylan tên thật là Robert Zimmerman, sinh năm 1941, từ năm 1959 trong những trình diễn nhạc folk, Bob lấy nghệ danh Dylan là tên nhà thơ và nhà văn Dylan Thomas (1914-1953) của xứ Welsch mà Bob hâm mộ và chịu ảnh hưởng, có thể xem một phần ca từ hay lời thơ của Bob thuộc vào dòng tiến triển bút pháp của Dylan Thomas.
Dylan thực sự xuất hiện với tư cách nghệ sĩ vào năm 1961 ở New York, theo phong cách của Woody Guthrie, hát những ca khúc phản kháng và chơi đàn guitar acoustic trong các câu lạc bộ và quán café ở Greenwich Village.
Đặc biệt ngay khởi đầu sự nghiệp, Dylan đã có những ca từ trội bật làm kinh ngạc và lối viết ca khúc "gồ ghề" đã khiến cho Dylan trở thành nguồn say mê của các nghệ sĩ và các nhà phê bình.
Bob Dylan cũng thuộc trong số nhiều ca nhạc sĩ Hoa Kì đã phục hưng và phát triển truyền thống âm nhạc dân gian của vùng Appalachia miền đông Hoa Kì vốn mang nhiều nguồn ảnh hưởng châu Âu và châu Phi, gồm những ballad của Anh, dân ca Ireland và Scotland, các thánh ca và nhạc blues của Mĩ da đen.
Dylan là kết tinh truyền thống nhạc roots của Hoa Kì, ca khúc lừng danh Blowin’ in the Wind (Theo gió bay đi) vốn một phần giai điệu bắt nguồn từ một ca khúc truyền thống của người nô lệ da đen, mặc dù ca từ chất vấn hiện trạng xã hội và chính trị. Ca khúc này và một số ca khúc cùng thời kì này cũng đánh dấu một khuynh hướng mới trong sáng tác ca từ, trộn lẫn bút pháp của dòng ý thức, của thi phái hình tượng và trữ tình bằng nhạc thể dân gian.
Năm 1965-1966, Dylan cũng viết Tarantula, là một tác phẩm khó đọc thuộc loại tiểu thuyết-thơ thể nghiệm cũng sử dụng bút pháp dòng ý thức, chịu ảnh hưởng phong cách của Ginsberg và Burroughs.
Dylan khởi hứng từ Thế hệ Beat và làm thơ khoảng năm 18 tuổi khi đầu tiên phát hiện ra Ginsberg, Gary Snyder, Frank O’Hara… Thế hệ Beat nổi bật và nổi tiếng về những buổi trình diễn trong đó họ làm cuộc hôn phối giữa thơ và nhạc jazz. Tác phẩm thơ được ngâm cùng với sự hòa âm của tiếng nhạc. Trình diễn tác phẩm văn thơ cần thiết như một tổng thể của tác phẩm.
Ginsberg mà Bob Dylan chịu ảnh hưởng, người từng hát thơ của William Blake với cây đàn harmonium theo truyền thống của các thi ca nhân. Tình bạn lâu dài giữa nhà thơ Ginsberg và Dylan như anh em tuy Ginsberg trong vai như một người thầy (dù cách nhau 15 tuổi).
Dylan thường trích dẫn Ginsberg và chịu ảnh hưởng, cả hai đều gốc Do Thái, cùng chia sẻ về tinh thần và cộng tác với nhau trong một vài dự án, và rất tôn trọng nhau. Và cả hai cùng giúp đem tinh thần của Beat vào những năm 1960 và xa hơn nữa là vào một thế hệ mới với cuộc hoạt động xã hội và nghệ thuật.
Allen xem Dylan có sự gắn bó một cách đúng nghĩa với toàn bộ truyền thống của phong trào Beat tuy Beat không phải là nguồn ảnh hưởng duy nhất của Dylan. Ginsberg từng khen ngợi tác phẩm của của Dylan là trả thơ ca về với thân xác con người thông qua phương tiện âm nhạc cũng là giấc mơ trong những năm 50 và 60 Ginsberg cho rằng Dylan là một "phát hiện lớn, những ca khúc này là đỉnh điểm của Thơ-nhạc".Bob Dylan là tiếng nói của một thế hệ với những ca khúc ảnh hưởng lâu bền trong âm nhạc và văn hóa đại chúng suốt hơn 50 năm qua. Giờ ở tuổi 75, Dylan vẫn miệt mài trong Cuộc du ca vô tận (Never Ending Tour), vẫn không ngừng sáng tác, vẫn hát những ca từ đặc quánh chất thơ, Dylan từng nói: "Tôi sống như một nhà thơ và chết như một nhà thơ". Thậm chí cho tới lúc này, chàng Orpheus vẫn đang mải hát ở đâu đó, không buồn quay đầu trả lời tin vui, khiến Viện Hàn lâm Thụy Điển chờ hồi âm dài cổ.
Đón đọc toàn tập ca từ của Bob Dylan May thay cho chúng ta, thật đúng lúc, ca từ toàn tập của Bob Dylan trải dài từ 1961-2012 sẽ phát hành vào ngày 1 tháng 11 này do Nxb Simon & Schuster, ngoài tập thơ Tarantula, một hồi kí biên niên tập 1 (Chronicles: Volume One) của Dylan cũng đã được xuất bản vào năm 2004. |
Kỳ 1 Đằng sau giải Nobel của Bob Dylan: Giữa những tiếng la ó xem TẠI ĐÂY
Đón đọc Kỳ 3: Dịch ca từ của Bob Dylan: Cái khó, cái hay và niềm vui bất tận
Hà Vũ Trọng (nhà nghiên cứu)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất