12/10/2011 10:33 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Ngày 11/10 tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (KHLS VN)đã tổ chức họp báo công bố Quỹ Hỗ trợ Phát triển Sử học Việt Nam (HTPTSH VN) và thông báo về chương trình nghệ thuật đặc biệt Sóng vọng biển Đông sẽ diễn ra vào ngày 22/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Quỹ HTPTSH VN là Quỹ quốc gia đầu tiên của Hội KHLS VN và chương trình Sóng vọng biển Đông là sự kiện mở đầu cho hoạt động thường niên của Quỹ nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền sử học nước nhà.
Không có chuyện ba quỹ dẫm chân lên nhau
Tính cho đến thời điểm này, Quỹ HTPTSH VN là quỹ thứ 3 sử dụng nguồn lãi tín dụng để khuyến khích, đào tạo nhân tài sử học cho đất nước. Hai quỹ được nhiều người biết đến trước đó là Quỹ giải thưởng sử học Trần Văn Giàu và Quỹ giải thưởng sử học Phạm Thận Duật... Sự ra đời của các quỹ này có vai trò rất quan trọng trong việc nghiên cứu và phổ biến sử học, nhất là sau khi có những báo động về “thảm họa môn Sử” trong mùa tuyền sinh ĐH, CĐ vừa qua...
Tuy nhiên, ngay trong buổi họp báo công bố quỹ, nhiều người cho rằng, cả ba quỹ này rất có thể sẽ “dẫm chân nhau”.
GS - Viện sĩ Phan Huy Lê (giữa) cho rằng: “Cần đẩy mạnh nghiên cứu toàn diện về biển Đông...”
GS - Viện sĩ Phan Huy Lê giải thích: Quỹ giải thưởng sử học Trần Văn Giàu là dành cho hai lĩnh vực Lịch sử và Lịch sử tư tưởng liên quan đến miền đất Nam bộ, cực Nam Trung bộ (tỉnh Bình Thuận) và TP.HCM.
Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật xét các công trình đăng ký tranh giải đều là những luận án tiến sĩ sử học (của người Việt hoặc người nước ngoài).
Còn Quỹ HTPTSH VN, nhằm mục đích đào tạo nhân tài sử học cho đất nước và thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam. Ngoài ra, Quỹ HTPTSH VN còn dự định sẽ tổ chức thường niên Diễn đàn sử học Việt Nam cùng các sự kiện văn hóa, lịch sử, nhằm thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đến các vấn đề nóng bỏng của xã hội liên quan đến lịch sử. Như vậy, có thể nói, Quỹ HTPTSH VN không những không “dẫm lên chân” hai Quỹ giải thưởng sử học Trần Văn Giàu và Phạm Thận Duật mà “biên độ hoạt động” của quỹ còn mở rộng hơn rất nhiều.
Cần đẩy mạnh nghiên cứu toàn diện về biển Đông
Trong buổi họp báo công bố Quỹ Hỗ trợ Phát triển Sử học Việt Nam, Hội KHLSVN cũng đã giới thiệu chương trình nghệ thuật Sóng vọng biển Đông (Tổng đạo diễn: Nhà sử học Dương Trung Quốc, Chỉ đạo nghệ thuật: Nhạc sĩ Lê Minh Sơn). Mặc dù, chương trình này chỉ là sự kiện mở đầu cho các hoạt động thường niên mà Hội đã đề ra nhưng lại là một trong rất nhiều cách truyền bá lịch sử đến người dân, là cuộc đối thoại giữa những con người thời bình ở nhiều lứa tuổi khác nhau khi cùng nhìn lại một giai đoạn hào hùng về biển và lịch sử dân tộc.
GS - Viện sĩ Phan Huy Lê sau buổi họp báo đã chia sẻ với TT&VH: “Gần đây, dư luận rất quan tâm đến tình hình biển Đông, trong đó có chủ quyền về Trường Sa và Hoàng Sa. Giới sử học chúng tôi cũng đã có loạt bài nghiên cứu về vấn đề này trên tạp chí Xưa và Nay của Hội. Tuy nhiên, theo tôi việc này cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Bởi muốn quảng bá tốt thì phải tổ chức nghiên cứu tốt. Đã đến lúc công việc nghiên cứu về biển Đông nói chung và chủ quyền đối với Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng, cần phải được tổ chức trên cơ sở liên kết chặt chẽ hơn nữa, tập hợp đầy đủ hơn nữa các chuyên gia ở trong nước và đặc biệt là các chuyên gia ở nước ngoài. Tôi biết họ rất yêu đất nước VN, có những công trình nghiên cứu sâu sắc và có những điều kiện để thu thập tài liệu thuận lợi hơn chúng ta...”.
Hiện nay về lịch sử biển Đông, theo như GS Phan Huy Lê cho biết, trong giới sử học hiện có hai công trình nghiên cứu: của TS Nguyễn Nhã ở TP.HCM và của Khoa Sử của Trường ĐHKHXHNV (ĐH QG HN) do GS Nguyễn Quang Ngọc chủ biên. Hai công trình này sẽ được xuất bản trong thời gian tới nhằm quảng bá những công trình nghiên cứu tương đối đầy đủ ở trong nước về biển Đông. Cùng với những công trình nghiên cứu khoa học như vậy, theo GS Lê thì chúng ta cần phải có những hình thức phổ cập hơn nữa để quảng bá kiến thức lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử biển Đông nói riêng liên quan đến chủ quyền lãnh thổ trong nhân dân.
“Theo tôi, cần phải gắn Trường Sa, Hoàng Sa vào biển Đông nói chung. Ở đây nó có hai mặt liên quan mật thiết với nhau. Đó là bảo vệ độc lập về chủ quyền trên biển Đông và đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, vì biển đóng một vai trò cực lớn đối với sự phát triển của đất nước. Cho nên, nói về nghiên cứu biển Đông, chúng ta không chỉ nghiên cứu về chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa mà phải nghiên cứu toàn diện về biển Đông trên cơ sở phải tổ chức nghiên cứu liên ngành, để nghiên cứu một cách có hiệu quả hơn nữa. Và phải thường xuyên cập nhật vì sự nghiên cứu càng ngày sẽ càng thay đổi, nếu nhận thức chỉ dừng lại ngày hôm nay đến một lúc nào đó nó sẽ trở nên lỗi thời!”
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất