Đạo diễn Việt Tú: Việt Nam chưa có công nghiệp kiến trúc nhà hát

09/12/2014 14:33 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ VH,TT&DL đã đưa ra đề án quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012-2020, với tổng số tiền hơn 10.000 tỷ đồng. Trong số này, có 71 nhà hát trên cả nước cần được nâng cấp và xây mới. Thể thao & Văn hóa Cuối tuần có cuộc trao đổi với Đạo diễn Việt Tú về vấn đề này.

* Tư nhân bỏ vốn để xây dựng những trung tâm biểu diễn (ví dụ như GEM Center) là một điều đáng mừng. Tuy vậy, theo anh, những sân khấu biểu diễn nên đứng độc lập hay vẫn có thể nằm trong những trung tâm giải trí, mua sắm?

- Trên thực tế, mô hình trung tâm tổ chức biểu diễn và sự kiện đa chức năng nằm trong những tổ hợp lớn như trung tâm giải trí, mua sắm, hay casino, resort hoặc các tòa nhà lớn không phải là điều gì quá mới mẻ trên thế giới. Ví dụ như Madison Square Garden ở New York, hay MGM Grand Arena tại MGM Casino & Resort ở Las Vegas và rất nhiều nơi khác trên thế giới. Việc nên hay không nên không phải yếu tố bắt buộc ở đây, câu chuyện là nhà đầu tư tính toán như thế nào với tổ hợp đó để các hoạt động diễn ra có hiệu quả và tạo hiệu ứng tương tác cho môi trường đầu tư và kinh doanh mà thôi.

* Vậy với con mắt của anh, những sân khấu biểu diễn của tư nhân hiện nay, về tiêu chuẩn thì đã đạt yêu cầu chưa?

- Theo tôi là chưa. Lý do việc đầu tư các không gian - tạm gọi là tổ chức sự kiện biểu diễn đa chức năng - đa phần đang được xây dựng tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của việc cho thuê không gian tổ chức tiệc cưới, hoặc hội nghị khách hàng chứ chưa hề có tham vấn, cũng như tư vấn kiến trúc, công năng sử dụng của dân chuyên nghiệp, chính vì vậy nhiều thứ vẫn chưa được đồng bộ và hiệu quả.


Đạo diễn Việt Tú tại Nhà hát Lion King nổi tiếng

Ví dụ đợt vừa rồi chúng tôi thực hiện Hồ Ngọc Hà Live Concert tại GEM Center, tôi thấy rất tiếc cho nhà đầu tư vì có thể nói đây là một trung tâm tổ chức sự kiện được đầu tư lớn và bài bản nhất ở thời điểm hiện tại của tư nhân, nhưng với một hệ trần tương đối thấp cho các hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp (7,3 mét trong khi tiêu chuẩn phải là từ 12 - 14 mét). Ở đây hoàn toàn không có các hệ thống kỹ thuật hỗ trợ cho việc biểu diễn, dẫn đến thời gian chiếm dụng không gian biểu diễn nhiều (dẫn đến giá thuê sẽ bị cao), khó tiết kiệm thời gian công sức cho việc lắp đặt.

* Anh đã đi xem rất nhiều chương trình ca nhạc, thời trang ở những trung tâm lớn trên thế giới, điều gì mình có thể rút tỉa được?

- Trên thế giới, bản thân ngành công nghiệp kiến trúc nhà hát đã là một nhánh riêng biệt, đòi hỏi những kỹ năng riêng của người thiết kế, ở Việt Nam hiện tại chưa có dịch vụ này. Những nhà hát tương đối chuẩn là do ta thừa hưởng từ việc nước ngoài tài trợ xây dựng như Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa Hữu nghị, Nhà hát Hòa Bình...

Tôi từng đến Madison Square Garden tại New York, không gian đó đồng thời là nhà hát và nhà thi đấu. Khi tổ chức thi đấu thể thao, họ bật hệ thống tạo âm thanh vang dội khuếch đại lên, còn khi nào tổ chức các sự kiện ca nhạc lớn, họ ngắt hệ thống này đi, ngay lập tức môi trường âm thanh được đưa về chuẩn. Chưa kể toàn bộ phía trên trần của nhà thi đấu này là một hệ thống hỗ trợ kỹ thuật khổng lồ được tự động hóa với các bản vẽ kỹ thuật chi tiết đến từng con ốc để cung cấp cho các đơn vị có nhu cầu thuê địa điểm. Họ có thể hạ cả hệ thống này xuống trong tích tắc bằng hệ thống tời máy tiên tiến, chưa kể bạn có thể đặt sân khấu tại bất kỳ điểm nào (đầu, giữa, cuối) vì toàn bộ hệ thống này có thể di chuyển trên những thanh ray chạy dọc suốt chiều dài khán phòng. Chính vì vậy, rất nhiều sự kiện thể thao hay nghệ thuật huyền thoại đều đã từng được tổ chức tại nơi này. Hằng ngày khi không hoạt động, họ lại biến nơi đây thành một địa điểm tham quan cho khách du lịch, nói chung rất hợp lý và hiệu quả.

Nguyên Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link