Đi chợ tại Kuala Lumpur - Một thú vui

29/04/2012 09:00 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH Cuối tuần) - Một trong những việc tôi thích làm nhất là đi chợ sáng Chủ nhật tại Kuala Lumpur. Nói là công việc nhưng thực ra đó là một thú vui.

>> Chuyên đề: Du lịch khắp thế giới

Chow Kit, Pudu hay Imbi, cả ba chợ đều là chợ trời, tuy có mái. Chợ Chow Kit, Pudu có rất nhiều loại rau, hoa trái và thịt tươi. Còn chợ Imbi nhỏ hơn, nhưng có rất nhiều quầy ăn uống ngoạn mục.

Bạn cứ ngồi xuống bất cứ chỗ nào nơi chợ, sẽ có người phục vụ tới ngay, mời bạn ăn những món nước đặc trưng như món laksa (là một loại bún riêu), prawn mì (một loại mì hủ tíu tôm với rau muống), pan mì (cọng mì rất to và dày), hay bak ku teh (một loại cơm súp chỉ có bên Mã Lai mới có, nấu với thuốc bắc, thịt heo và phá lấu). Còn hủ tíu thường hoặc mì hoành thánh thì, ôi, thiếu giống!

Chợ, một hình ảnh truyền thống của đô thị đang bị thay thế dần bởi các siêu thị

Nếu bạn không thích món nước thì có mì khô, cơm phá lấu, vịt quay đỏ, thịt heo quay, cơm gà Hải Nam, hoặc carrot cake (là một loại bánh nóng), cuối cùng nếu bạn vẫn do dự thì có mì xào giòn, bánh cuốn hoa, hoặc pò pía.

Cái thú ngày Chủ nhật tại Kuala Lumpur thì khác hẳn ở Việt Nam.

Thứ nhất, bạn không phải vội vã. Tôi thích nhất sáng Chủ nhật ở đây, vì không có xe, đường vắng, mát, không khí trong lành, yên tĩnh. Đậu xe chung quanh chợ, không phải kiếm chỗ. Bãi đậu luôn luôn rộng rãi, giống như Sài Gòn cách đây 15 năm. Thế là bạn cứ lững thững mà đi, đi đến đâu hay đến đó, chẳng phải ưu tư suy nghĩ, tranh thủ. Đủng đỉnh, Từ tốn. Lừ khừ ẫm ờ cũng chẳng chết ai.

Bạn ngồi xuống, sẽ có người mời cà phê hay trà tàu ngay. Thế rồi sau một ngụm dài bạn mới có cảm giác đói. Tôi thường hay thích tấn công bằng bát mì to. “Anh đừng cho bột ngọt nhé!” tôi nói vậy với người đứng quầy mì. Ông này biết tính tôi: “Em nấu ít bột ngọt lắm, nhưng riêng cho anh, anh chịu nhạt tí, em cam đoan không có pha chế gì hết”. Một trong những cái tôi thích nhất ở đây là người bán thật chân thật. Vốn miệng tôi tinh lắm, hễ có bột ngọt tôi biết ngay. Lại nhớ hôm nọ ở Sài Gòn chỉ xin bớt ít bột ngọt thôi mà bà bán phở lườm tôi, không một lời cứ thế cho tôi ăn món của bà pha chế. Tôi đoán trong ánh mắt bà muốn nói: “Món nước không có bột ngọt, giờ đây tại nước VN này làm sao tìm ra nữa? ăn thì phải có, có thì phải ăn, có thế thôi…”. Thú thật tôi sợ nhất món bún bò Huế ở Sài Gòn, có người bạn nói với tôi: “Tiệm nào gu cũng giống hệt nhau, cùng một thứ bột hết…”.

Ăn sáng xong rồi, cái thú mới thực sự bắt đầu. Hành lang chợ là chỗ của các sạp trái cây, măng cụt xếp như núi còn núi chuối thì treo lủng lẳng. Ở đây có một hàng quen của tôi. Còn nhớ lần đầu mua chỗ này anh bán hàng tặng tôi thêm một ký măng cụt vì trông thấy tôi lưỡng lự. Anh bảo: “Ông là khách hàng mới, ông mang về sẽ thấy măng cụt rất ngọt, không trái nào hỏng cả. Mỗi trái hỏng tôi tặng lại ông một ký để đền ơn khách. Rồi ông sẽ trở thành khách quen. Hàng của tôi, toàn hàng tươi mới hái”.

Quả thực anh bạn này đã trở thành một người bạn sau lần bán hàng có khuyến mãi hào phóng đó. Lâu lâu không gặp lại nhớ. Từ ngày hôm anh ấy tặng tôi thêm một ký măng cụt không bao giờ tôi tìm đi nơi khác, mà cũng không bao giờ trái cây tôi mua bị hớ hoặc hỏng. Không bao giờ cân thiếu. Không bao giờ bị quả chua. Chẳng bù với bà béo mập ngồi ngoài bờ chợ Tân Định, quận 1, lúc nào mua cũng bị 3 quả thối. Có giám sát bà ấy chặt chẽ cũng thế thôi. 3 quả thối là 3 quả thối, lần nào cũng rứa!

Hỏi rằng nếu họ không nói thách thì làm sao họ sống. Nghĩ vậy là quên mất rằng, nếu không ai nói thách thì đời sống tất nhiên sẽ rẻ và dễ sống, ai ai đi chợ cũng thấy bõ đồng tiền bát gạo, thêm vào đó lại cảm nhận được cái hạnh phúc gặp lại những người bạn đơn giản, thật thà, bình dị nếu không nói là quê mùa chất phác đứng bán hàng.

Trông họ đó, bạn đoán được ai hạnh phúc hơn ai, người bán hay người mua!?

Bạn ạ, tôi thích đi chợ sớm ngày Chủ nhật tại Kuala Lumpur lắm. Lắm lắm luôn!

GS Phan Văn Trường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link