09/04/2012 11:04 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Những ngày này, hệ thống di tích Cố đô Huế, từ lăng tẩm, đền đài càng lộng lẫy và quyến rũ du khách, mà Ngọ Môn xứng đáng là tiêu điểm.
Anh bạn phóng viên ảnh đi cùng tôi trong đêm khai mạc còn nói "vống" lên, có lẽ Ngọ Môn là biểu tượng điển hình nhất của Huế. Cũng đúng thôi, khi một chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật, hoặc chụp một tấm hình lưu niệm cho khách du lịch, nếu đem đặt vào sân khấu Ngọ Môn thì ấn tượng của nó còn tăng lên gấp bội phần.
Để lưu giữ những ấn tượng đẹp về hệ thống di tích Cố đô Huế nói chung, trong đó tiêu biểu là Ngọ Môn, trước hết phải cám ơn những người thợ trùng tu ở Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.
Một lầu vàng, tám lầu xanh, ba cửa thẳng, hai cửa quanh.
Để có mái lợp cho hệ thống lầu vàng, lầu xanh trong câu thơ mô tả cửa Ngọ Môn, bí quyết chính là sự phục chế, sản xuất được các tấm lợp Thanh lưu ly (xanh) và Hoàng lưu ly (vàng). Nghe thì đơn giản vậy thôi, chứ ngày ấy, việc tập hợp đội ngũ thợ lành nghề từ trong nam ra ngoài bắc cũng lắm công phu, rồi việc dựng lò để nung đốt phải "trầy trật" lắm mới thành công. Chính nhờ có những Thanh lưu ly và Hoàng lưu ly được kịp thời sản xuất mà Ngọ Môn, Điện Thái Hoà, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, lăng Tự Đức, Minh Mạng... được trùng tu, vẻ rạng rỡ của non sông xưa như tìm thấy lại.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định: "Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện đang phấn đấu là đơn vị hàng đầu cả nước về trùng tu di tích và bảo tồn di sản văn hoá".
Năm 2012, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tập trung lập các dự án để triển khai thực hiện như hệ thống kinh thành, Điện Cần Chánh, Điện Kiến Trung, Đại Cung Môn, Ngọ Môn, Đông Khuyết Đài, Thái Miếu, Lầu Tàng Thơ, Phủ nội vụ, Lăng Thiên Thọ (giai đoạn 3), Hổ Quyền - Voi Ré, Lục Bộ, Tả Trà, Văn Thánh - Võ Thánh... Trung tâm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, thông tin tư liệu, nghiên cứu các giá trị văn hóa phi vật thể, hợp tác đối ngoại, bảo tàng, trưng bày triển lãm...để phát huy giá trị hệ thống di tích Cố đô Huế; cũng như công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh di sản Huế để thu hút du khách. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tiến hành lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản "Ký ức cho các công trình định dạng văn tự trên di tích"...Trung tâm phấn đấu đạt doanh thu từ các hoạt động bán vé tham quan và dịch vụ 100 tỷ đồng.
Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tập trung thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích với việc áp dụng kỹ thuật truyền thống kết hợp với những giải pháp công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cho các công trình. Trong giai đoạn từ 2006 đến nay, Trung tâm đã tiến hành tu bổ nhiều công trình trọng điểm có giá trị văn hoá, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc tiêu biểu và có quy mô lớn với tổng kinh phí từ các nguồn trong nước và tài trợ quốc tế trên 202 tỉ đồng. Điển hình là công trình hệ thống Trường Lang, tổng thể Lăng Đồng Khánh, Lăng Gia Long, Lăng Thiệu Trị, Cung Trường Sanh, nội thất Cung An Định, Hiển Đức Môn, Lầu Tứ Phương Vô Sự, 10 cổng ra vào Kinh thành Huế, Điện Long An... Bên cạnh các tài sản văn hoá vật thể, công tác gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể cũng từng bước được trung tâm khẳng định năng lực. Kể từ khi Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế được thành lập cho đến nay đã có gần 100 diễn viên, nhạc công đã qua đào tạo chuyên ngành; có đội ngũ cán bộ, chuyên viên am hiểu nghệ thuật; có sự cộng tác của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ có uy tín và giàu kinh nghiệm. Nhiều năm qua, nhà hát đã sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn trên dưới 40 bài nhạc lễ; xây dựng nhiều điệu múa cung đình đặc sắc và tham gia nhiều Festival, liên hoan nghệ thuật trong và ngoài nước được dư luận đánh giá cao. Trung tâm từng bước khẳng định vị thế của mình, là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước về lĩnh vực bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp di tích.
Riêng năm 2011, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã thực hiện trùng tu di tích đạt giá trị 59,016 tỷ đồng, đạt 103,35% chỉ tiêu kế hoạch. Nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đón khách than quan như Lăng Thiên Thọ (giai đoạn 2), lăng Thiệu Trị, Điện Long An, hệ thống chống sét các công trình di tích Huế, Pháp lam Linh tinh môn, Xiển Võ từ, Nhà Tế Tửu, âm thanh ánh sáng nhà hát Duyệt Thị Đường. Đồng thời, công tác thiết kế, lập dự án các công trình di tích được chú trọng. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã phân tích, nghiên cứu các thư tịch, tư liệu, tài liệu ảnh đối chiếu với quá trình khảo sát, đo vẽ để đề xuất các giải pháp tu bổ thích hợp. Nhờ vậy, năm qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đón được gần 2 triệu lượt khách tham quan, trong đó có 883.218 lượt khách quốc tế với tổng doanh thu trên 88 tỷ đồng.
Quốc Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất