Giải Man Booker 2016: 'Bật mí' về 6 cuốn sách vào chung khảo

25/10/2016 07:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sát thời điểm Man Booker 2016, giải văn học hàng đầu của Anh, được công bố, các tác giả có tác phẩm lọt vào chung khảo đã cùng tiết lộ về cảm hứng để viết nên những cuốn sách của mình.

Họ là Madeleine Thien (Canada), David Szalay (Canada – Anh), Deborah Levy (Anh), Paul Beatty (Mỹ), Ottessa Moshfegh (Mỹ) và Graeme Macrae Burnet (Anh). Sau đây là những bật mí của họ về cuốn sách của chính mình:


Các cuốn sách lọt vào danh sách chung khảo giải Man Booker năm 2016

Madeleine Thien: Do Not Say We Have Nothing được bắt đầu với câu chuyện của người mẹ và con gái ở Vancouver (Canada), nơi tôi lớn lên. Từ đây câu chuyện được vươn tới một thế giới tưởng tượng đan xen lịch sử.

Tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết về những hoàn cảnh đằng sau cuộc cách mạng chính trị thuộc thập kỷ trước. Khi viết, tâm trí tôi vang lên giai điệu Goldberg Variations của Bach. Nó kích thích và cộng sự sáng tạo nghệ thuật trong tôi.

Đây là cuốn truyện thứ 4 nhưng là cuốn đầu tiên mà tôi viết về những nỗi sợ hãi và tự do, với những lý do mà có lẽ chính tôi sẽ không bao giờ biết hết.


Madeleine Thien

David Szalay: Như mọi khi, tôi nảy sinh ý tưởng viết tiểu thuyết All That Man Is một cách tình cờ. Mùa Thu năm 2012, tôi đã viết câu chuyện dày 30 trang cho tạp chí Granta.

Câu chuyện này mang tên Europa, kể về một gái điếm Hungary và những người giám sát là nam giới của cô, một trong số đó là bạn trai của cô. Họ tới London 1 tuần để kiếm tiền.


David Szalay

Thời điểm đó, tôi đã chán viết tiểu thuyết. Và câu chuyện đơn giản hơi mang chút khép kín này là cách để tôi tìm lại cảm hứng viết tiểu thuyết. Với cách này, tôi đã thành công. Mùa Xuân năm 2013, tôi đã có cảm hứng viết lách hơn. Đặc biệt hơn, tôi đã có ý tưởng cho một cuốn sách gồm những câu chuyện đan kết với nhau. Một cuốn truyện như vậy cần phải có cấu trúc thống nhất. Và từ khởi nguồn là Europa, All That Man Is ra đời.

Deborah Levy: Tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết về chứng bệnh tưởng. Đây là một đề tài lớn và khó. Tôi không biết mình sẽ bắt đầu thế nào song tôi biết cuốn truyện này sẽ có tựa đề là Hot Milk.

Cuốn truyện kể một người mẹ và con gái thực hiện một cuộc hành hương nhằm tìm kiếm phương thuốc chữa một căn bệnh bí ẩn. Câu chuyện được đặt trong một bối cảnh hỗn loạn về ý thức hệ và mong manh ở châu Âu, tại một làng chài ở vùng sa mạc thuộc miền Nam Tây Ban Nha, nơi tôi biết rất rõ...


Deborah Levy

Trên nền địa hình này, tôi viết câu chuyện một người phụ nữ trẻ ngoài 20 tuổi, người thấy hổ thẹn với cuộc sống gò bó và tuyệt vọng của mình. Cô là người chăm sóc chính của mẹ - người đã dùng những nỗi đau đớn của bản thân làm vũ khí để kiểm soát và giữ con gái ở bên mình. Hot Milk là câu chuyện đề cập đến thế giới đương đại trong mối quan hệ giữa mẹ và con gái.

Paul Beatty: Thật khó có thể nói câu chuyện của The Sellout bắt nguồn từ đâu. Về mặt nào đó, tôi muốn có một nỗ lực để tái tạo sự ấm áp đầy mê lực của phương trời Santa Ana, những ngày nhẹ nhàng lướt sóng không có ván lướt tại biển Santa Monica, niềm vui khi đuổi theo những chú chó quanh hàng cây chanh...

Tuy nhiên, câu chuyện trong cuốn The Sellout lại là một nỗ lực bất thành nhằm xoa dịu những mâu thuẫn của tầng lớp lao động và người da màu trong cộng đồng, chủ yếu là người da trắng ở Westside Los Angeles và lớn hơn nữa là ở nước Mỹ.


Paul Beatty

Sách kể về những lần đụng độ với cảnh sát của người dân lao động và người da màu, những chú chó bị lạc nhà, những vụ đánh đập, nỗi sợ hãi và tình trạng tự vẫn. Nước Mỹ vẫn đang tồn tại một cuộc chiến rõ ràng là phù phiếm và bất công.

Ottessa Moshfegh:Eileen là tiểu thuyết đầu tay của tôi. Tôi muốn thu hút được lượng đông độc giả thuộc mọi đối tượng

Trong vòng vài tuần sau khi chuyển tới Los Angeles hồi mùa Thu năm 2011, tôi gặp một nhà làm phim trẻ khi anh đang quay một bộ phim tài liệu về những đứa trẻ tuổi vị thành niên phải chịu án chung thân. Một câu chuyện mà nhà làm phim này kể cho tôi nghe cứ ám ảnh trong tâm trí tôi mãi.

Chuyện kể về một cậu bé đã bị người cha của mình lạm dụng tình dục trong suốt nhiều năm và mẹ cậu lại đồng lõa với hành động của chồng. Hậu quả là cậu bé đã giết chết cha mình và phải sống phần đời còn lại trong tù.


Ottessa Moshfegh

Một năm sau, khi tôi muốn viết tiểu thuyết, câu chuyện này lại ập về và tôi tự hỏi: tại sao chúng ta lại làm tổn thương những người mà mình yêu quý? Liệu chúng ta có thể trốn thoát được danh phận mà mình được sinh ra? Tự do có nghĩa là gì?

Graeme Macrae Burnet: Vào ngày 3/6/1835, một người nông dân Pháp tên là Pierre Riviere đã giết chết mẹ và anh chị em mình. Riviere coi hành động này là một sự giải cứu cha mình thoát khỏi sự độc tài của mẹ. Tuy nhiên, sau hành động đầy bạo lực đó Riviere đã viết một bản tường trình kể lại chi tiết những việc anh ta đã làm.


Graeme Macrae Burnet

Câu chuyện này đã mê hoặc tôi và là nguồn cảm hứng để tôi hình thành ý tưởng viết cuốn tiểu thuyết His Bloody Project. Qua quá trình nghiên cứu về câu chuyện này, tôi hiểu được khái niệm tâm lý tội phạm trong thế kỷ 19, “mắc chứng điên nhưng không mất trí.

Nhân vật chính trong câu chuyện của tôi, Roddy Macrae (17 tuổi), là một chủ trang trại nhỏ, đã giết chết ba người trong ngôi làng nhỏ Culduie của mình hồi năm 1869.

Vài nét về giải Man Booker

Ra đời năm 1968, Man Booker là một giải thưởng văn học được trao hàng năm cho một tiểu thuyết được viết bằng tiếng Anh và có tác giả là công dân quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh hay  Cộng hòa Ireland.

Giải Man Booker 2016 sẽ được công bố vào tối 25/10 tại London, tức rạng ngày 26/10 giờ Việt Nam. Tác giả đoạt giải sẽ được nhận số tiền thưởng 50.000 bảng.

Việt Lâm (theo Guardian) 
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link