Gian lận của ‘Diệp Vấn 3’: Bóng đen bao phủ thị trường điện ảnh Trung Quốc

28/03/2016 19:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ gian lận doanh thu phòng vé của bộ phim võ thuật ăn khách Diệp Vấn 3 (Ip Man 3) đã giúp công chúng thấy được cơn đau đang làm nhức nhối thị trường điện ảnh Trung Quốc, được xem là thị trường lớn thứ 2 thế giới.

Theo tuyên bố của Cục Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh & Truyền hình Trung Quốc, mới đây công ty phát hành phim Diệp Vấn 3 thừa nhận đã “làm nống” doanh thu phòng vé phim. Giới chức đã tiến hành điều tra sau khi khán giả và người quan sát trong nền điện ảnh Trung Quốc đặt dấu hỏi về doanh thu phim sau khi thông tin rằng phim đã thu về được hơn 500 triệu NDT (76,7 triệu USD) chỉ sau 4 ngày ra mắt.

Vụ việc này đã gây nên làn sóng chỉ trích về việc “thao túng” doanh thu phòng vé cũng như những lo lắng về tương lai của nền điện ảnh đang khởi sắc ở đất nước tỷ dân.

Theo thống kê, các rạp chiếu Trung Quốc đã thu về được mức kỷ lục, 6,87 tỷ NDT (khoảng 1,05 tỷ USD) từ lượng vé bán ra trong tháng 2. Như vậy, lần đầu tiên doanh thu phòng vé ở Trung Quốc đã vượt thị trường Bắc Mỹ.


Ngôi sao võ thuật Chân Tử Đan trong phim "Diệp Vấn 3"

Tuy nhiên, vụ gian lận doanh thu của Diệp Vấn 3 đã là một đòn giáng mạnh vào nền điện ảnh cũng như khán giả xem phim Trung Quốc.

“Diệp Vấn 3 là một bộ phim hay và thực sự đáng bỏ tiền mua vé xem” – một cư dân mạng có tên là "Liangliangliang" viết trên trang Sina Weibo sau khi đọc bài viết về vụ gian lận phim. “Thật buồn khi biết về vụ gian lận này”.

Các nhà quan sát còn lo lắng về tình trạng các công ty phát hành đã tự mua vé xem phim nhằm “đánh cắp” doanh thu của các bộ phim khác.

Shi Chuan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Thượng Hải, nói: “Nếu tình trạng gian lận này không thể kiểm soát được thì nạn nhân cuối cùng sẽ là chất lượng và uy tín của các bộ phim”.

Quan điểm của ông Shi nhận được sự đồng tình của Li Ruigang, Chủ tịch Tập đoàn Văn hóa Trung Quốc, một tập đoàn đầu tư văn hóa lớn ở Trung Quốc.  “Bạn có thể có được những con số lớn bằng những biện pháp về tiền bạc, song sản xuất phim mới là yếu tố thực sự quan trọng. Bạn không thể hy sinh chất lượng phim” – Li khẳng định.

Nhiều nhà quan sát cho rằng những rắc rối trong thị trường điện ảnh là không thể tránh nổi do nền công nghiệp này còn đang trong thời kỳ sơ khai. Tuy nhiên, Zhang Hongsen, Cục trưởng Cục Điện ảnh Trung Quốc, nhấn mạnh, nền điện ảnh Trung Quốc đang bị hãm hại khi các vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn.

Thiếu sự giám sát và các quy định được cho là những lý do dẫn đến tình trạng gian lận trong thị trường điện ảnh.

“Luật phát chưa quy định rõ những gì là bất hợp pháp về doanh thu phòng vé, mặc dù thị trường điện ảnh đang bùng nổ và điều đó khiến cho việc quản lý khó khăn hơn” – Shi nhận định.

Trong khi đó, Wang Jun, Phó Giám đốc Công ty Luật Yingke, chỉ ra rằng càng có nhiều sự tương tác khác nhau giữa các nhà phát hành và nhà làm phim càng tăng thêm khó khăn cho việc quản lý về doanh thu phòng vé.

“Cho dù sự quản lý của Chính phủ có thể theo kịp được với sự phát triển của các nhà phát hành thì cũng nên có những hành động mạnh mẽ hơn nhằm chống lại việc gian lận, chứ không chỉ có hình thức răn đe” – Wang nói.

Tựu trung, nhằm hướng tới một tương lai thịnh vượng của nền điện ảnh, Chính phủ Trung Quốc đang đưa ra nhiều biện pháp. Cụ thể, hồi đầu năm nước này đã thực hiện chiến dịch điều chỉnh trật tự trong thị trường điện ảnh và áp dụng một loạt biện pháp nhằm chống lại tình trạng gian lận doanh thu phòng vé và vi phạm bản quyền.

Hay từ năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã thẳng tay trừng trị các hành động gian lận của các công ty phát hành, như giám sát việc mua vé xem phim số lượng lớn.

Tuấn Vĩ
Theo Tân Hoa Xã

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link