(Thethaovanhoa.vn) - Sau 12 năm chờ đợi, cuối cùng thì những cái tên đầu tiên trong danh sách Nghệ nhân Ưu tú cũng đã chính thức được công bố tại Hà Nội, sáng 19/11.
Trước đó,ngày 18/11, Vụ thi đua khen thưởng, Bộ VH,TT&DL đã nhận quyết định số 2533 của Chủ tịch nước về việc phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cấp Nhà nước cho 617 cá nhân, (trong đó 17 cá nhân được truy tặng)
Nằm trong danh sách này, 39 Nghệ nhân Ưu tú của Hà Nội đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực Di sản Văn hóa Phi vật thể khác nhau như ca trù, hát chầu văn, hát trống quân, ẩm thự, làm diều sáo, nặn tò he, chơi nhạc… và được xét tặng theo ba nhóm chính: nghề thủ công truyền thống, nắm giữ tri thức dân gian, và sở hữu nghệ thuật trình diễn dân gian.
Một số Nghệ nhân Ưu tú trong lễ trao tặng danh hiệu
Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú được Sở VH, TT thành phố tổ chức vào sáng 19/11 tại Bảo tàng Hà Nội, nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam Một số hoạt động phụ trợ chào mừng ngày Di sản cũng được tổ chức như triển lãm chuyên đề “Đình làng xứ Đoài”, triển lãm làng nghề Hà Nội, triển lãm các tác phẩm tham dự cuộc thi ảnh di sản VN 2015…. “Bảo vệ văn hóa phi vật thể không thể tách rời việc bảo vệ con người, tức là bảo vệ nghệ nhân, các chủ thể sáng tạo của di sản” – ông Tô Văn Động, giám đốc Sở VH&TT Hà Nội nhận xét trong lễ trao tặng danh hiệu.
Đáng chú ý, trong danh sách được phong tặng lần này, nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hồng (Năm Hồng) đã qua đời vào tháng 2 vừa qua. Thay cha tới nhận danh hiệu, ông Vũ Kim Điệp nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi không biết nói gì nữa. Vậy là hơn 90 năm gắn bó với cây đàn đáy của cha đã được ghi nhận. Từ nay, tấm bằng danh hiệu này sẽ vĩnh viễn được tôi đặt cạnh di ảnh của cha mình”.
Việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đã được các ngành chức năng tính tới từ năm 2003, tuy nhiên gặp quá nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình nghiên cứu triển khai. Thậm chí, dù phấn khởi trước việc xây dựng danh sách 617 hồ sơ xét tặng lần này, một số nhà nghiên cứu vẫn tỏ ra tiếc nuối với việc chưa trường hợp nào được công nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Theo phân tích chung, các văn bản, nghị định hiện có hơi cứng nhắc khi yêu cầu các nghệ nhân phải sở hữu danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trước khi được xét tặng ở cấp “Nhân dân” trong thời gian tiếp sau.
Sơn Tùng