30/01/2015 08:01 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nghi lễ chém lợn ở lễ hội thôn Ném Thượng (Bắc Ninh) không “vừa lòng” du khách và một bộ phận dư luận. Song phong tục tập quán gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của địa phương cần được giải quyết bằng cách tiếp cận bình tâm chứ không thể can thiệp bằng văn bản hành chính như lời kêu gọi của Animals Asia.
Đó là quan điểm của Cục Di sản cũng như Bộ VH,TT&DL và giới học giả sau chuyên đề “Tranh cãi lễ hội chém lợn” đăng trên báo Thể thao&Văn hóa hôm qua (29/1)
Ông Phan Đình Tân, Người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL cho biết: Cá nhân tôi cho rằng tập tục chém lợn có phần tàn bạo, man rợ và nên chấm dứt. Giờ ta cần hòa nhập với văn minh loài người thay vì khư khư ôm nghi lễ xưa cũ. Song, đó chỉ là mong muốn của cá nhân tôi. Cho đến lúc này, Bộ vẫn chưa có quan điểm về việc cấm lễ hội cũng như nghi lễ chém lợn. Bộ chỉ khẳng định là Bộ không cổ súy cho nghi lễ này.
Theo ông Tân, việc tiếp cận vấn đề liên quan tới phong tục tập quán cần rất thận trọng. Trước tiên và trên hết là cần tổ chức nghiên cứu kỹ lễ hội cũng như những ảnh hưởng tâm lý (nếu có) tới con người. Và việc chấm dứt hay linh hoạt sửa đổi phần nào nghi lễ cho phù hợp với cộng đồng quốc tế là do cộng đồng làng Ném Thượng quyết định. Bộ chỉ khuyến cáo nếu cần chứ tuyệt nhiên không vội vã cấm đoán.
Còn ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng cụ Di sản cho hay: Bản chất vấn đề cần soi tỏ dưới ánh sáng khoa học. Nếu các nhà nghiên cứu chứng minh được cái hay, cái đẹp của lễ hội thì phải để lễ hội duy trì trong lòng cộng đồng như nó vốn có. Bằng không, lễ hội sẽ tự điều chỉnh phần nào để thích nghi với cộng đồng lớn. Nhưng với lễ hội mang tính chất phong tục tập quán cũng như tính chất lâu đời thì không thể can thiệp bằng văn bản hành chính.
Cũng theo ông Hùng, nếu cứ lễ hội nào động chạm tới động vật là các cơ quan quản lý phải cấm theo lời kêu gọi của các tổ chức động vật cũng không ổn. Và ý kiến của các tổ chức động vật chỉ mang tính chất tham khảo.
Trao đổi với Thể thao&Văn hóa, TS Nguyễn Văn Vịnh phân tích kỹ hơn: Tổ chức Animals Asia đã sai khi lấy chuẩn văn hóa này áp đặt vào văn hóa khác. Đó là lệch chuẩn văn hóa, sai phương pháp luận. Văn hóa tự điều chỉnh và tự cộng đồng thực hành văn hóa điều chỉnh chứ không thể gây áp lực và tác động thô bạo. Có thể sau này, nghi lễ tâm linh vẫn không đổi, nhưng nó sẽ được thực hiện kín đáo hơn hoặc chỉ tổ chức mang tính biểu trưng. Song tất cả mọi sự thay đổi đều phải dựa trên quyền tự quyết của người dân Ném Thượng.
Dư luận trái chiều quanh nghi thức chém lợn |
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất