Mổ xẻ “Trốn nợ” của Ma Văn Kháng

21/08/2008 08:25 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Trốn nợ - tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Ma Văn Kháng (NXB Phụ nữ 2008) là chủ đề cuộc hội thảo vừa diễn ra tại trụ sở Hội nhà văn Việt Nam. Cuộc hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động của lớp bồi dưỡng lý luận phê bình khoá 1 do Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du tổ chức.

 Nhà văn Ma Văn Kháng
1. 18 truyện ngắn của Ma Văn Kháng trong Trốn nợ đã mở ra các không gian sống đa dạng và rộng lớn, từ miền rừng núi đến phố thị bon chen, chật chội; từ miền sông nước đến cảnh đồng rừng hoang dã và hiểm trở.

Sự nổi tiếng của nhà văn Ma Văn Kháng – là điều không cần phải bàn cãi. Tới nay ông đã có hơn 20 chục đầu sách, bao gồm tiểu thuyết và truyện ngắn. Sự nổi tiếng đến với ông chính nhờ lao động nghệ thuật nghiêm túc, từ những tác phẩm của ông đã “đóng dấu” trong lòng bạn đọc như Đồng bạc trắng hoa xoè, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Trăng soi sân nhỏ,... Chính sự nổi tiếng ấy khiến cách cuốn sách của ông in ra đều dành được sự quan tâm của bạn đọc. Song đây cũng sẽ chính là một áp lực đối với nhà văn Ma Văn Kháng. Họ luôn muốn sẽ được đọc những tác phẩm gây bất ngờ hơn nữa, mới mẻ hơn nữa, hay hơn nữa của “thương hiệu” Ma Văn Kháng. Những sự chờ đợi, kì vọng của độc giả - trên thực tế , áp lực này đã khiến không ít nhà văn chấp nhận “rút lui” ở đỉnh cao. Sự kiên trì, quyết liệt với văn chương của nhà văn Ma Văn Kháng là một phẩm chất đáng nể trọng.

 Tác phẩm "Trốn nợ"
2. TS Nguyễn Thanh Tú nhận xét: đọc Trốn nợ, có thể thấy nhà văn Ma Văn Kháng không có ý định làm văn, viết văn. Dường như ông không hề dụng công gì trong cốt truyện, mà chỉ viết những điều mình biết, mình chiêm nghiệm. Tập truyện ngắn ngồn ngộn chi tiết. Chính những điều này đã góp phần tạo sự hấp dẫn cho cuốn sách cũng như khẳng định thương hiệu của nhà văn. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đình Phúc, một số truyện ngắn trong Trốn nợ còn thiếu sức nặng, do thiếu cốt truyện hấp dẫn và chi tiết truyện còn thiếu sự dồn nén.

Một đặc điểm nổi bật trong các truyện ngắn của Ma Văn Kháng là tính triết luận. Nhà văn hiện diện trong các tác phẩm của mình như một nhân vật “biết tuốt” và ưa triết lý. Tuy nhiên khá nhiều ý kiến cho rằng sự can dự của nhà văn vào tác phẩm theo cách này khiến cho tính thuyết phục của tác phẩm bị giảm sút. Nam Cao cũng là một nhà văn sử dụng nhiều lối triết luận trong các tác phẩm của mình, tuy nhiên tính triết luận được ông sử dụng ẩn vào nhân vật (quan điểm, cách tư duy…) vì vậy nó mang tính khách quan và dễ được chấp nhận hơn cách mà nhà văn Ma Văn Kháng áp dụng trong tập truyện ngắn Trốn nợ. Sự can thiệp của nhà văn khiến cho các nhân vật đều có giọng điệu triết lý na ná nhau và dễ nhận ra đó là giọng điệu của chính tác giả. Đọc các truyện ngắn trong tập có thể thấy tính luận đề đã lấn át hình tượng nhân vật.

Nhà văn Hà Trọng Bảo cho rằng Trốn nợ là một tập truyện ngắn đồng thời cũng là một tập tự luận về triết lý sống của nhà văn Ma Văn Kháng. Đọc Trốn nợ cho chúng ta một sự suy tư về cuộc sống nhiều hơn là cảm thụ văn học. Cái đẹp, cái hấp dẫn của những đoạn văn hay, cái chau chuốt, long lanh của từng trang viết bị cái triết lý chèn ép lấn át vì thế cảm thấy hơi nặng nề khi đọc sách. Dù sao Trốn nợ vẫn đạt được sự thành công, là một tập truyện ngắn hay.

Hồ Điệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link