06/07/2013 07:23 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Một triển lãm tác phẩm Vũ Bằng (3/6/1913 - 7/4/1984) kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn tài hoa này vừa ra mắt tại Nhã Nam thư quán (TP.HCM) với gần 40 đầu tài liệu gồm sách, báo, thủ bút bản thảo của ông. 100 năm là dịp để nhớ về Vũ Bằng…
1. Đông năm ấy, ních bao nhiêu áo vẫn thấy ớn lạnh sống lưng. Thế là có cớ tụ tập chống rét bằng cái ăn nóng dãy.Được đi công tác Sài Gòn bằng máy bay quân sự, hồi đó, lên xuống rặt ở một phi trường Gia Lâm, bên kia cầu Long Biên, đi lại không mấy cách rách. Ân tình ông Vũ Bằng truyền nghề Bốn mươi năm nói láo, bọn tôi khệ nệ mang một con cá quả rõ to, bỏ trong bịch ni lông đại, đổ đầy nước để vào trong ấy cá vẫn quẫy. May mắn thủ trưởng khích lệ: “Giỏi lắm, mang ẩm thực chống rét Hà Nội vào nơi nắng nóng Sài Gòn đãi khách văn đã đời”, nên cho trót lọt quy chế bay nghiêm ngặt nhà binh.
Nào ngờ món ăn đặc sắc Hà Nội ấy lại làm Vũ Bằng chạnh lòng. Với ông, có những kí ức phải chôn chặt, không để nó dội về: “Cứa êm thân xác… chân đùn bóng đêm” (Cung Trầm Tưởng). Nhưng ông vẫn tỉ mỉ chỉ bảo cách làm cháo ám đúng điệu như bà Quỳ thuở trước thường nấu cho cả nhà quây quần ngày gió bấc hun hút trong ngôi nhà hương hỏa ấm lòng phố cổ Hàng Gai.
Bìa truyện của Vũ Bằng trong triển lãm |
Chỉ cá quả thôi đấy, cá chuối, cá sộp… không sao ra được hương vị cháo ám. Nước sôi sùng sục mới bỏ nguyên con cá đã làm sạch sẽ và hong ráo nước vào luộc, cấm đậy vung. Sau vài chặp sôi nhè nhẹ, gắp cá ra, để nguội mới gỡ, không vỡ không nát. Hành củ luộc riêng để cháo không bị nhớt, khi nguội xếp thành khẩu, dùng đuôi cọng hành xanh biếc cột lại làm cái rế để củ bóc nõn gối lên. Khi ăn, sắp cá, hành trong chén, múc ngập tràn cháo nghi ngút khói, rưới chút nước mắm cà cuống, rắc tiêu đâu đấy mới từ tốn múc ăn nhẹ nhàng từng thìa sứ. Ăn cháo ám ở Sài Gòn vã mồ hôi hột, thấy người nhẹ nhõm hẳn, quá đã!
Bà Quỳ không chỉ hơn tuổi ông trai tân, con cái nhà túc Nho mà còn qua một lần đò. Với ông, bà Quỳ đâu đơn giản là chính thất mà: “Mình vừa là chị là em. Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời” (Hồ Dzếnh). Một, hai ông đinh ninh: “Xót mình đã lắm thương đau. Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình” (Hồ Dzếnh). Thế mà ông lại tót một mình vào Nam, hoạt động ngầm đơn tuyến. Ở Sài Gòn, ông lập phòng nhì làm bình phong. Nhưng trong lòng bao đớn đau, thương xót, ân hận để bà lẻ loi, đắng cay những tai tiếng kinh hồn mà héo úa, tàn tạ cho đến khi lìa trần.
2. Ông đã từng mắc hèm, nhưng chỉ một thân chịu trận. Bạn văn thân thiết hý lộng ông trong một truyện ngắn, sau đấy được đưa vào sách giáo khoa dạy lớp trẻ học hành.
Học trò bọn tôi hồi ấy rất khoái câu nói cửa miệng trong truyện ngắn, gán cho ông mỗi khi đọc truyện Tam quốc, hay bằng mấy lời thánh phán Mao Tôn Cương sau mỗi chương hồi Tam quốc diễn nghĩa: “Tiên sư anh Tào Tháo”! Lần này di cư vào Sài Gòn, vợ con bị liên lụy nỗi oan khiên tày đình. Sau này, ông mặc cảm không dám một lần về thăm mộ, thắp cho bà nén nhang, cam chịu mọi dè bỉu.
Vũ Bằng tên đầy đủ là Vũ Đăng Bằng (3/6/1913 - 7/4/1984) sinh tại Hà Nội, là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội, Miếng lạ miền Nam… cùng nhiều tiểu thuyết và bút ký báo chí. Sau năm 1954, ông vào Nam hoạt động tình báo bí mật, cho nên bị nhiều sự hiểu nhầm. Sau này, ông được “minh oan” và được truy tặng các Huân chương kháng chiến và Giải thưởng Nhà nước về VHNT. |
Vũ Bằng viết những điều bình dị về cái ăn là để nhớ day dứt người thương. Chẳng thế ông đề từ mở đầu Thương nhớ mười hai: “Bắt đầu viết cuốn sách này thì là nhớ. Viết đến câu chót bài “Tháng chín” thì là thương. Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn Nguyễn Thị Quỳ. Thành mến tặng Quỳ cuốn sách này để thay mấy lời ai điếu”.
Nỗi nhớ trần ai của Vũ Bằng thành văn chương trăm năm là vậy…
Lê Lành
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất