Phim về lính Mỹ tại Iraq gây tranh cãi

27/02/2010 10:16 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Không còn nhiều thời gian trước khi đêm hội Oscar năm nay diễn ra song The Hurt Locker, một ứng viên nặng ký cho giải Phim xuất sắc nhất, đang vấp phải những lời chê bai của người trong cuộc - thành viên các đội phá bom của quân đội Mỹ tại Iraq. Theo họ, bộ phim này đơn thuần chỉ là một sản phẩm giải trí của Hollywood bởi nó quá xa rời thực tế.

“Chúng tôi không phải là những tay cao bồi”

Rất nhiều nhà phê bình và cả những người bỏ phiếu cho các phim được đề cử Oscar đã lên tiếng ca ngợi The Hurt Locker, cho rằng phim này mô tả xác thực cuộc chiến của quân đội Mỹ ở Iraq. Họ thường trích những phân đoạn phá bom trong phim để làm bằng chứng cho sự “xác thực” này.

Tuy nhiên, trong khi The Hurt Locker hiện rất được kỳ vọng đoạt Oscar Phim xuất sắc nhất thì một số quân nhân Mỹ đang chiến đấu và cả các cựu binh đã lên tiếng phản đối.


Một cảnh trong phim The Hurt Locker
Theo họ, The Hurt Locker là một sản phẩm đậm màu sắc Hollywood khi mô tả binh lính như những kẻ thích nổi loạn, trong khi không đề cập được các chi tiết thực tế về tình hình chiến sự. Những phàn nàn chủ yếu xoay quanh việc phim phác nên hình ảnh Đội rà phá bom mìn (EOD) của quân đôi Mỹ không “giôn g đơi thưc ”. Trong phim, diễn viên Jeremy Renner thủ vai hạ sĩ William James. Không tuân theo các nguyên tắc trong công việc đầy rủi ro này, coi nhẹ sự an toàn của bản thân, James hiện lên như một kẻ “nghiện” phá bom, người thường xuyên khiến EOD của mình rơi vào tình trạng nguy hiểm. Có lúc trong phim, khi tiến hành phá bom trên đường phố Baghdad, anh còn cởi bỏ bộ quần áo bảo vệ nặng mấy chục cân để dễ hoạt động và một mình vô hiệu hóa quả bom. Chính những điểm này đã khiến “giới trong nghề” không thích.

Thành viên các EOD đang hoạt động ở Nam Iraq nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới do quân đội Mỹ tổ chức rằng, The Hurt Locker là bộ phim hành động hay nếu bạn chẳng hiểu biết gì về việc rà phá bom cũng như cuộc sống của các binh sĩ. Thượng sĩ Eric Gordon, một kỹ thuật viên EOD của Mỹ đang phục vụ tại Iraq, tâm sự anh đã xem phim này vài lần cùng bạn bè. “Tôi thích xem các phim loại này với những thành viên khác trong EOD để có thể cười thoải mái” - Gordon nói. Anh chế giễu cảnh vô hiệu quả bom bằng một thiết bị cắt dây: “Chuyện này giống như việc yêu cầu người lính cứu hỏa tiến vào tòa nhà đang bốc cháy rừng rực với độc nhất một chiếc bình xịt nước tưới cây vậy”.

Một thành viên EOD khác đang hoạt động ở tỉnh Maysan, Iraq, hạ sĩ Jeremy D. Phillips, cho biết anh thích phim ở chỗ nó nói đúng mối quan tâm lớn nhất của một người lãnh đạo đội phá bom là đưa bản thân và những người dưới quyền về nhà an toàn. Tuy nhiên, anh không thích cách phim mô tả đơn vị phá bom. “Có quá nhiều thứ mang phong cách cao bồi kiểu John Wayne. Nó rất xa rời thực tế” - Phillips nói - “Tôi rất vui vì The Hurt Locker đã chuyển tải tới cho công chúng những khó khăn mà chúng tôi đang đối mặt nhưng lẽ ra họ nên thay đổi một chút nội dung phim”.

Một số người khác có phản ứng nặng nề hơn. “Việc mô tả những người lính chúng tôi trong phim này cho thấy sự thiếu tôn trọng” - Paul Rieckhoff, sáng lập viên Hội cựu chiến binh Mỹ trở về từ Iraq và Afghanistan với 150.000 thành viên, bày tỏ - “Chúng tôi không phải là những tay cao bồi. Chúng tôi không hành động một cách bất cẩn như vậy. Chúng tôi là dân chuyên nghiệp. Rất nhiều điều trong phim này có thể khiến bạn nghĩ theo chiều ngược lại”.

“Tôi chẳng quan tâm tới bộ phim này lắm” - Brian Siefkes, người từng tham chiến ở Iraq, thổ lộ - “Có nhiều khoảnh khắc khiến tôi cảm thấy họ đang cố mô tả cuộc sống thực của những người trong các EOD ở Iraq. Tuy nhiên, thường là họ đã giật gân hóa một cách quá mức”.

Lầu Năm Góc hài lòng

Dĩ nhiên không phải ai cũng có ác cảm với The Hurt Locker. “Những người làm phim quan tâm tới tính kịch và các cảm giác phấn khích, vượt quá những gì chúng ta cho rằng đã ở mức phù hợp với thực tế” - Philip M. Strub, Trợ lý đặc biệt phụ trách truyền thông giải trí ở Lầu Năm Góc, nói. Ngay cả quan chức cấp cao nhất ở Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Robert Gates, cũng hài lòng về bộ phim này. “Đây là bộ phim chiến tranh Iraq hay nhất mà Bộ trưởng từng xem” - Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Geoff Morrell cho biết - “Các bộ phim trước, Bộ trưởng đều cho rằng chúng dính dáng quá nhiều tới chính trị. Ông nghĩ rằng phim này rất lôi cuốn và chân thật, mô tả thực tế cuộc sống của binh lính chúng ta ở Iraq. Trong các phim đã từng làm về chiến tranh, đây là tác phẩm chân thực nhất”.

The Hurt Locker “mất điểm” vì nhà sản xuất

Nhà đồng sản xuất The Hurt Locker, Nicolas Chartier, đã gây bất ngờ khi gửi nhiều thư điện tử kêu gọi các thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) bỏ phiếu cho phim này trúng giải. Điều quan trọng là trong thư, Chartier có bóng gió đả kích đối thủ Avatar. Lá thư này được xem như đã vi phạm quy định vận động giải Oscar của AMPAS. Ngay sau đó, Chartier đã gửi một lá thư xin lỗi vì hành vi “đặc biệt không phù hợp” của mình. Ông nói rằng đã gửi lá thư đầu do “thiếu hiểu biết về các quy định” và “rất hối tiếc” vì hành động của bản thân. AMPAS hiện chưa thông báo họ sẽ xử lý ra sao với sự vi phạm này.


Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link