Phục dựng lễ hội Đèn Quảng Chiếu: Khó khăn nhưng có thể làm được

05/09/2012 09:37 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đó là trao đổi của GS sử học Phan Huy Lê khi nói về ý tưởng "Phục dựng lễ hội Đèn Quảng Chiếu". Bởi bên cạnh giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc, giàu ý nghĩa của lễ hội này, người ta cũng không khỏi lo âu bởi thảm trạng "trùng tu", "phục dựng" di tích, lễ hội hiện nay.



Giáo sư Phan Huy Lê tại Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội hôm 31/8/2012. Ông là thành viên của Hội đồng giám khảo năm 2012.

Ý tưởng phục dựng lễ hội Đèn Quảng Chiếu vừa nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội ở hạng mục giải Ý tưởng. Nhân dịp này, GS Phan Huy Lê giải đáp đầy đủ những cứ liệu, những khó khăn, tính khả thi, và cả quy trình hiện thực hóa ý tưởng này. TT&VH giới thiệu những kiến giải của ông về lễ hội đặc biệt này:       

Hoàn toàn có cơ sở để phục dựng

Về ý nghĩa, trước hết phải khẳng định việc "Phục dựng lễ hội Đèn Quảng Chiếu" là một ý tưởng hay. Vì lễ hội Đèn Quảng Chiếu là lễ hội nổi tiếng nhất, có thể coi là tiêu biểu của đời sống văn hóa cư dân Thăng Long thời nhà Lý. Đặc biệt, có một lần, lễ hội này được tổ chức ngay trong Long Trì (tức Hoàng thành). Việc phục dựng lễ hội Đèn Quảng Chiếu là rất cần thiết.

Không chỉ thế, lễ hội Đèn Quảng Chiếu còn mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa khác. Cụ thể, lễ hội này có từ thời Lý, do vương triều Lý tổ chức và liên quan mật thiết tới Phật giáo. Đây là thời kỳ Phật giáo thống trị và là chỗ dựa tinh thần của vương triều Lý vì thế người tham gia lễ hội không chỉ là người trong hoàng tộc mà cả quần chúng nhân dân. Vì vậy, lễ hội Đèn Quảng Chiếu vừa mang tính chất tôn giáo, tính chất nghệ thuật, tính chất quốc gia và có cả tính chất quần chúng rất rộng lớn.

Về cứ liệu, sử chỉ chép lại rất ngắn gọn là năm nào lễ hội cũng tổ chức vào tháng 9. Nhưng rất may là tấm văn bia "Sùng Thiện Diên Linh" của chùa Đọi (Hà Nam) có một đoạn miêu tả cụ thể về lễ hội Đèn Quảng Chiếu. Văn bia này được một nhà tu hành nhà Lý soạn vào năm 1121. Nhưng do những đặc trưng cố hữu của việc ghi chép văn hóa, lịch sử trong văn bia nên ông cũng chỉ miêu tả ngắn gọn về lễ hội Đèn Quảng Chiếu. Từ những miêu tả đó, ta có thể hình dung cụ thể hơn về lễ hội. Đồng thời kết hợp với rất nhiều những nguồn tài liệu khác, đặc biệt những lễ hội Phật giáo, hoàn toàn có cơ sở để phục dựng lại lễ hội Đèn Quảng Chiếu.



Đoan môn – Nơi dự kiến sẽ tổ chức lễ hội Đèn Quảng Chiếu sau khi được phục dựng.

Hiện nay, trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã tổ chức hội thảo. Về ý tưởng đã được nhất trí, nhưng cách phục dựng thế nào, dựa trên nguồn tư liệu nào, cũng như cả lộ trình đi tới phục dựng vẫn còn là vấn đề. Nhưng tôi tin rằng với sự cộng tác của tất cả các ngành các cấp có liên quan, với sự khai thác triệt để những nguồn tư liệu thì chúng ta có thể phục dựng được.

Về tính khả thi, để phục dựng lại 100% là rất khó nhưng phục dựng đường nét cơ bản thì có thể được. Tôi xin nhấn mạnh, phục dựng Đèn Quảng Chiếu mới chỉ là ý tưởng hay, được giải Ý tưởng- Vì tình yêu Hà Nội. Còn từ ý tưởng tới hiện thực là cả một vấn đề. Sau này, khi ý tưởng này thành hiện thực, ta sẽ trao giải Việc làm- Vì tình yêu Hà Nội (cười).

Cẩn trọng và kiên nhẫn

Việc bảo tồn và phát huy giá trị của Hoàng thành Thăng Long có hai hướng chính. Trước tiên, phải bảo tồn tất cả những giá trị vật thể. Vì đây là di sản văn hóa thế giới nên tất cả những giá trị vật thể phải bảo tồn rất nghiêm ngặt, không những theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam mà còn theo cả Công ước về bảo tồn di sản thế giới của UNESCO.

Song đồng thời để di tích có sức sống, ta phải khai thác cả giá trị di sản phi vật thể mà di tích chứa đựng. Điều này không nằm trong yêu cầu bảo tồn của di sản Hoàng thành Thăng Long, nhưng nó là một yêu cầu cực kỳ quan trọng để tạo ra sức sống và giá trị của di sản. Vì bao giờ cũng vậy, di sản vật thể và phi vật thể không thể tách biệt hoàn toàn nhau được: trong vật thể có phi vật thể, trong phi vật thể có vật thể.

Mục đích chúng ta phục dựng lại lễ hội này là để người dân Hà Nội, cũng như bạn bè yêu Việt Nam, yêu Hà Nội hiểu được đời sống văn hóa của Thăng Long ngày xưa. Bởi người ta mới chỉ biết các di tích vật thể quý giá như đền đài thành quách... Nhưng nếu chỉ có những di tích vật thể này không, người ta sẽ không hiểu hết các giá trị của di sản. Vì di sản phải gắn với con người, cuộc sống thường nhật và đời sống văn hóa. Tức là phải gắn văn hóa phi vật thể vào di tích vật thể”.

Về lộ trình, hiện tại, chúng ta đang ở trong giai đoạn nghiên cứu. Giai đoạn này, tôi đề nghị phải làm rất công phu và cẩn trọng. Vì hiện nay chúng ta mới tiến hành hội thảo để tiến tới kịch bản nên phải thảo luận rất kỹ cái kịch bản đó. Điều này không thể một vài năm mà xong. Để hoàn thành xong bước nghiên cứu trên, theo tôi cần phải bình tĩnh, sau khi nghiên cứu cơ bản xong, ta mới nên đặt ra vấn đề phục dựng như thế nào.

Trong việc phục dựng lễ hội này, tôi ở trong hội đồng tư vấn khoa học nên tôi nhắc nhở là luôn phải kiên nhẫn. Phục dựng theo đúng nghĩa phục dựng thực sự, chứ không phải chỉ dựa vào một số đường nét rồi chúng ta sáng tạo là chính. Dĩ nhiên, phục dựng sẽ phải có ít nhiều sáng tạo vì phục dựng lễ hội ngày xưa nên không thể nguyên xi 100% được. Nhưng lễ hội Đèn Quảng Chiếu phải phản ánh đúng bối cảnh lịch sử của nó cũng như đường nét cơ bản bối cảnh lịch sử đó.

Phú Mỹ (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link