Rạp chiếu phim: Ai còn ai mất?

13/10/2015 13:27 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - So với 5 năm trước, “bản đồ” rạp chiếu phim ở TP.HCM, thị trường chiếu bóng lớn nhất của cả nước, đã thay đổi rất nhiều. Nhiều cụm rạp mới ra đời, một vài rạp cũ được phá đi xây mới nhưng cũng không ít rạp chỉ còn hình hài xơ xác mà vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt một cách khó hiểu.

Bài 1: Âm nhạc ngồi chờ… nhà hát

Bài 2: Sân khấu rối như canh hẹ!

Theo thông tin trên các trang web giới thiệu những điểm vui chơi cho khách du lịch, TP.HCM hiện có 42 cụm rạp chiếu phim. Trong đó, hùng hậu nhất vẫn là hệ thống rạp chiếu CGV (trước đây là Megastar) với 10 cụm rạp nằm trong các trung tâm thương mại sầm uất nhất thành phố.

BHD, Galaxy và Lotte Cinema mỗi đơn vị 5 cụm rạp, Cinebox 2 cụm. Số còn lại là các cụm/rạp mang thương hiệu mới toanh nhưng cũng hứa hẹn sẽ lớn mạnh như Mega GS, Cinestar… và cả những phòng chiếu nhỏ mang tính tự phát với hình thức kinh doanh nhỏ lẻ mà có thể bạn không bao giờ nghe tên, như Sài Thành Media, Feeling hay Cặp Đôi Hạnh Phúc Cinema!

Ào ào xây dựng

CGV, Lotte liên tục khánh thành các cụm rạp mới trên cả nước. Vẫn giữ vững được uy tín thương hiệu và cách thức kinh doanh năng động, CGV gần như đứng đầu trong việc thu hút khán giả ở các đô thị. Mới hồi tháng 4 vừa rồi, CGV đã đưa vào hoạt động rạp chiếu IMAX đầu tiên tại Việt Nam ở Vivo City (Q.7).

Lotte cũng không kém cạnh mấy nhưng không chỉ phát triển đều các cụm rạp, Lotte còn đi vào phân khúc rạp chiếu 5 sao với những phòng chiếu VIP có ghế nằm, màn hình cực lớn và nhân viên phục vụ theo kiểu bấm nút là xuất hiện.


Mega GS đã thế chỗ của rạp Cao Thắng xưa với hệ thống phòng chiếu hiện đại có cả hiệu ứng ở ghế ngồi

Galaxy, BHD vẫn trong quá trình duy trì và gầy dựng thêm các điểm rạp mới với xu hướng ra khỏi trung tâm thành phố, vươn tay tới các vùng dân cư ngoại vi nhưng cũng rất đông đúc.

Bên cạnh đó là những “lính mới” như Cinestar hay Mega GS. Cinestar với 2 cụm rạp: một nằm trong chính rạp Quốc Thanh - đại bản doanh tiệc cưới của ông bầu Phước Sang trước đây, một nằm trên đường Hai Bà Trưng. Được biết, đây là sản phẩm của một nhóm người đã từng đứng trong đội ngũ của Megastar trước đây.

Còn Mega GS là thương hiệu rạp của Sóng Vàng (Golden Screen), một doanh nghiệp đang phát triển khá nóng trong lĩnh vực truyền hình với các ngành mũi nhọn là sản xuất phim và truyền hình thực tế.

Cụm rạp đầu tiên của doanh nghiệp này vừa khánh thành tháng trước ở 19 Cao Thắng - nơi trước đây là rạp Thăng Long, nay đã thành trung tâm thương mại. Mega GS cũng đang tiếp tục xây dựng thêm các cụm rạp khác ở Q.1, Bình Thạnh và Q.5, tất cả đều nằm trong các khu trung tâm thương mại đang xây dựng.

Liên quan đến tên gọi Cinestar và Mega GS cũng có những câu chuyện thể hiện sự nhanh nhạy có phần “láu cá” của những người làm chủ. Cinestar rất gần với Megastar bởi như trên đã nói, nó được tạo dựng bởi một số thành viên chủ chốt từng làm việc ở Megastar xưa; còn Mega GS là cái tên được chủ của Sóng Vàng “chộp” ngay sau khi có thông tin Megastar chuyển nhượng và đổi tên đúng 2 ngày!

Hình thức kinh doanh của các rạp mới cũng rất phong phú. Họ không chỉ kiếm tiền từ khán giả mua vé, từ việc bán đồ ăn thức uống, từ việc cho đặt biển quảng cáo mà còn bán cả rạp cho các thương hiệu. Tức là các thương hiệu trả tiền cho chủ rạp để được có một hoặc vài rạp mang tên thương hiệu với ghế ngồi bọc vải in logo thương hiệu lên. Ví dụ ở Mega GS có rạp của điện thoại Oppo và rạp của nước giải khát Pepsi.

Sôi nổi chuyển nhượng

Hoạt động sôi nổi và đúng nghĩa nhất đương nhiên là những cụm rạp nằm trong tay các tập đoàn nước ngoài và tư nhân trong nước. Và không chỉ sôi động ở mặt bằng bán vé chiếu phim, những hệ thống rạp này còn có sự sôi động ở địa hạt chuyển nhượng.

Cách đây 4 năm, không chỉ thị trường chiếu bóng mà cả giới kinh doanh đều bất ngờ với thương vụ chuyển nhượng mang tính lịch sử trong ngành chiếu bóng Việt Nam của hệ thống rạp chiếu hiện đại nhất lúc bấy giờ: Megastar. Tuy Megastar nhanh chóng bán đứt cho Tập đoàn CJ-CGV của Hàn Quốc để tháo chạy khỏi món nợ 28 triệu USD mà họ đang nai lưng trả nhưng vụ chuyển nhượng trị giá 73,6 triệu USD này vẫn là một thành công khiến người trong ngành chiếu bóng và cả người ở ngoài đều thấy nô nức.

Bởi Megastar vào Việt Nam đúng thời điểm ngành chiếu bóng suy tàn cùng kiệt mà chỉ sau tròm trèm 6 năm, nó đã đạt mức tăng trưởng lên đến 300%. Không chỉ thế, Megastar đã góp phần rất lớn trong việc vực dậy ngành chiếu bóng của Việt Nam và kéo cả các đơn vị tư nhân trong nước vào cuộc đua xây rạp mà đi đầu là Galaxy, BHD.

Galaxy từ 2 năm trước cũng đã bán cổ phần cho một doanh nghiệp Malaysia để chung chia cả lợi nhuận lẫn rủi ro trong thị trường chiếu bóng sôi động hứa hẹn tăng trưởng mạnh hơn bất cứ lúc nào.

Xây dựng, phát triển và bán cho doanh nghiệp nước ngoài dường như là chiến lược kinh doanh mang tính “phổ quát” của các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường rạp. Trong kế hoạch của các doanh nghiệp này, việc bán một phần hoặc hoàn toàn cho doanh nghiệp nước ngoài là mục đích, là sự tính toán ngay từ khi họ bắt đầu bước vào địa hạt này tuy rằng thông tin về các vụ chuyển nhượng như vậy thường là úp úp mở mở chứ không minh bạch như vụ chuyển nhượng của Megastar - một liên doanh với đơn vị cầm trịch là tư bản - trước đây.

Và eo sèo rạp nhà nước

Những rạp chiếu còn thuộc sở hữu nhà nước, tuy rằng cũng đã chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần, giờ hầu như chỉ còn hoạt động cầm chừng. Đó là những rạp như Đống Đa, Tân Sơn Nhất… Tuy vẫn có tu bổ, sửa chữa cải tạo nhưng các rạp chiếu này đã lỗi thời và muốn khắc phục thì chỉ có cách… đập đi xây lại. Bởi với cơ sở vật chất như hiện nay, các rạp này không thể đáp ứng được tiêu chí rạp dành cho những bộ phim cần sự hỗ trợ nhiều của công nghệ phòng chiếu, từ âm thanh đến hình ảnh, thậm chí cả ghế ngồi.

Phim được chiếu ở các rạp này cũng không ăn nhập gì với tính cập nhật của thị trường chiếu bóng. Chẳng hạn như rạp Đống Đa hiện vẫn còn chiếu phim Lật mặt (của ca sĩ Lý Hải) đã phát hành từ hồi tháng 5. Hay rạp Tân Sơn Nhất còn chiếu cả phim Biến mất trong 60 giây (tựa tiếng Anh: Gone In 60 Seconds), bộ phim Mỹ được sản xuất từ năm 2000 và được chiếu “nát nước” trên các kênh phim của truyền hình cáp.

Đó là chưa kể những rạp như Đại Đồng, Cầu Bông, Văn Hoa…, tuy là rạp nhưng chức năng sử dụng đã được chuyển đổi từ rất lâu, thành nơi biểu diễn kịch, quán billiard, cà phê, karaoke hoặc… đóng cửa để đấy.

TP.HCM hiện có 42 cụm rạp chiếu phim, dẫn đầu về số lượng cụm rạp trong cả nước.

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link