Từ con rồng có đôi tay… vũ nữ!(*)

03/04/2009 14:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Chỉ với nửa thế kỷ là kinh đô của nước Đại Việt, mỹ thuật Hoa Lư đã để lại những di sản vô cùng to lớn. Theo chúng tôi đó chính là những viên gạnh đầu tiên cho 1000 năm mỹ thuật Thăng Long. Nhưng cho tới gần đây, mỹ thuật Hoa Lư vẫn là một “mệnh đề quên lãng”.

1. Khi Lý Thái Tổ dời đô về Hoa Lư, ông đã đặt dấu chấm hết cho 42 năm vàng son của kinh đô non trẻ nước Đại Cồ Việt và khởi đầu cho một thời đại mới. Năm 2009 kỷ niệm 1000 năm nhà Lý lên ngôi ở kinh đô Hoa Lư, phải chăng chúng ta cần nhìn lại một chặng đường đã qua, phải chăng chúng ta cần trở về km số O để cùng tìm hiểu điểm xuất phát của những giá trị nền tảng.

Trong đền thờ vua Đinh có tấm hoành phi Chính Thống Thuỷ như xác nhận ý nghĩa thiêng liêng của giá trị khởi đầu này. Những phát hiện khảo cổ Hoàng thành Thăng Long, thêm một lần nữa cung cấp thêm nhiều căn cứ để minh xác mối liên hệ mật thiết với mỹ thuật Hoa Lư. Không thể có mỹ thuật Lý – Trần nếu như không có mỹ thuật Đinh – Lê.

Mỹ thuật Hoa Lư một mệnh đề quên lãng. Chúng ta có khái niệm về mỹ thuật Đại La, có mỹ thuật Thăng Long nhưng chúng ta chưa có khái niệm mỹ thuật Hoa Lư. Mỹ thuật Hoa Lư không tồn tại trong các nghiên cứu hàn lâm ở Việt Nam có những lý do khách quan và chủ quan. Trước hết là hiện vật thực chứng, cho đến trước cuộc khai quật ở Trường Yên năm 1997, chúng ta không có được gì nhiều hơn những dòng viết về những cung điện nguy nga ở Hoa Lư trong Đại Việt sử ký toàn thư, hay giả thuyết của Gustave Dumoutier khi cho rằng khi dời đô về Thăng Long, Lý Công Uẩn đã chuyển một phần cung điện ở Hoa Lư về Thăng Long.

Vấn đề thứ hai là phương pháp, cách tiếp cận. Việc nghiên cứu mỹ thuật Hoa Lư không nên dừng lại ở cái mốc 1009. Mỹ thuật Hoa Lư vẫn tiếp tục sống.

2. Đúng vậy, những gì mà chúng ta thấy ở ngôi đền vua Đinh vua Lê không đơn giản là mỹ thuật của thời Lê, thời Nguyễn. Một đặc điểm dễ thấy trong mỹ thuật Hoa Lư là giao thoa văn hóa Chàm. Dấu ấn Chăm Pa ở Hoa Lư đậm nét tới mức người thợ đá khắc hình rồng trên chiếc sập đá trước Nghi Môn ngoại đền vua Đinh đã dám thay những móng vuốt chim ưng sắc nhọt theo kiểu thức Trung Hoa trong mỹ thuật đời Lê bằng những cánh tay thon mềm uyển chuyển như thường thấy trong các điệu múa các vũ nữ Chăm Pa.
 
Hình rồng có những cánh tay thon mềm uyển chuyển như thường
thấy trong các điệu múa các vũ nữ
(Bản vẽ lại)
 
Âm vang hào sảng của những võ công cái thế thống nhất 12 sứ quân của Đinh Tiên Hoàng, phá Tống bình Chiêm của Lê Đại Hành đã làm nên một “phong cách nghệ thuật Đinh – Lê đơn giản, khỏe khoắn” (theo Tống Trung Tín).

Để nói về phẩm chất của một nền nghệ thuật trong khuôn khổ của một bài báo là điều khó. Nhưng tôi muốn khẳng định một phẩm chất mạnh mẽ vượt lên thời gian, vượt lên những khuôn mẫu gò bó của những thế kỷ văn hóa Nho giáo sau đó. Phẩm chất mỹ thuật này còn lưu dấu ấn đậm nét trên nghệ thuật chạm khắc đền vua Đinh Lê.

Đơn cử như việc lập bia thờ ở đền vua Đinh vua Lê, thoạt nhìn chúng ta thấy nó giống với những tấm bia cùng thời ở Văn Miếu. Ưa cái khí phách mạnh mẽ, thô mập nên hình đôi phượng chầu ngọc minh châu trên tấm bia năm Chính Hòa thứ 17 (1696) trông giống hai con gà cồ hơn là giống con chim phượng – một sự cố tình có dụng ý nghệ thuật. Đây là tấm bia bộc lộ cái tài khéo bậc thượng thừa của người thợ khắc. Bia khắc vào thời chúa Trịnh lấn át vua Lê nên bệ bia mặt trước đôi chuột chầu con cua, khuất phía sau là con rồng nằm dài buồn bã.
 
Bức hình rồng chụp từ bia
 
Trên bia khắc cảnh đôi chuột chầu con cua, phía sau là
con rồng nằm buồn bã

Chim phượng tượng trưng cho sự thanh cao của phẩm cách, sự trang nhã của học vấn. Nhưng không chỉ có chim phượng trên tấm bia Chính Hòa 17 mang vẻ chắc mập, cơ bắp săn chắc, móng cựa sắc nhọn mà trên mảng đồ án chân tảng thời Bá Kếnh đầu thế kỷ 20 (đền vua Đinh), những con chim phượng cũng có dáng vẻ ngang tàng, kiêu hãnh.

Với ý nghĩa thiêng liêng trong hành trình tìm về những giá trị nguồn cội đã góp phần làm nên 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Enter Vietnam group sẽ tổ chức một chuyển lãm chuyên đề về mỹ thuật Hoa Lư với tên gọi “ Những phương pháp nghiên cứu mỹ thuật đền vua Đinh vua Lê, Hoa Lư – Ninh Bình”.
 
----------

(*) Nhân triển lãm chuyên đề về mỹ thuật Hoa Lư khai mạc vào 17h chiều nay (3/4) và kết thúc ngày 12/4 tại 42 - Yết Kiêu- Hà Nội.

Trần Hậu Yên Thế 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link