Vì sao đón giao thừa là sự kiện tồi nhất năm?

31/12/2014 07:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 29/12, nhà báo truyền hình John Oliver tung quả bom truyền thông cuối năm khi chế giễu một sự kiện vốn được người Mỹ trông đợi hàng năm: lễ đếm ngược đón giao thừa ở quảng trường Thời đại, New York.

Chương trình Last Week Tonight của John Oliver (nhà báo, nhà châm biếm chính trị, diễn viên hài) đang trong thời gian tạm dừng phát sóng trên kênh HBO. Nhưng nhân năm mới, ông vẫn tìm cách để xuất hiện, với một thông điệp ông muốn chuyển đến mọi người dân Mỹ.

Trong tập đặc biệt của chương trình, công bố qua YouTube hôm 29/12, Oliver bàn về chủ đề rất thời sự là đêm giao thừa 31/12 sắp diễn ra, với một ý kiến không giống ai.

Ai thích nhìn Ryan Seacrest?

“Đêm giao thừa là sự kiện tồi tệ nhất” - Oliver nói với khán giả - “Nó là sự kết hợp của 3 yếu tố tệ hại nhất của nhân loại: bạn bị ép buộc phải thân thiện với những kẻ lạ mặt; bạn say xỉn, lạnh run, mệt mỏi và cuối cùng, bạn phải nhìn chăm chằm vào Ryan Seacrest trong 5 phút đằng đẵng, chờ đợi anh ta nói cho bạn biết lúc đó là mấy giờ”.

Ryan Seacrest chính là người dẫn chương trình (MC) nổi tiếng của chương trình American Idol. Anh cũng là người dẫn các buổi truyền hình trực tiếp lễ đếm ngược và thả bóng đón năm mới hàng năm tại quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ.


Người dân đón năm mới 2014 ở quảng trường Thời Đại trong đêm 31/12/2013.

Oliver cho rằng mọi người dân đều cần được giải thoát khỏi những điều tồi tệ này, hoặc đúng hơn, họ cần chủ động tìm cách thoát khỏi dịp “không đáng là sự kiện này”. “Đêm giao thừa như cái chết của một con thú cưng vậy. Bạn biết đằng nào nó cũng đến, nhưng bạn không bao giờ chuẩn bị để đón đợi sự tồi tệ của nó” – ông nói.

Không ai muốn ra khỏi nhà khi trời rét căm căm để tham gia vào một bữa tiệc ngoài trời mà chắc chắn họ phải ở lại đến sau nửa đêm. Oliver khuyên người xem hãy sắp xếp một bữa tiệc tại một ngôi nhà ấm cúng nào đó của bạn bè hoặc người thân, hơn là đổ ra đường và hòa mình trong hàng chục nghìn người để đợi thời khắc giao thừa.

Thậm chí, Oliver còn mách khán giả những mẹo vặt nho nhỏ như giả vờ đang phải lau chùi nhà cửa hoặc đang bị ốm, để từ chối những lời mời ra ngoài vào đêm giao thừa. “Cách tốt nhất để ăn mừng đêm giao thừa là hãy nói dối” – ông nhắn nhủ.

Quảng trường Thời đại và 110 năm đón giao thừa

Lễ đón năm mới ở quảng trường Thời đại, New York là một sự kiện lớn, không chỉ với người dân thành phố này mà còn với toàn nước Mỹ, thậm chí còn được trông đợi từ ngoài biên giới nước Mỹ. Đơn giản vì đây là sự kiện có truyền thống rất lâu đời, mãi từ năm 1904, cách đây đã 110 năm.

Ban đầu, lễ đón năm mới được tổ chức bằng cách bắn pháo hoa. Nhưng sau đó, do pháo hoa bị thành phố cấm nên người ta đã chuyển sang thả một quả bóng khổng lồ từ trên đỉnh tòa tháp ở quảng trường từ năm 1907. Chính vì truyền thống tốt đẹp này, sự kiện thả bóng đã trở thành biểu tượng của năm mới đối với người dân New York và Mỹ.

Mỗi năm, cứ vào đêm giao thừa, các ca sĩ nổi tiếng nhất nước Mỹ tập trung ở quảng trường Thời đại và biểu diễn trước hàng chục nghìn người.

Năm nay, theo lịch trình của ban tổ chức, quảng trường sẽ đón người dân đến từ lúc 15 giờ. Đến 18 giờ, chuỗi các hoạt động chào mừng sẽ bắt đầu, trong đó có thắp sáng quả bóng, biểu diễn khai mạc về văn hóa Trung Quốc, hóa trang, múa cổ động, phát các đoạn phim quảng cáo, thông điệp chúc mừng năm mới…

Sau đó, càng về đêm lần lượt diễn ra các tiết mục ca nhạc của Idina Menzel (người hát Let It Go), Taylor Swift. Màn đếm ngược đến năm mới sẽ diễn ra vào 60 phút cuối cùng của năm.

Trong bầu không khí háo hức hằng năm, ít có ý kiến nào lên tiếng đi ngược dòng dư luận, phản đối lễ đón năm mới như John Oliver. Nhưng điều lạ lùng là ý kiến của nhà báo lại nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Không có lời chỉ trích gay gắt nào nhằm vào ông. Dường như trong sâu xa, rất nhiều người cũng có suy nghĩ tương tự, nhưng họ chưa từng nói ra.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link