Vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử âm nhạc (Kỳ 2): Người tố cáo bị 'phản đòn'

29/10/2014 14:05 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi gây xôn xao dư luận, cáo buộc Shinichi Suzuki là kẻ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới, Mark O'Connor đã vấp phải sự phản bác từ nhiều giảng viên âm nhạc theo đuổi phương pháp giảng dạy này.

Nghệ sĩ violin người Nhật Shinichi Suzuki (1898-1998) được coi là bậc thầy tầm cỡ thế giới. Phương pháp Suzuki là một trường phái đào tạo âm nhạc gây tranh cãi trong suốt nhiều thập kỷ qua. Hàng triệu người đã theo học các viện âm nhạc Suzuki trên thế giới, nhưng cũng không ít ý kiến phản đối cách dạy trẻ em tập nhạc từ khi 3 tuổi.

Từ năm 2013 đến nay, qua hàng loạt bài viết trên blog cá nhân, giảng viên kiêm nhạc công violin Mark O'Connor đã tố cáo Suzuki lừa đảo về trình độ âm nhạc và nhiều chi tiết trong cuộc đời mình.

"Một cáo buộc đáng xấu hổ"

Ngay sau khi thông tin được tờ Telegraph (Anh) đăng tải, hôm 28/10, tờ Sydney Morning Herald đã phỏng vấn vài giảng viên âm nhạc về lời tố cáo này. Tất cả đều phản đối thông tin do O’Connor đưa ra.

Goetz Richter, giảng viên liên kết về violin và trưởng khoa đàn dây ở trường âm nhạc uy tín Sydney Conservatorium of Music, cho rằng: “Thật kỳ cục khi nói Suzuki chưa bao giờ theo học Klingler”.

Richter đang nhắc đến Karl Klingler, nhạc công bậc thầy của Dàn nhạc giao hưởng Berlin mà Suzuki nói rằng đã theo học 8 năm. Richter cho biết tiếp: “Klingler sống đến năm 1971 và có thừa thời gian để phủ nhận tuyên bố của Suzuki, nhưng ông đã không làm điều đó”.


Mark O'Connor, người tố cáo Shinichi Suzuki

Richter cũng cho rằng mọi phương pháp dạy nhạc đều có vấn đề khiến người ta đặt câu hỏi. Theo ông, chính O’Connor cũng có phương pháp dạy nhạc của riêng mình, tập hợp trong một bộ sách dài tới 10 tập. O’Connor hướng đến việc luyện nghe cho tai và bồi dưỡng tình yêu âm nhạc ở người học, theo Richter là có nhiều điểm tương đồng với phương pháp của Suzuki.

Một ý kiến phản bác khác đến từ Karen Carey, một trong những giảng viên âm nhạc uy tín nhất tại Australia. Carey cho rằng lời tố cáo của O’Connor là “tai tiếng”. “Hãy nhìn vào ảnh hưởng của Suzuki đối với nền đào tạo âm nhạc. Tôi nghĩ một cáo buộc như vậy thật đáng xấu hổ” - bà nói.

Theo Carey, những đứa trẻ theo học phương pháp Suzuki mà bà biết đều đã thành công. “Mức độ thành công cao hơn nhiều so với hệ thống đào tạo khác mà tôi đã trải qua.  Nhiều đứa trẻ đã trở thành những nhạc công chuyên nghiệp. Tôi biết những người đã chơi nhạc cho Dàn nhạc giao hưởng Berlin, dàn nhạc thính phòng ở Australia và nhiều nơi trên thế giới” - bà nói.

Một trong những ưu điểm của phương pháp Suzuki mà bà Carey chỉ ra, đó là vai trò quan trọng của các bậc cha mẹ. “Ý tưởng của Suzuki dựa trên việc trẻ em học nói từ cha mẹ. Suzuki đã áp dụng điều này vào việc học violin. Theo đó, quá trình dạy nhạc của giảng viên luôn có sự tham gia của cha mẹ các học viên. Tôi thấy cách làm đó rất hiệu quả” - bà nói.

Nhiều bức xúc và hoài nghi

Mặc dù vậy, Viện Suzuki ở Australia lại từ chối bình luận về tố cáo của O’Connor khi được Sydney Morning Herald chất vấn.

Nada Brissenden, nhà đồng sáng lập trường đào tạo Suzuki ở Australia, cũng là một người bạn thân của vợ chồng Suzuki, chỉ phản bác cáo buộc của O’Connor từ một khía cạnh khác. Brissenden cho rằng Suzuki chưa bao giờ tuyên bố là mình học trực tiếp từ bậc thầy Klingler.

“Tôi chưa từng nghe từ Suzuki hay vợ ông nói rằng ông đã đăng ký thi vào trường nhạc ở Berlin. Trong một chuyến du lịch từ Nhật Bản đến Berlin, ông ấy quyết định sẽ ở lại đó để học nhạc và đã tìm thấy một người thầy là Klingler” - bà nói.

Còn về lời cáo buộc lớn nhất của O’Connor, rằng “Suzuki không hề có sự nghiệp biểu diễn, chưa bao giờ ghi âm hay sáng tác chuyên nghiệp, chưa bao giờ là thành viên của một dàn nhạc giao hưởng hay thính phòng chuyên nghiệp nào, chưa bao giờ là một nghệ sĩ solo”, Richter cho rằng điều đó không ngăn Suzuki trở thành thầy dạy nhạc.

Nghệ sĩ violin Monica Naselow, người từng học nhạc theo phương pháp Suzuki, đã kinh ngạc khi nghe cáo buộc của O’Connor về Suzuki. Cần biết rằng Naselow từng biểu diễn trong các dàn nhạc giao hưởng khắp châu Âu và Mỹ. Cô là thành viên Dàn nhạc giao hưởng Tasmanian và từng biểu diễn với chính O’Connor cách đây nhiều năm.

“Các bài viết của anh ta chủ yếu để chứng minh phương pháp của Suzuki là giả mạo còn phương pháp của anh ta mới tốt đẹp. Mọi người đều có quyền đưa ra ý kiến, nhưng anh ta lại tranh cãi về việc Suzuki thi trượt trường nhạc cách đây cả trăm năm rồi. Thật kỳ quặc” - cô nói.

Còn Takao Mizushima, một giảng viên cello theo học phương pháp Suzuki, lại thắc mắc về việc tại sao cáo buộc từ một năm về trước của O’Connor lại được truyền thông chính thống (báo Telegraph của Anh) đăng tải lại, theo hướng khẳng định nó đúng. Với diễn biến mới này, sự kiện được coi là “vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử âm nhạc” đang dần trở nên đầy nghi vấn.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link