Văn hóa Việt trong màu nâu sồng và áo ngũ thân

24/01/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Có lẽ tôi thiếu may mắn nên không được theo gót Thiền sư Thích Nhất Hạnh tu tập theo pháp môn của Làng Mai mà chỉ có cơ hội tiếp xúc với thiền sư qua băng đĩa, các phương tiện truyền thông và đặc biệt qua kho tàng kinh sách mà ông để lại cho đời. Và hình như đọc sách nhiều, xem băng đĩa nhiều, phim ảnh nhiều, tôi cũng ngộ ra được một thứ gì ấy mà mình cảm thấy tâm đắc. Trong bài này tôi muốn nói sâu về chiếc áo tràng (áo giao lĩnh) màu nâu sồng.

1. Được nhuộm từ củ nâu và lá của cây sồng, dùng để chỉ quần áo của nhà chùa hay của người dân quê miền Bắc thường mặc, màu nâu sồng (đen+đὀ hoặc vàng+đὀ sẫm) là màu tối, màu của đất, không đẹp mỹ miều như sắc màu khác, tượng trưng cho sự giản dị, chân chất, bền bỉ, trầm mặc cό khả năng kham nhẫn, chịu thương chịu khό. Trong bài thơ Việt Nam quê ta của cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi có đoạn:

Mặt người vất vả in sâu

Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn

Mặt khác, màu nâu sồng cὸn biểu trưng cho sự thanh đạm nhưng đầy hùng lực cὐa đời sống phạm hạnh, ly tục. Chư tăng ni và Phật tử miền Bắc hầu hết mặc loại trang phục màu nâu sồng này.

Đêm ta về đốt lửa

Chiêm nghiệm một đời thiền

Bóng áo nâu hòa quyện

Giữa mây trời thiên nhiên

Văn hóa Việt trong màu nâu sồng và áo ngũ thân - Ảnh 1.

Ảnh thầy Nhất Hạnh về Việt Nam năm 2008

Màu nâu là màu văn hóa của Phật giáo Việt Nam. Người ta thường nói "màu nâu sồng" tượng trưng cho sự đạm bạc, có gốc rễ từ màu hoại sắc. Hoại sắc là khái niệm chỉ cho một loại màu hòa hợp giữa màu nâu, màu đỏ và màu đất. Các tu sĩ Phật giáo tại Việt Nam chọn lựa màu này để đời sống của mình trở nên giản đơn, không màu mè, không chạy đua, không chạy theo chủ nghĩa hưởng thụ hình tướng vốn không phù hợp với người tu.

Áo nâu sồng là một loại áo ngũ thân được may bằng một loại vải thô ráp nhuộm từ củ nâu với lá sồng, loại vải nhuộm này thường dành cho tầng lớp dân dã bình thường, họ ko đủ điều kiện để mặc gấm, vóc, lụa, là nên tìm một loại vải thô rồi nhuộm với một chất liệu rẻ tiền được coi là sự lựa chọn phù hợp với túi tiền nhất.

Sử dụng màu nâu, người xuất gia trong truyền thống Phật giáo nước ta đã muốn đồng nhất mình với người nông dân lam lũ để thực hiện hạnh khiêm cung, sống đời tri túc, giản dị, gần gũi với dân chúng, thân cận với dân chúng. Màu nâu là màu của khiêm tốn, của tri túc, của nếp sống giản dị. Màu nâu cũng tượng trưng cho sức chịu đựng giỏi, cho tinh thần đại hùng đại lực.

Văn hóa Việt trong màu nâu sồng và áo ngũ thân - Ảnh 2.

2. Trong thời gian 40 năm hành đạo ở hải ngoại, thiền sư Nhất Hạnh đã xây dựng được một tăng đoàn xuất gia quốc tế mệnh danh là Tăng đoàn Làng Mai. Cố nhiên trong Tăng đoàn này có những thầy và những sư cô người Việt Nam, nhưng cũng có những thầy và những sư cô gốc Âu châu, Mỹ châu và các châu khác. Tất cả đều được trang phục bằng áo tràng vạt (áo giao lĩnh) và áo nhật bình màu nâu. (Áo Nhật Bình vốn là Triều phục thời Nguyễn (năm 1807 được đưa vào Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ) dành cho các cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai. Đây cũng là Thường phục của hoàng hậu, công chúa thời đó. Loại áo xẻ cổ, dạng đối khâm, có dải áo to bản (chừng 10cm) quấn quanh cổ tạo nên hình chữ nhật ngay trước ngực).

Các sư cô, ngoài giờ tụng giới và lễ Phật, đều chít khăn màu nâu, theo truyền thống Phật giáo miền Bắc. Hình ảnh người xuất gia ở Việt Nam trên thế giới là hình ảnh của những thầy và những sư cô mặc áo tràng nâu có mang theo chiếc nón lá rộng vành của quê hương Việt Nam. Thế giới đã quá quen thuộc với hình ảnh ấy, không nhầm lẫn được với các thầy và các sư cô của truyền thống Đại Hàn, Trung Quốc, Tây Tạng (Trung Quốc), Nhật Bản, Thái Lan, Tích Lan (Sri Lanka) và Miến Điện (Myanmar). Trong những buổi thiền hành và những ngày khất thực được tổ chức tại các thành phố lớn trên thế giới như Rome, Paris, Frankfurt, Chicago, Los Angeles, v.v… dân chúng các nước Âu Mỹ đã nhiều lần nhận diện được hình dáng người xuất sĩ Việt Nam qua hình bóng chiếc áo nâu và chiếc nón lá truyền thống quen thuộc kia.

Thi hào Nguyễn Du đã xác nhận màu nâu là màu áo truyền thống của người xuất gia Việt Nam. Trong truyện Kiều ta đọc:

Nâu sồng từ trở màu thiền

Sân thu trăng đã vài phen đứng đầu

Và:

Thấy màu ăn mặc nâu sồng

Giác Duyên sư trưởng lành lòng liền thương

Và: Mùi thiền đã bén muối dưa

Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng

Văn hóa Việt trong màu nâu sồng và áo ngũ thân - Ảnh 3.

Ngày thiền sư Nhất Hạnh và Tăng đoàn Làng Mai về dự lễ Phật Đản Quốc tế năm 2008 tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Mỹ Đình, Hà Nội, mọi người đã thấy lại hình ảnh tà áo nâu và chiếc nón lá ấy.

Cũng thế, tại Đại lễ Phật Đản Quốc tế ở Ayutthaya, Thái Lan năm 2010, quý thầy cô Làng Mai cũng được mọi người trên thế giới nhận ra nét truyền thống văn hóa Việt Nam qua tà áo nâu và chiếc nón lá. Áo nâu gụ và chiếc nón lá đã để lại nhiều hình ảnh dễ thương bình dị của người xuất sĩ Việt Nam trong lòng mọi người trên thế giới. Ngày nay mỗi khi người nước ngoài trông thấy quý thầy cô trong tà áo nâu và chiếc nón lá thì nhận diện ra ngay đây là giới xuất sĩ Việt Nam.

Có lần xem băng đĩa, tôi thấy hình ảnh Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất hiện tại phi trường, bước ra từ máy bay, thiền sư đội chiếc nón lá rộng vành đậm chất Huế, vận trên mình chiếc áo giao lĩnh màu nâu sồng và trong miền sâu thẳm của nội tâm tôi thấy hình bóng quê hương Việt Nam hiện lên một cách rõ nét nhất. Tuy phải xa cách Việt Nam gần nửa đời người nhưng dù có đi bốn phương trời, Việt Nam vẫn luôn trong trái tim thầy. Cả màu áo nâu sồng ấy nữa, một màu sắc đậm chất Việt Nam, gần gũi với màu đất và người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương qua hình tượng "gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn".

Nếu nhìn sâu hơn tôi còn thấy một triết lý tương tức ẩn tàng đằng sau màu nâu sồng này chính là đóa hoa sen thơm ngát. Đóa hoa sen bừng nở ra từ trong bùn đen. Một đóa hoa thơm ngát làm rạng rỡ khu vườn Phật giáo Việt Nam và Phật giáo toàn cầu.

3. Tôi đến với chiếc áo ngũ thân gài khuy, cổ đứng, tay chẽn cũng hết sức tình cờ. Chiếc áo có gốc nguồn từ Phú Xuân - Kinh đô Huế, ra đời cách nay cũng trên dưới ba bốn thế kỷ, được vua, chúa, quan lại và thường dân đều mặc chung một kiểu mà từng trở thành bộ  "Quốc phục" của Việt Nam. Sau này, người dân gọi bằng một ngôn từ thân thương, dễ nhớ: "Áo the, khăn xếp", "áo dài, khăn đóng".

Chiếc áo này cũng giống như chiếc áo nâu sồng, ra đời từ dân gian sau được cung đình hóa, theo điển lễ mà trở thành mô thức áp dụng cho muôn dân trăm họ.

Nếu như áo nâu sồng đọng lại trong tâm thức người Việt mình là màu sắc trầm gụ, tựa như màu bùn bình dân thì với áo ngũ thân, giá trị biểu tượng lại nằm ở ý nghĩa của từng thân áo: Hai thân trước tượng trưng cho người cha, người mẹ bên nội. Hai thân sau tượng trưng cho người cha người mẹ bên người hôn phối. Thân bên trong gọi là thân con, thân của người mặc áo, luôn nằm bên trong, phía tay phải người mặc và được bố mẹ bao bọc, chở che. Bổn phận làm con luôn phải sống biết ơn và giữ trọn đạo hiếu với tứ thân phụ mẫu.

Văn hóa Việt trong màu nâu sồng và áo ngũ thân - Ảnh 5.

Tác giả bài viết (trái) tại khóa thiền chánh niệm tại chùa Long Hưng, Chủ đề yêu thương, tháng 11/2022

Nếu như xét ở phương diện tu tập trong đạo Phật, đạo Hiếu luôn được đề cao ở vị trí số một. Chiếc áo ngũ thân đã biểu hiện trọn vẹn tinh thần hiếu thuận ấy.

Còn nếu xét ở mặt hình thức, hai hàng cư sĩ Phật tử tại gia (cận sự nam và cận sự nữ) mặc bộ trang phục áo ngũ thân, cổ đứng, khuy cài, tay chẽn đi chùa lễ Phật vừa đảm bảo nét lịch sự, đoan nghiêm, kín đáo nhưng vẫn thoải mái, dễ thao tác, cử động, đáp ứng các nghi lễ Phật giáo trong không gian tự viện.

Thêm nữa, cả hai bộ trang phục này đều cắm rễ sâu trong lòng dân tộc Việt Nam. Gìn giữ và phát huy hai bộ trang phục này trong thời đại hội nhập như một cách thức sống động để chúng ta bảo tồn bản sắc văn hóa trang phục vậy.

Nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường - Xuân Quý Mão 2023

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link