Văn hóa “vươn mình” trong kỷ nguyên mới (Bài 10): Nâng cao chỉ số "quyền lực mềm" để "vươn mình"

02/02/2025 07:00 GMT+7 | Văn hoá

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh và đề ra nhiệm vụ "Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam".

Vậy "sức mạnh mềm" giúp Việt Nam đạt được những lợi ích cụ thể gì cho quốc gia và người dân? Để nâng cao chỉ số sức mạnh mềm trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta cần làm như thế nào? Và chúng ta nên học hỏi những mô hình hay của các quốc gia trên thế giới? Hay "tự kể, tự viết nên câu chuyện" của riêng mình?

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế

Theo công bố của công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập Brand Finance (có trụ sở tại Anh) về chỉ số quyền lực mềm của các quốc gia năm 2024, Mỹ dẫn đầu bảng xếp hạng toàn cầu với số điểm kỷ lục 78,8 điểm, so với 74,8 điểm trong năm ngoái. Xếp sau Mỹ là Vương quốc Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức.

Điểm số về quyền lực mềm dựa trên 8 trụ cột chính, bao gồm hoạt động kinh doanh và thương mại; quan hệ quốc tế; giáo dục và khoa học; văn hóa và di sản; quản trị; truyền thông; tương lai bền vững, cũng như con người và các giá trị. Quyền lực mềm là cách thức chính mà các quốc gia sử dụng để mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua ngoại giao, truyền thông, văn hóa và giáo dục.

Trong số các nước Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia đầu tư mạnh nhất cho công nghiệp văn hóa, từ đó đang ngày càng nâng cao chỉ số quyền lực mềm. Mới đây nhất, Ủy ban Quốc gia về Phát triển Quyền lực Mềm của Thái Lan cho biết Chính phủ nước này đã quyết định dành ngân sách tới 2,3 tỷ baht cho việc thúc đẩy quyền lực mềm trong năm tài chính 2025 (bắt đầu từ ngày 1/10/2024), nhiều hơn gấp 3 lần so với ngân sách 635 triệu baht trong năm tài chính 2024. Đáng chú ý trong số các dự án sắp được thực hiện là cam kết của ủy ban này phát triển Chợ cuối tuần Chatuchak ở Bangkok thành "trung tâm quyền lực mềm" của Thái Lan trong vòng 2 năm tới.

Báo Xuân - Văn hóa “vươn mình” trong kỷ nguyên mới (Bài 10): Nâng cao chỉ số "quyền lực mềm" để "vươn mình" - Ảnh 1.

Liền chị Quan họ mời trầu đại diện Bộ Quốc phòng Ấn Độ tại buổi lễ khánh thành tượng danh nhân Tagore tại thành phố Bắc Ninh cuối năm 2023. Ảnh: TTXVN

Trước đó, Ủy ban Quốc gia về Phát triển Quyền lực Mềm của Thái Lan đặt mục tiêu nâng cấp các sự kiện truyền thống thành lễ hội đẳng cấp thế giới trên khắp 77 tỉnh của đất nước, nhằm phát huy tối đa thế mạnh trong lĩnh vực văn hóa của quốc gia Đông Nam Á này. Hay như hồi tháng 6 năm vừa qua, Chính phủ Thái Lan khởi động dự án "Một gia đình - Một quyền lực mềm" (OFOS) với mục tiêu tạo ra 20 triệu việc làm với mức lương tối thiểu là 200.000 baht (5.400 USD)/năm. Dự án dự kiến tạo ra 20 triệu việc làm cho người dân và hoàn toàn miễn phí các khóa học nâng cao và tái đào tạo kỹ năng nghề nghiệp thuộc các ngành như thực phẩm, phim ảnh và kịch, âm nhạc, thể thao, thời trang, lễ hội, sách, trò chơi điện tử, du lịch và nghệ thuật.

Với Vương quốc Anh, theo tìm hiểu của PGS-TS Bùi Hoài Sơn: "Vương quốc Anh đã phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp sáng tạo thông qua chiến lược phát triển công nghiệp sáng tạo, bao gồm âm nhạc, điện ảnh, thiết kế, trò chơi điện tử và truyền thông" - ông Sơn nói - "Chính phủ Anh đã hỗ trợ các ngành công nghiệp sáng tạo không chỉ qua việc cấp giấy phép sáng chế và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mà còn đầu tư vào đào tạo nhân lực sáng tạo và xây dựng các cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm văn hóa sáng tạo. Mô hình này có thể là một gợi ý cho Việt Nam trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt trong các lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, và các ngành nghề sáng tạo khác".

Ngoài Vương quốc Anh, ông Sơn còn gợi ý Việt Nam có thể học hỏi mô hình của Trung Quốc trong việc kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo hiện đại. "Các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, truyền hình, và du lịch văn hóa đã được Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, gắn liền với việc quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới. Mô hình này đặc biệt nhấn mạnh sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại, một yếu tố quan trọng để tạo dựng sức mạnh mềm cho quốc gia. Việt Nam có thể học hỏi từ Trung Quốc trong việc bảo vệ di sản và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện đại, đồng thời sử dụng công nghệ để quảng bá và phát triển các sản phẩm văn hóa" - ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, trên thế giới còn rất nhiều những mô hình tốt để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm như "Hallyu" (Làn sóng Hàn Quốc) của Hàn Quốc bằng việc kết hợp giữa chính sách hỗ trợ quốc gia và sự sáng tạo từ các doanh nghiệp, đặc biệt trong việc phát triển các sản phẩm văn hóa mang đậm dấu ấn dân tộc và quảng bá ra thế giới; chiến lược "Cool Japan" của Nhật Bản khi họ chú trọng đến việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa đặc trưng như manga, anime, ẩm thực, và nghệ thuật truyền thống, khuyến khích các công ty hợp tác để quảng bá sản phẩm văn hóa Nhật Bản ra thế giới. Đây là một mô hình mà Việt Nam có thể tham khảo trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia qua các sản phẩm văn hóa độc đáo và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật số để quảng bá văn hóa Việt ra toàn cầu.

"Từ những mô hình này, Việt Nam có thể rút ra bài học trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho việc quảng bá văn hóa, sáng tạo và bảo vệ di sản. Việc áp dụng những mô hình này sẽ giúp Việt Nam không chỉ phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa, mà còn nâng cao vị thế quốc gia và gia tăng sức mạnh mềm trong kỷ nguyên mới" - PGS-TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Chủ động, tăng cường ngoại giao văn hóa

Việc học hỏi kinh nghiệm của quốc tế là điều vô cùng cần thiết, nhưng trên hết và trước hết, Việt Nam cần chủ động viết nên câu chuyện của riêng quốc gia mình một cách hấp dẫn, thuyết phục, qua đó nâng cao hình ảnh Việt Nam, quyền lực mềm Việt Nam. Và trên thực tế Việt Nam đã và đang tự viết nên câu chuyện về quyền lực mềm của riêng mình trên hành trình bước vào kỷ nguyên mới. Một trong những "chương" trong câu chuyện này không thể không nhắc đến chính là sự chủ động và tăng cường về ngoại giao văn hóa.

Cụ thể nhất là vào ngày 30/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 với quan điểm bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa của đất nước.

Chiến lược có 3 điểm mới nổi bật, đó là: làm rõ được nội hàm của ngoại giao văn hóa, xác định nhiệm vụ của ngoại giao văn hóa là phục vụ 2 mục tiêu gồm đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa; xác định chủ thể hướng tới và đối tác triển khai là các địa phương, người dân, doanh nghiệp; cập nhật, cụ thể 5 nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy quan hệ, hội nhập văn hóa, quảng bá đất nước, vận động danh hiệu, tiếp thu tinh hoa nhân loại.

Thực hiện chiến lược này, Chỉ tính riêng năm 2024, ngoại giao văn hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật với rất nhiều chương trình văn hóa ấn tượng diễn ra trong và ngoài nước.

Điểm sáng đầu tiên phải kể đến chính là việc Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể tại Kỳ họp lần thứ 10 Đại hội đồng Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) ngày 11/6/2024. Đây là cơ hội để Việt Nam trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO về văn hóa, đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu của Công ước 2003, cũng như tranh thủ các chương trình, kế hoạch, sáng kiến của UNESCO phục vụ phát triển đất nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trong hợp tác văn hóa ở tầm toàn cầu.

Bên cạnh đó, công tác ngoại giao văn hóa trong năm 2024 còn có những bước chuyển biến rõ nét, đặc biệt trong tư duy, phối hợp hoạt động triển khai các sự kiện. Chỉ tính riêng năm 2024, theo báo cáo tổng kết năm của Bộ VH,TT&DL, công tác văn hóa đối ngoại có nhiều điểm sáng. Cụ thể, Bộ đã tổ chức ký kết 11 văn bản hợp tác quốc tế (2 thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ, 9 thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ) nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, xây dựng 14 kế hoạch triển khai các hoạt động đối ngoại, 9 đề án; nhiều hoạt động, sự kiện giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá, thể thao và du lịch được tổ chức thành công, quảng bá hình ảnh và góp phần củng cố vị thế quốc tế của đất nước.

Năm 2024, ngành văn hóa đã duy trì các hoạt động Tuần văn hóa, Ngày văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia, qua đó đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ giới thiệu với bạn bè quốc tế truyền thống lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam, nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế; Bộ lần đầu tiên tổ chức Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới", nhận được đánh giá cao từ phía Mỹ và các nhà làm phim tinh hoa của thế giới. Sau hội nghị, nhiều biên bản hợp tác đã được ký kết và có ít nhất 5 đoàn làm phim quốc tế sẽ đến Việt Nam; chủ trương xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài theo hướng ưu tiên các quốc gia có đông kiều bào, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện…

Một điểm sáng nữa trong ngoại giao văn hóa trong năm qua, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đó là sự hiện diện và tham gia của Việt Nam khi phối hợp cùng Tổ chức Du lịch Liên Hợp quốc (UN Tourism) lần đầu tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn tại Hội An (Quảng Nam) với hơn 300 đại biểu quốc tế đến từ hơn 50 quốc gia tham dự.

Có được những thành công trên, đầu tiên là nhờ vào Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách đúng đắn trong việc mở rộng các quan hệ đối ngoại thông qua ngoại giao văn hóa, xem ngoại giao văn hóa là một trong những trụ cột. Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội về vai trò của văn hóa nói chung và văn hóa đối ngoại nói riêng cũng ngày càng được nâng cao. Và quan trọng hơn cả, khi công tác văn hóa đối ngoại đã là nhiệm vụ chung của toàn bộ hệ thống chính trị, của cả xã hội thì việc kể với quốc tế câu chuyện riêng về đất nước bằng văn hóa, từ đó hiện thực hóa mục tiêu biến Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về văn hóa nghệ thuật của quốc tế trong kỷ nguyên mới cũng không có gì là quá khó.

Mỗi vận động viên phải là một đại sứ văn hóa

Trong năm 2025, ngành VH,TT&DL sẽ tiếp tục tập trung vào những trọng tâm, trọng điểm quan trọng. Trong đó, tổ chức thành công Triển lãm thế giới 2025 (EXPO 2025) tại Nhật Bản; Duy trì có trọng tâm, trọng điểm tổ chức một số ngày văn hóa, tuần văn hóa tại một số quốc gia theo kế hoạch kỉ niệm gắn liền với văn hóa, thể thao và du lịch, đạt mục tiêu kép là tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Cũng trong năm 2025, ngành VH,TT&DL sẽ tập trung toàn bộ lực lượng để tham gia SEA Games 2025 ở Thái Lan, trong đó, mỗi VĐV phải là một đại sứ văn hóa; tiếp tục đề xuất, hoàn thiện các dự án, chuẩn bị các báo cáo tiền khả thi để hình thành các trung tâm văn hóa ở nước ngoài; tập trung hoàn thành nhiệm vụ, phát triển văn hóa theo đúng tinh thần trong năm 2025 là về đích, hoàn thành tốt nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra; Tiếp tục tham mưu, hoàn thiện các chủ trương, chính sách tại Đại hội XIV, trong đó có vấn đề đối ngoại văn hóa.

Huy Thông - Nguyên Trong Sáng - Quỳnh Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link